Đây là cơ hội cho bản thân cô cũng như rất nhiều thầy cô giáo ở khắp nơi được trải nghiệm, kết nối và mang tiếng mẹ đẻ tới cho con em người Việt ở nước ngoài.
Được về dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài mới đây, cô Phạm Phi Hải Yến, đến từ Nhật Bản vô cùng xúc động. Sau nhiều lần đăng ký không thành công, năm nay, cô đã trúng tuyển. Đây là cơ hội cho bản thân cô cũng như rất nhiều thầy cô giáo ở khắp nơi được trải nghiệm, kết nối và mang tiếng mẹ đẻ tới cho con em người Việt ở nước ngoài
Được chia sẻ về việc dạy tiếng Việt ở đất nước mặt trời mọc, cô Phạm Phi Hải Yến rất xúc động và thỉnh thoảng, trong câu chuyện của mình, cô lại phải ngừng lại một chút. Theo chia sẻ của cô, tình hình giảng dạy tiếng Việt ở Nhật Bản so với Mỹ, Australia, Canada hay Hàn Quốc là rất mới, chỉ mới bắt đầu 4 năm nay.Nguyên nhân do số lượng trẻ em chưa nhiều nên việc gìn giữ tiếng Việt cũng chưa được chú trọng. Nhưng nhờ sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản, nên việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con em người nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó có Việt Nam bắt đầu được thực hiện:“Một số gia đình đặt ưu tiên tiếng Việt sau tiếng Anh, Nhật Bản và Trung Quốc và cho rằng, không cần học cũng được. Nhiều năm nay, tình hình đã thay đổi. Luật của Chính phủ Nhật Bản 6/2019 nhấn mạnh, giáo dục Tiếng nhật trẻ em có yếu tố nước ngoài là cần phải tôn trọng ngôn ngữ sử dụng trong gia đình. Điều này cho thấy, Chính phủ Nhật quan tâm tiếng mẹ đẻ trong đó có tiếng Việt”.
Cô giáo Phạm Phi Hải Yến chia sẻ kinh nghiệm dạy tiếng Việt ở Nhật Bản. Ảnh: BTC cung cấp
Sống ở Nhật Bản 12 năm, hiện là nghiên cứu sinh về ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời cũng là giảng viên tiếng Việt, trong một năm qua, cô Phạm Phi Hải Yến đã tổ chức được một lớp tiếng Việt online có tên gọi là líu lo tiếng Việt. Mong muốn của cô là giúp cho trẻ em kiều bào hiểu về cội nguồn của mình. Cho dù được chính phủ Nhật Bản quan tâm cũng như luôn sẵn có tình yêu đối với ngôn ngữ mẹ đẻ của các thầy cô giáo, nhưng thực tế hiện nay, việc dạy tiếng Việt ở Nhật Bản còn gặp nhiều khó khăn. Các em đang sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Nhật. Ngoài ra,việc tổ chức dạy học tiếng Việt cũng chưa được các địa phương quan tâm thực sự. Cô giáo Phạm Phi Hải Yến tâm sự:“Hưởng ứng luật của chính phủ Nhật Bản, một số địa phương, tổ chức lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ em nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng địa phương tham gia cũng như trường học rất ít. Có nơi 1 năm, tổ chức được 30 h, có nơi chỉ 4h, thực chất không phải học ngôn ngữ mà làm quen với nguồn gốc Việt Nam. Đây cũng là cách để hỗ trợ cho việc học tập tiếng Nhật và việc học ở trường. Vì thế, dạy TV chủ yếu nhờ vào chính gia đình, phụ huynh và các thày cô giáo”.
Các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham dự Khóa tập huấn để cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về giảng dạy tiếng Việt. Ảnh: BTC cung cấp
Mong muốn được truyền bá tiếng Việt cho em người Việt ở Nhật Bản, cô Phạm Phi Hải Yến thường xuyên tham dự các sự kiện, hội thảo liên quan đến việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho con em người nước ngoài tại Nhật Bản,trong đó có Việt Nam. Cô thực sự tâm đắc với câu nói của học giả Richard Ruiz: Người mà vừa thông thạo tiếng nước sở tại vừa thông thạo tiếng mẹ đẻ chính là một tài nguyên. Đây chính là động lực để cô hàng ngày, hàng giờ trau dồi ngôn ngữ và trao truyền lại cho các em. Là một người mẹ đang nuôi 2 con nhỏ, cô Phạm Phi Hải Yến càng ý thức nhiều hơn về việc gìn giữ ngôn ngữ cho con em mình bởi cô nghĩ rằng:“Tôi nhận thức trẻ em đều có quyền biết đến nguồn gốc của mình. Bản thân các em có quyền quyền quyết định bản thân mình muốn biết nguồn gốc của mình hay không, tìm hiểu mức độ như thế nào và học hỏi như thế nào. Các em phải có sự yêu thích. Nên trong tương lại, tôi tập trung tạo ra sự hứng thú quan tâm cho các em với Tiếng Việt. Đồng thời, thực hiện hoạt động đang làm ở Nhật là cùng nhau làm bài tập hè, để tạo môi trường kết nối cho các em học sinh cũ giúp đỡ học sinh mới và học sinh mới xoa dịu lo lắng, khó khăn bất an khi đến môi trường mới. Là nơi thực hành tiếng Việt để học tập chứ không phải chỉ giao tiếp hàng ngày”.
Những kỹ năng và những chia sẻ thu được từ đợt tập huấn sẽ giúp cho cô giáo Phạm Phi Hải Yến có nhiều kinh nghiệm hơn, áp dụng được nhiều hơn vào quá trình nghiên cứu giảng dạy của mình. Từ đó, hỗ trợ cho các thầy cô giáo khác, cùng nhau gieo tình yêu tiếng Việt cho trẻ em kiều bào.
Theo Hân My
VOV