Toggle navigation
Câu chuyện hòa nhập của người Việt tại Mỹ
21/05/2018 | 05:59 GMT+7
Chia sẻ :
Mỗi người có một cơ duyên, một con đường riêng đến Mỹ nhưng tất cả họ đều đang ngày càng hòa nhập sâu vào nước sở tại cũng như để khẳng định bản sắc Việt của mình....

Tiềm năng ở những người Việt trẻ
Giáo sư Ngô Thanh Nhàn

Từng tham gia sáng lập “Hội Người Việt Nam tại Mỹ”, tôi nhận thấy người Việt tại Mỹ sau hơn 40 năm vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại của chiến tranh, nhưng đã bớt đi những vấn đề chính trị thời Chiến tranh Lạnh. Gần đây, những người trẻ trong cộng đồng có khuynh hướng tiến bộ, bắt đầu đặt câu hỏi và muốn tìm hiểu về Việt Nam... Đặc biệt, họ đã bắt đầu nghiên cứu về Hội Việt kiều Yêu nước tại Mỹ và Hội Người Việt Nam tại Mỹ, coi đó là một phần lịch sử tiến bộ của cộng đồng.

Ngày nay, người dân Việt Nam có thể đi bất cứ đâu, làm những gì mình muốn - đó là một điều thật vui. Nhưng tôi cho rằng, các bạn trẻ có thể bớt coi việc định cư tại Mỹ là một cái đích phải hy sinh tất cả. Theo tôi, nhập cư vào nước Mỹ cần có “phường” để xây dựng kinh tế cộng đồng và “tự vệ” khi kinh tế khó khăn và kỳ thị chủng tộc tăng lên.

Cuộc sống là những trải nghiệm quý giá

Giáo sư Đại học California Davis Kiều Linh Valverde

Tôi đến Mỹ khi chưa đầy 5 tuổi. Có thể nói, tôi đã xa và “bị bỏ lỡ” Việt Nam kể từ đó. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy tò mò về cách thức người Việt thích nghi với ngôi nhà mới ở Mỹ và sự tò mò này theo tôi tới lúc trưởng thành.

Lớn lên trong thời Chiến tranh Lạnh và hiện đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, tôi đã được chứng kiến ​​một số chuyển đổi đáng kinh ngạc trên toàn thế giới trong việc tạo nên những thay đổi đi cùng những thích ứng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thế giới quan của tôi được định hình bởi những kinh nghiệm quốc tế như đi du lịch qua châu Âu, châu Á và châu Phi...

Với trải nghiệm cá nhân của một người Mỹ lai gốc châu Á (mẹ Việt lai Tây Ban Nha và Pháp, cha Việt lai Anh), tôi có được cái nhìn sâu sắc vào các mối quan hệ xã hội phức tạp. Những trải nghiệm cá nhân trong suốt thời gian sau này đã giúp tôi ghi lại tiến trình kết nối của người Việt ở nước ngoài thông qua cuốn sách Transnationalizing Viet Nam (Chuyển đổi Việt Nam xuyên quốc gia) của mình.

Chỉ có tham vọng và kiên trì
Gia đình Giáo sư Nguyễn Thanh Tùng

Tôi đang làm việc tại trường Đại học Bang Utah (Utah State University) và sinh sống tại thành phố Logan (bang Utah) cùng vợ và hai con trai nhỏ. Theo quan sát và cảm nhận của tôi, Mỹ là một đất nước coi trọng năng lực thực sự (một xã hội coi trọng tài năng - meritocracy). Dù bạn là người nhập cư hay người bản xứ, da trắng hay da màu, chỉ cần bạn có khả năng, bạn sẽ tìm được một vị trí thích hợp trong xã hội.

Sống và làm việc tại đây, bí quyết của tôi là hai từ tham vọng và kiên trì. Do xuất phát điểm rất thấp nên tôi thường đặt ra mục tiêu cao hơn năng lực hiện tại của mình. Vì thế tôi thường xuyên thất bại. Còn kiên trì là quá trình cố gắng đứng dậy sau thất bại, nâng cao năng lực và điều chỉnh mục tiêu để có thể thành công.

Cái giá của khó khăn và thử thách
Tiến sĩ Ngô Thị Minh Thùy

Tôi đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa Kỹ thuật Sinh học, Trường Đại học Stanford. Với tôi, Mỹ là một thế giới thu nhỏ. Ở đây, mỗi người sống theo một cách riêng và có rất nhiều lựa chọn từ môi trường làm việc, công việc, cho đến lối sống và thẩm mỹ.

Môi trường làm việc ở Mỹ rất năng động và cũng thường xuyên có thể thay đổi. Vì thế, người dân ở đất nước này không ngại thay đổi về công việc, ngành nghề và chỗ ở. Chẳng hạn như chồng tôi (cũng là người Việt Nam) rất thích làm kỹ thuật và muốn một công việc có nhiều thử thách về chuyên môn nên vị trí kỹ sư nghiên cứu và phát triển của tập đoàn Intel rất phù hợp với anh ấy. Bản thân tôi muốn một công việc tự do và có cơ hội khám phá nên rất phù hợp nghiên cứu.

Một thuận lợi nữa là chất lượng giáo dục và chăm sóc y tế ở Mỹ rất tốt. Chúng tôi thấy an tâm với hệ thống giáo dục luôn coi trọng sự phát triến sáng tạo toàn diện cũng như tinh thần trách nhiệm ở trẻ được đặt lên hàng đầu. Ở Mỹ cũng luôn cạnh tranh và thu hút nhân tài nên tôi phải cố gắng nếu không muốn bị đào thải. Sự đa dạng về văn hóa rất thú vị nhưng đôi khi làm cho tôi cảm thấy lạc lõng và nhớ quê hương.

Cần suy nghĩ cởi mở
Du học sinh Nguyễn Khánh Huyền

Hiện tại, tôi đang theo học chương trình thạc sỹ ngành Khoa học máy tính, chuyên về Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford. Theo tôi, để hoà nhập ở nước sở tại, trước hết bạn cần phải có suy nghĩ cởi mở, tôn trọng những luồng tư tưởng khác nhau.

Ở Mỹ, môi trường đại học rất dễ để kết bạn bởi trường đại học nào cũng có nhiều câu lạc bộ chuyên về những sở thích, kỹ năng khác nhau. Các sinh viên có thể tham gia các câu lạc bộ để có cơ hội gặp gỡ những người có chung sở thích, đam mê với mình.

Bản thân tôi có thể quan sát cái gì hay thì học, cái gì dở thì không học, nhưng nhất định không được phép đánh giá người khác. 

Hòa nhập nhưng đừng hòa tan
Người nhập cư - Ông Phạm văn Tịch

Tôi được đưa đến Mỹ năm 1968 khi 16 tuổi. Là người Việt Nam, dù sống ở đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi thấy không có ai muốn quên nguồn cội văn hóa của mình. Mỹ là một nước đa chủng tộc, đa văn hoá và người Việt Nam là một trong những cộng động mới nhất chỉ trên 40 năm so với các cộng đồng khác lâu đời hơn nhiều. Thế nhưng, văn hoá Việt rất phong phú, có nhiều món ăn như phở, bánh mì, gỏi cuốn rất phổ biến và được ưa thích với người bản xứ.

Tôi ở đây trước làn sóng di dân 1975, thời điểm đó không có thực phẩm Việt Nam, còn bây giờ hầu như không thiếu thứ gì. Ngoài ra, mỗi năm Xuân về khắp nơi ở Mỹ đều có hội chợ Tết, pháo, hoa, mứt, bánh tét, bánh chưng, áo dài, khăn đóng... khoe sắc màu dân tộc trên xứ người.

Điều này nói lên cộng đồng người Việt đã hòa nhập rất mạnh. Tuy nhiên, nỗi lo lớn của thế hệ tuổi 50 như chúng tôi trở lên là không biết các thế hệ nối tiếp có còn tiếp tục duy trì, giữ gìn bản sắc văn hoá nước Việt được không. Bởi vì nhiều bậc cha mẹ đã nhìn thấy thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ ngày nay bị thiết hụt về văn hóa gốc. Có lẽ, Nhà nước nên có những chính sách chú trọng về duy trì và phát triển văn hoá Việt bằng cách đưa văn hoá phẩm ra nước ngoài nhiều, rộng và đa dạng hơn.

Theo Baoquocte.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com