Toggle navigation
Cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới phát triển hệ sinh thái văn hóa bao trùm và bền vững
09/06/2023 | 11:12 GMT+7
Chia sẻ :
Từ ngày 6-8/6, tại trụ sở UNESCO (thủ đô Paris), Kỳ họp lần thứ 9 Đại hội đồng Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Việt Nam khẳng định cam kết chung tay với các quốc gia thành viên và các đối tác nhằm phát huy sức mạnh văn hóa và sáng tạo vì sự tự cường và phát triển bền vững.
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 9 Đại hội đồng Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, diễn ra từ ngày 6-8/6 tại trụ sở UNESCO (Paris). (Ảnh: KHẢI HOÀN)
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 9 Đại hội đồng Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, diễn ra từ ngày 6-8/6 tại trụ sở UNESCO (Paris). (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Kỳ họp diễn ra dưới sự chủ trì và điều hành của Đại sứ, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Panama bên cạnh UNESCO Elia Del Carmen Guerra Jurado. Việt Nam, Bỉ, Rumani và Nigeria đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng. Tham dự có đại diện các quốc gia thành viên, quan sát viên, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hải Vân và Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Đào Quyền Trưởng.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, ông Ernesto Ottone, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO nhắc lại tuyên bố chung của các quốc gia thành viên tại Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững (MONDIACULT) năm 2022, công nhận văn hóa là một loại hàng hóa công toàn cầu. Văn hóa và sáng tạo có nhiều đóng góp đáng ghi nhận đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo Báo cáo toàn cầu năm 2022 của Công ước, các ngành công nghiệp chiếm hơn 3,1% GDP toàn cầu và 6,2% tổng số việc làm. Đây là nền tảng để văn hóa được công nhận là động lực mạnh mẽ đối với phát triển bền vững và là mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển bền vững.

Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO cũng nêu ra những thách thức mà ngành văn hóa và sáng tạo phải đối mặt, trong đó có sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và việc giải quyết những vấn đề liên quan sở hữu trí tuệ; kêu gọi các bên tham gia triển khai hành động cụ thể để phát triển hệ sinh thái văn hóa bao trùm và bền vững, tích cực thảo luận để đưa ra tầm nhìn chiến lược cho tương lai của Công ước.

Cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới phát triển hệ sinh thái văn hóa bao trùm và bền vững ảnh 1
Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) với chủ đề “Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Đại sứ, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho biết, các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đánh giá cao sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Việc trúng cử Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa thể hiện uy tín, vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động của Công ước.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng nhấn mạnh, văn hóa và sáng tạo là “nhịp tim” của xã hội, là động lực để phát triển bền vững, phục hồi và gắn kết xã hội. Việt Nam hiện đang triển khai các mục C4, C5 và Tuyên bố chung MONDIACULT và tiến tới lễ kỷ niệm 20 năm Công ước.

Theo đó, Việt Nam chú trọng bảo đảm quản lý Công ước, triển khai hiệu quả các ưu tiên chiến lược, trong đó có môi trường số, địa vị của nghệ sĩ, cũng như các ưu tiên toàn cầu mà cơ quan Liên hợp quốc này đang hướng tới, như bình đẳng giới và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Cùng với đó, Việt Nam cam kết chung tay với các quốc gia thành viên và các đối tác nhằm phát huy sức mạnh của văn hóa và sáng tạo vì sự tự cường và phát triển bền vững.

Cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới phát triển hệ sinh thái văn hóa bao trùm và bền vững ảnh 2
Phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu, tổng kết tinh hoa văn hóa ở các dân tộc chính là khích lệ nhân dân các dân tộc vững tin vào sự đóng góp cho kho tàng chung của văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Phát biểu tại kỳ họp, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, đánh giá cao nỗ lực của Ban Thư ký trong việc triển khai các hoạt động của Công ước. Trước đó, ngày 15/5/2023, nhằm hưởng ứng các hoạt động thực thi Công ước, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 và đang trong quá trình dự thảo trình Quốc hội Việt Nam thông qua ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các chương trình được xây dựng với mục tiêu ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa nghệ thuật thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới phát triển hệ sinh thái văn hóa bao trùm và bền vững ảnh 3
Hát xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Là quốc gia thụ hưởng từ Quỹ quốc tế vì Đa dạng văn hóa IFCD của Công ước, Việt Nam cũng đã hoàn thành Dự án triển khai thí điểm bộ Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO và đang lên kế hoạch xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia của Việt Nam để đưa vào hệ thống thống kê quốc gia, làm cơ sở cho việc thực thi và đề xuất các chính sách, biện pháp phát triển ngành văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.

Bên cạnh đó, các sáng kiến, hội nghị về bảo vệ quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ ghi nhận sự tham gia tích cực từ phía Việt Nam, trong đó phải kể tới Hội nghị cấp cao thế giới về văn hóa và nghệ thuật lần thứ 9 do Liên đoàn các hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hóa (IFACCA) phối hợp Hội đồng Nghệ thuật Thụy Điển tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 5 vừa qua.

Tại phiên làm việc về thực hiện Công ước trong môi trường số, Đoàn Việt Nam đã cung cấp thông tin về nỗ lực quốc gia về việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, với một số điểm mới về quyền tự bảo vệ, trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền trên môi trường số. Đây là một trong những quy định cần thiết nhằm bảo đảm quyền, sinh kế của những nhà sáng tạo và việc khai thác các sản phẩm văn hóa và sáng tạo một cách hợp pháp trên môi trường số.

Cũng trong chương trình làm việc, Việt Nam giới thiệu cuốn sách “Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa và con đường phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam” của tác giả Nguyễn Phương Hòa được xuất bản tháng 5/2023. Ngoài thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển văn hóa số, tác giả đã đề xuất các giải pháp nhằm tạo nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo. Trên tinh thần đó, Việt Nam kêu gọi thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên, các đối tác liên quan trong thực hiện Công ước trong môi trường số.

Cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới phát triển hệ sinh thái văn hóa bao trùm và bền vững ảnh 4
Trình diễn Mẫu Thượng Ngàn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2016. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Nhân dịp này, Ban Thư ký chúc mừng Công ước có thêm 3 quốc gia thành viên mới là Cabo Verde, Pakistan và Turkmenistan, nâng tổng số thành viên lên 152, chiếm 80% tổng số quốc gia thành viên UNESCO.

Ngoài ra, Kỳ họp lần thứ 9 Đại hội đồng Công ước 2005 cũng tập trung thảo luận một số nội dung khác, bao gồm thống nhất chu trình nộp báo cáo quốc gia định kỳ, sửa đổi quy chế làm việc, hướng dẫn sử dụng nguồn quỹ IFCD, khuyến khích các tổ chức và thiết chế văn hóa thúc đẩy khả năng tiếp cận sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, hoạt động của Ủy ban liên chính phủ giai đoạn 2024-2025 và bầu cử 12 thành viên mới của Ủy ban liên chính phủ.

Theo KHẢI HOÀN - MINH DUY
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com