Toggle navigation
Bác sĩ Việt kiều trên đất nước Chùa Tháp hết lòng vì bệnh nhân
05/02/2019 | 07:05 GMT+7
Chia sẻ :
Nằm trên địa bàn quận Mean Chay, bên dòng sông Bassak chảy qua thủ đô Phnom Penh xuôi về phía Việt Nam, bệnh viện Chak Angre của bác sĩ Việt kiều Heng Lihong nhiều năm qua đã mang lại niềm vui cho hàng nghìn bệnh nhân, có cả những bệnh nhân không có khả năng trang trải chi phí y tế.

Vợ chồng bệnh nhân An Xi Nat cùng các bác sĩ đã chữa lành bàn chân bi hoại tử cho chị.

Tiếp xúc với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử vào một chiều cuối năm trong khuôn viên bệnh viện rợp bóng xoài và những giàn hoa đủ màu sắc, bác sĩ ngoại khoa Heng Lihong, 56 tuổi, cho biết, việc thành lập bệnh viện ở một địa bàn đang còn thiếu thốn về cơ sở y tế vào thời điểm giữa những năm 2000 được chính quyền và người dân nhiệt tình ủng hộ. Là một bác sĩ được đào tạo tại Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và có kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm công tác nên ông cùng y bác sĩ và điều dưỡng viên của bệnh viện đã thăm khám, điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ở thủ đô và các tỉnh trong cả nước Campuchia.

Qua tìm hiểu thực tế thấy bệnh viện của bác sĩ Việt kiều Heng Lihong là cơ sở khám, chữa bệnh có hiệu quả, góp phần tạo nên uy tín của bác sĩ được đào tạo ở Việt Nam đối với người dân sở tại. Cuối năm 2018, Đại sứ quán nước ta đã quyết định trao một khoản tiền từ thiện cho Bệnh viện Chak Angre để trợ giúp những bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả viện phí.

Bệnh nhân An Xi Nat, 53 tuổi, sống ở thành phố Ta Khmao, tỉnh Kandal, bị một thanh xà gồ rơi vào chân khi đang lao động trên công trường. Ba ngày sau chân sưng to, nhiễm trùng chị mới đi viện. Sau gần nửa tháng chạy chữa ở các phòng khám tại địa phương với chi phí khoảng 1.000 USD, vết thương của chị càng nặng hơn và được bác sĩ thông báo có khả năng phải cắt chân. Nhà nghèo, hai vợ chồng luống tuổi sớm tối làm lụng nuôi con, chị An Xi Nat choáng váng khi biết tình trạng vết thương của mình và không biết vay tiền ở đâu để phẫu thuật. Đang lúc hoang mang thì gia đình chị được người ta mách cho đến khám ở bệnh viện của bác sĩ Việt Nam, chắc chắn sẽ khỏi bệnh và có thể được giảm chi phí.

“Khi mới vào viện, bác sĩ cho y tá rửa vết thương, cạo lấy hết mủ ra, tôi đau lắm nhưng tin tưởng. Sau nhiều ngày điều trị, khi vết thương đã hết nhiễm trùng, bác sĩ phẫu thuật lấy da bụng của tôi để vá vào hai vết thương ở bàn chân. Ngày mở băng, tôi vái lạy trời đất, không dám nhìn. Rồi khi thấy da ghép liền với vết thương, tôi mừng quá gọi điện cho gia đình và bạn bè. Tôi được cứu rồi, không phải cắt chân’’, chị An Xi Nat vừa kể vừa lau nước mắt.

Trong hơn một tháng điều trị, bệnh nhân An Xi Nat được các bác sĩ, y tá và và điều dưỡng viên trong bệnh viện hết lòng quan tâm chăm sóc. Là người trực tiếp hiến máu cho bệnh nhân này, bác sĩ Chey Ratana tốt nghiệp tại Đại học Y Thái Bình cho biết, chị thương bệnh nhân nghèo không có tiền để truyền máu nên sẵn lòng giúp đỡ. Khi học ở Việt Nam, chị đã thấm nhuần y đức “Thầy thuốc như mẹ hiền’’. Trở về công tác tại quê hương Campuchia, chị luôn nỗ lực học hỏi để có thể khám và điều trị ngày càng tốt hơn cho người bệnh.

Anh Lai Vibol, chồng chị An Xi Nat, vui mừng vì vợ được chữa lành vết thương và cũng thấy nhẹ lòng khi được lãnh đạo bệnh viện sử dụng một phần quỹ từ thiện của Đại sứ quán Việt Nam để trợ giúp viện phí. Anh xúc động chia sẻ, 40 năm trước, bộ đội Việt Nam đến cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Hôm nay đây, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 7-1 thì người mẹ của các con anh lại được các bác sĩ Việt Nam chữa lành vết thương đã bị hoại tử. Gia đình anh vui lắm. Việt Nam và Campuchia luôn yêu quý nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn.


Gia đình chị Nguyễn Thị Sa vui mừng khi được Bệnh viện Chak Angre chữa lành bệnh và tặng quà.

Trong số những bệnh nhân nghèo được trợ giúp viện phí có cả người gốc Việt, bệnh nhân Nguyễn Thị Sa, 51 tuổi ở huyện Kroko tỉnh Pursat bị viêm ruột thừa, được chở đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Sống lênh đênh bằng nghề đánh cá trên Biển Hồ, người mẹ của ba đứa con mỗi khi ốm đau thường chỉ uống mấy viên thuốc tự mua. Chị đâu biết cơn đau nặng lần này có thể đã lấy đi sinh mạng của mình nếu không được đưa về Phnom Penh phẫu thuật và điều trị kịp thời.

Về việc trợ giúp phí điều trị cho người nghèo, bác sĩ Heng Lihong – Giám đốc Bệnh viện Chak Angre cho biết, toàn thể y bác sĩ và điều dưỡng viên của bệnh viện đặt việc cứu chữa bệnh cho người dân lên hàng đầu. Càng quý hơn khi Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã chắt chiu số tiền do các tổ chức và cá nhân đóng góp cho hoạt động từ thiện để giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Là người Việt sống xa tổ quốc, ông thấy vinh dự được cùng với cơ quan đại diện cho đất nước tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân sở tại cũng như bà con Việt kiều.

Nhờ chữa khỏi bệnh cho nhiều người nên bệnh viện của bác sĩ Việt kiều Heng Lihong được người dân thủ đô Phnom Penh và các tỉnh lân cận tin tưởng. Những ngày qua, khi Chính phủ và nhân dân Campuchia tưng bừng kỷ niệm 40 năm Ngày đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (7-1-1979 – 7-1-2019) và chào đón mùa xuân mới, tập thể hơn 50 y, bác sĩ và điều dưỡng viên của Bệnh viện Chak Angre cũng nhận được nhiều lời cảm ơn sâu sắc cùng những lời chúc mừng Năm mới tốt đẹp nhất từ các gia đình có người thân được chữa khỏi bệnh tại đây.

Theo NGUYỄN HIỆP
Nhân Dân 
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com