Toggle navigation
Báo Việt ở Mỹ đưa tin bầu cử ra sao?
30/11/2020 | 11:08 GMT+7
Chia sẻ :
Trong các kỳ bầu cử Mỹ, các kênh tin tức địa phương đóng vai trò quan trọng. Không đưa những vấn đề “đao to, búa lớn”, những tờ báo nhỏ ở quy mô cộng đồng chú trọng giúp cử tri hiểu rõ về cách thức bỏ phiếu và những chính sách mình muốn ủng hộ.
Báo Việt ở Mỹ đưa tin bầu cử ra sao? - Ảnh 1.
Anh Vũ Hoàng Lân đeo khẩu trang phỏng vấn một người Mỹ gốc Việt trong cuộc biểu tình đòi mở lại các tiệm nail ở California trong năm 2020 - Ảnh: NVCC

Tại Mỹ, những tờ báo địa phương nhỏ của người Việt như Phố Bolsa TV (ở quận Cam, California) hay The Scope Boston (ở TP Boston, Massachusetts) được người dân địa phương theo dõi sát sao vì truyền tải tin tức phù hợp với nhu cầu riêng của từng khu vực, trong bối cảnh các tờ báo lớn dần thu hẹp quy mô hoạt động.

Chúng tôi cố gắng đem đến cho người dân những thông tin thiết thực nhất, để họ thực hiện quyền công dân của mình.

Chị Tạ Minh Hà (tổng biên tập của The Scope Boston)

Nhiều quan tâm khác nhau

Thành lập năm 2010 ở quận Cam, Phố Bolsa TV nay đã có hơn 1 triệu người đăng ký trên nền tảng YouTube, tập trung vào các sự kiện trong cộng đồng và tin tức mà người Việt Nam ở Mỹ quan tâm. Năm nay là lần thứ 3 kênh này đưa tin bầu cử tổng thống.

"Bà con Việt Nam quan tâm nhất đến cuộc đua giữa hai ứng cử viên, đảng nào sẽ nắm đa số ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ vì những điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công ăn việc làm của họ trong tương lai" - anh Vũ Hoàng Lân, người sáng lập kênh Phố Bolsa TV, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Bên cạnh hình ảnh nổi bật, "chiếm sóng" của đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden, theo anh Lân, các dự luật mới được đưa ra là điều cộng đồng người Việt cần lưu ý.

"Các dự luật thật ra ảnh hưởng đến cuộc sống mọi người sâu sắc hơn cả chính sách của ứng cử viên tổng thống và địa phương" - anh Lân nói. Tuy nhiên, vì tính chất khô khan và yêu cầu sự am hiểu nhất định nên các dự luật này thường ít được người dân quan tâm.

Tiếp cận những vấn đề này, Phố Bolsa TV thường cố gắng đưa ra nhiều dữ kiện nhất có thể từ cả giới ủng hộ và chống đối, mời gọi những người am hiểu đến nói chuyện nhằm thu hút sự chú ý của bà con, đảm bảo các lựa chọn phản ánh đúng nguyện vọng của họ.

Theo anh Lân, nhiều người Việt từng phổ biến với nhau rằng nếu không hiểu rõ dự luật nào thì nên để phiếu trống cho người nắm tốt hơn họ bầu. "Có tình trạng rất phổ biến là nếu bà con không tìm hiểu thì đánh bừa hoặc bỏ trống" - anh Lân nói.

Ở phía bờ Đông, chị Tạ Minh Hà, tổng biên tập của trang The Scope Boston, cùng các cộng sự của mình cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng đưa tin bầu cử kéo dài hơn dự kiến do sự xuất hiện của hình thức bỏ phiếu qua thư.

"Thông tin chúng tôi thu thập được cho thấy có thể có nhiều lá phiếu không đến kịp nơi kiểm phiếu vào đúng ngày 3-11 - chị Hà cho biết - Sự chậm trễ này sẽ kéo dài thời gian có kết quả chính thức. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ để có thể theo dõi sát sao các diễn biến trong vài tuần tới".

Điều phối bởi Đại học Northeastern ở thành phố Boston (bang Massachusetts), The Scope Boston là tạp chí điện tử phục vụ cộng đồng, bất kể sắc dân, sinh sống trong khuôn viên trường. Riêng Đại học Northeastern có gần 20.000 sinh viên.

Thời điểm sát thềm ngày bầu cử 3-11, khoảng 10 phóng viên cơ hữu và 5 cộng tác viên của The Scope Boston, đều là sinh viên Đại học Northeastern, dồn toàn lực đi ghi nhận không khí tại các khu vực bỏ phiếu

sớm ở khu vực Fenway, Roxbury và tòa thị chính Boston cũng như phản hồi của người dân về kỳ bầu cử gây nhiều hoang mang này.

"Bạn đọc của chúng tôi khá lo lắng trước các thông tin cho rằng lá phiếu của họ sẽ không có hiệu lực, nếu chữ ký không giống chữ ký đã được chính quyền lưu trong hệ thống hoặc điền sai" - chị Hà thông tin thêm, đồng thời cho biết báo dành nhiều "đất đai" giải đáp các thắc mắc này.

Rủi ro tác nghiệp mùa dịch

Đã hơn 7 tháng kể từ lần cuối cùng anh Lân bắt tay một người lạ. Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều phiền hà cho việc tác nghiệp hiện trường của các phóng viên ở Mỹ, đặc biệt là tại các điểm bầu cử và các cuộc tuần hành vốn tập trung đông người.

Hôm 25-10, trong lúc phát trực tiếp buổi tuần hành của hơn 1.000 chiếc xe kêu gọi ủng hộ Tổng thống Trump dọc bờ biển Nam California, anh Lân đã bị một người ủng hộ ông Biden khước từ lời mời phỏng vấn.

"Đó là một trường hợp khá hi hữu" - anh Lân nói. May thay, một người khác trong đoàn chịu mở lời. Và để giữ khoảng cách an toàn, dây thiết bị phải kéo dài ra để đảm bảo thu rõ hình và tiếng.

Trong khi đó, chị Tạ Minh Hà cho biết nỗi lo ngại về việc có thể bị lây nhiễm khiến cử tri tránh né mọi tương tác không cần thiết, trong đó có việc trả lời báo đài ngay tại địa điểm bỏ phiếu. Người dân cũng có xu hướng cảnh giác với truyền thông, e dè trước tình cảnh tin giả tràn lan.

"Tuy vậy, vẫn có nhiều người sẵn sàng nêu quan điểm, cho rằng đây là cuộc bầu cử quan trọng và họ muốn tiếng nói của mình được lắng nghe" - chị Hà cho biết.

Việc tổ chức các cuộc thảo luận với giới chức địa phương và chuyên gia của Phố Bolsa TV hay The Scope Boston đều đã chuyển qua các nền tảng trực tuyến kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ.

"Chúng tôi tránh tối đa việc sử dụng studio nhỏ có nguy cơ lây nhiễm cao" - anh Lân nói. Tuy nhiên, việc giữ khoảng cách ở những buổi xuống đường kêu gọi ủng hộ các ứng cử viên của dân chúng dường như là bất khả, anh Lân chia sẻ từ kinh nghiệm của mình.

2,1 triệu

Nước Mỹ có hơn 2,1 triệu người gốc Việt, theo số liệu điều tra dân số Mỹ năm 2018. Người Mỹ gốc Việt chiếm hơn nửa số lượng người Việt ở hải ngoại và xếp thứ 4 trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, sau người Mỹ gốc Hoa, gốc Philippines và gốc Ấn.

Phần đông người Mỹ gốc Việt sinh sống tại hai tiểu bang California và Texas. San Jose ở California là thành phố có đông người Việt sinh sống nhất với khoảng 106.000 người.

Theo KHOA THƯ
Tuổi trẻ
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com