Toggle navigation
Biên giới Ba Lan rộng mở, người Việt ở Ukraine chưa thể đi
26/02/2022 | 09:21 GMT+7
Chia sẻ :
Dù được đồng bào ở các quốc gia lân cận mở rộng vòng tay chào đón, nhiều người Việt vẫn chần chừ trong chuyện rời đi hay ở lại Ukraine.

“Vợ chồng tôi chỉ mất 5 phút để nhất trí nhường một phòng trong căn hộ rộng 90 m2 cho một gia đình người Việt tháo chạy khỏi Ukraine sắp tới”, anh Nguyễn Quốc Phương, một người Việt đã sinh sống ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) 24 năm, nói với Zing.

Cảm thông trước hoàn cảnh của những người Việt tại Ukraine đang trải qua cảnh chiến sự, anh Phương cho biết vợ chồng anh cố gắng sắp xếp để hỗ trợ người Việt tháo chạy từ Ukraine sang Ba Lan.

Tuy nhiên, do có con nhỏ và theo yêu cầu của luật pháp châu Âu, gia đình anh đã đưa ra một vài điều kiện dành cho những người có nhu cầu tạm lánh, bao gồm việc phải có giấy tờ hợp pháp và đi theo gia đình. “Sau khi đăng tải lời ngỏ ý giúp đỡ lên Facebook, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi về vấn đề này”, anh nói.

Từ trước khi Nga tấn công, hiệp định giữa Ukraine và EU vốn cho phép công dân Ukraine vào Schengen trong 90 ngày mà không cần visa. Sau khi cuộc tấn công nổ ra, chính phủ Ba Lan đã cho phép người từ Ukraine có thể băng qua biên giới vào Ba Lan mà thậm chí không cần hộ chiếu.

Tuy nhiên, trao đổi với Zing, nhiều người Việt tại Ukraine nói rằng con đường đến biên giới không hề dễ đi, và nhiều người cũng không chọn việc ra đi.

nguoi Viet o Ukraine anh 1

nguoi Viet o Ukraine anh 2
Hình ảnh tại một ga tàu điện ngầm ở Kharkiv (Ukraine) tối 25/2. Ảnh: Nguyễn Huyền Anh.

Người Việt chần chừ

“Theo chia sẻ của một số người, đa phần họ sống cách biên giới Ba Lan quá xa (600-1.000 km) nên không dám di chuyển do lo sợ bom rơi đạn lạc”, anh Phương nói.

Chị Lệ Nhung, một người dân ở Kharkiv, Ukraine, cũng cho biết “đường đi từ thành phố này đến Ba Lan gặp rất nhiều khó khăn”.

“Gia đình một người bạn của tôi sáng hôm 24/2 đã tự lái ôtô để đến biên giới qua Ba Lan, nhưng phải quay lại giữa đêm vì gặp nhiều chỗ đạn bắn nguy hiểm. Cuối cùng, họ thuê nhà ở một thị trấn ven đường để tạm thời trú lại”, chị nói.

nguoi Viet o Ukraine anh 3

nguoi Viet o Ukraine anh 4

nguoi Viet o Ukraine anh 5

nguoi Viet o Ukraine anh 6
Hình ảnh một ngôi nhà đổ nát ở thủ đô Kyiv, Ukraine, hôm 25/2. Ảnh: AFP.

Bên cạnh đó, một rào cản khác còn là vấn đề quốc tịch. “Ukraine đang kêu gọi công dân nhập ngũ bất kể tuổi tác. Vì vậy, nhiều người có quốc tịch Ukraine không thể rời đi. Người Việt cũng rất trân trọng giá trị gia đình, muốn ở gần người thân trong những lúc khó khăn, nên đó cũng là lý do khiến họ e ngại”, anh Phương cho biết sau cuộc trò chuyện với nhiều người Việt.

Trong khi đó, theo chia sẻ của chị Thùy Dung, một người có bố mẹ và em trai đang ở Kharkiv, gia đình chị sẽ không đến Ba Lan vì lo sợ gặp nguy hiểm trên đường, dù có hộ chiếu Việt Nam.

Chị Huyền Anh (Kharkiv) cũng không muốn rời Ukraine. “Tôi sợ trên đường lỡ xảy ra chuyện gì nên không dám mạo hiểm. Nếu ở lại đây, còn thức ăn, nước uống và chỗ lánh nạn là còn sống”, chị nói.

Huyền Anh và gia đình đã xuống ga tàu điện ngầm ở Kharkiv từ 11h30 (giờ địa phương) ngày 25/2 và dự định qua đêm ở đây cùng nhiều người dân khác để lánh nạn.

Chị đã đưa con gái về nhà người thân ở ngoại ô để lánh nạn trước. “Con gái tôi đã về vùng ngoại ô với bà ngoại, ở đó không nghe thấy tiếng súng đạn. Nhà ông bà cũng có hầm riêng nên đỡ lo hơn, chỉ hai vợ chồng trên thành phố là lánh nạn cùng người dân”, chị nói.

Chia sẻ với Zing, chị Thùy Dung cũng cho biết gia đình và bạn bè của chị ở Ukraine cũng đang cố gắng tìm nơi trú ẩn gần nhất để qua đêm.

“Mọi người lánh nạn ở nhiều nơi. Một số xuống tầng hầm của tòa chung cư hay ga tàu điện ngầm. Số khác xuống các lớp học dưới tầng hầm của các trường gần nhà để lánh nạn”, chị nói.

Hầu hết nơi trú ẩn đều chật kín người, chính quyền thành phố cũng hỗ trợ cho tàu dừng và mở cửa tàu để người dân có thêm chỗ nghỉ. Đến 16h chiều 25/2, nhiều người vẫn nghe thấy tiếng nổ ở sân bay Kharkiv, chị Dung nói.

Sẵn sàng đón đồng bào

Ba Lan là điểm đến hàng đầu của những người tháo chạy khỏi chiến sự ở Ukraine. Các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như xét nghiệm hoặc cách ly đều được nước này dỡ bỏ, theo Belsat.

Bên cạnh đó, người dân có thể đi ngay mà không cần xin thị thực. Đơn xin tị nạn sẽ được chấp thuận ngay tại biên giới. Chính phủ Ba Lan đã triển khai một số trung tâm tiếp nhận người tị nạn di động ở khu vực này. Người dân cũng không cần có hộ chiếu, mà chỉ cần một loại giấy tờ bất kỳ để xác minh danh tính.

nguoi Viet o Ukraine anh 7
Anh Phương trong chuyến đi từ thiện tại một bệnh viện ở Ba Lan. Ảnh: NVCC.

"Tôi đã sẵn sàng ra cửa khẩu biên giới để đón đồng bào ngay sau thông báo của chính phủ Ba Lan", anh Phương nói.

Anh cho biết trong một vài ngày tới, khoảng 20 người Việt tại Ukraine đã hẹn sang Ba Lan và nhờ anh giúp đỡ. “Sau khi nhận được yêu cầu này, tôi đã nhanh chóng nhờ người quen, mỗi người trợ giúp một phần để vơi bớt gánh nặng cho họ”, anh nói.

Ngoài anh Phương, nhiều người Việt tại Ba Lan cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ đồng bào trong lúc hoạn nạn.

“Người Việt Nam ở Ba Lan đã và đang chuẩn bị để đón những người đồng hương của mình sang tị nạn. Chúng tôi đang kêu gọi quyên góp quần áo, chăn và nhiều đồ dùng thiết yếu khác”, anh Nguyễn Tuấn Anh, một người Việt ở Ba Lan, chia sẻ.

Theo Vân Đinh - Hải Linh 
Zing
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com