Nhiều người Việt tại các thành phố lớn của Ukraine đã sơ tán và được bố trí sang các nước lân cận, theo Bộ Ngoại giao.
Tính đến chiều 2/3, hầu hết kiều bào ở thủ đô Kiev và thành phố cảng miền nam Odessa, cùng hàng trăm người ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine, đã được sơ tán và bố trí sang các nước lân cận. Trong đó có 140 người sang Ba Lan và ở Warsaw, 70 người đến Romania, khoảng 220 người sang Moldova và sau đó sẽ được bố trí đến Romania, cùng khoảng 30 người tới Hungary, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao cho biết sẽ tiếp tục tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ sơ tán người Việt Nam tại Ukraine ra khỏi vùng chiến sự. Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan cũng báo cáo Thủ tướng kế hoạch sơ tán công dân, sẽ phối hợp các hãng hàng không sớm tổ chức chuyến bay về nước theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế.
Người Việt chuẩn bị lên xe di chuyển tại Lviv, miền tây Ukraine, hôm nay. Ảnh: BNG.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài hôm nay đã công bố những lưu ý về giấy tờ cần thiết và quy định lưu trú đối với người Việt sơ tán từ Ukraine đến một số nước lân cận.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, cộng đồng người Việt ở Ukraine có khoảng 7.000 người, riêng Kharkov khoảng 3.000 người. Số người Việt ở Kharkov đã giảm gần một nửa so với thời điểm năm 2014, khi phong trào ly khai bùng lên ở miền đông nước này. Nhiều bà con chuyển sang nước khác hoặc thành phố khác để làm ăn.
Nga ngày 24/2 mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Sau hơn 6 ngày triển khai chiến dịch, lực lượng Nga đến nay đã kiểm soát được Berdyansk, thành phố duyên hải ở đông nam Ukraine và tăng cường bao vây các thành phố lớn khác của Ukraine như Kiev và Kharkov. Nga tuyên bố đã kiểm soát Kherson ở miền nam nhưng Ukraine bác bỏ thông tin này, nói rằng giao tranh ở đây vẫn tiếp tục.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/2, Tổng thống Putin nhấn mạnh một giải pháp hòa bình chỉ khả thi "khi lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến vô điều kiện", bao gồm "công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, hoàn thành nhiệm vụ phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nhà nước Ukraine, cũng như đảm bảo trạng thái trung lập của Kiev".
Phát biểu trong phiên họp khẩn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 1/3, đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, để đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Các điểm nóng chiến sự Ukraine. Đồ họa: NY Times.
Theo Vũ Anh
Vnexpress