Các đại biểu dự khai mạc hội nghị. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)
Năm 2023, Việt Nam và Australia tưng bừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 5 thập kỷ qua, hai nước đã xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nghiên cứu, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trên tinh thần đó, ngày 29/8, tại thành phố Sydney (Australia), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và trường Đại học Sydney đã tổ chức “Hội nghị chuyên đề về đổi mới sáng tạo Australia-Việt Nam.”
Đây là sự kiện nhằm nhìn lại và đánh giá tổng quát lịch sử hợp tác lâu dài giữa hai nước trong nghiên cứu, khoa học và công nghệ, đổi mới trong năm kỷ niệm trọng đại này.
Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Queensland và bang Nam Australia Nguyễn Đăng Thắng; ông Anoulack Chanthivong - Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghệ bang New South Wales và cũng là Bộ trưởng Bộ Công thương Australia; Giáo sư Mark Scott AO - Hiệu trưởng trường Đại học Sydney; cùng hơn 170 đại biểu là các chuyên gia, học giả và các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Sydney, Đại học Western Sydney, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung… tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại sự kiện, các đại biểu đã nghe các bài phát biểu trực tuyến của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Bùi Thế Duy.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng ghi nhận những thành tựu to lớn mà Việt Nam và Australia đã đạt được suốt 5 thập kỷ qua trong việc củng cố và thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trực tuyến tại hội nghị. (Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Sydney, Australia)
Bộ trưởng nhận định trong quá trình này, khoa học, công nghệ và đổi mới là điểm nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và sẽ trở thành trụ cột chính trong khuôn khổ hợp tác sắp tới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kỹ thuật số và tăng trưởng xanh. Vì vậy, Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này, trong đó Australia là đối tác hàng đầu.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng hội nghị chuyên đề sẽ là một diễn đàn tuyệt vời để những người tham gia thảo luận, khám phá và đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương giữa Việt Nam và Australia, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới, từ đó nâng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới trong những năm tới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định Việt Nam và Australia đã nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt trong 50 năm qua. Hai nước đã gặt hái được những thành tựu trong các lĩnh vực có lợi ích chiến lược chung, từ thương mại và đầu tư, chuyển giao kiến thức và đổi mới, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, quốc phòng và an ninh.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, hội nghị chuyên đề là một minh chứng cho mối quan hệ đối tác Việt Nam-Australia trong việc tạo ra tri thức và chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển kinh tế chung.
Thứ trưởng hy vọng hội nghị chuyên đề sẽ tiếp tục khám phá các chủ đề mà cả hai nước cùng quan tâm, từ chăm sóc sức khỏe đến năng lượng sạch, mở ra những kết nối và cơ hội hợp tác mới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney bên lề sự kiện, Tổng Lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng cho biết giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những lĩnh vực luôn được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia ưu tiên.
Trên thực tế, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này có lịch sử lâu dài, đặc biệt được chú trọng trong thời gian qua và gặt hái được nhiều kết quả, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của hai nước cũng như góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác chiến lược song phương.
Ông Nguyễn Đăng Thắng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, Queensland và South Australia (Australia) trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Sydney, Australia. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)
Tuy nhiên, Tổng Lãnh sự cho rằng vẫn còn nhiều việc cần làm để phát triển hơn nữa sự hợp tác này. Trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức mới nổi lên, hai nước cần hợp tác để có thể giải quyết các thách thức và tận dụng những cơ hội này.
Chính vì vậy, hội nghị hướng tới việc tìm kiếm các hình thức và ý tưởng hợp tác mới để hai bên có thể triển khai.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney sau hội nghị, ông Anoulack Chanthivong - Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghệ bang New South Wales, Bộ trưởng Bộ Công thương Australia - cho biết Việt Nam đã chuyển đổi sang một nền kinh tế đa dạng, năng động.
Ông đánh giá lĩnh vực đổi mới, khoa học và công nghệ là một trong những thành tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Chanthivong, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và cam kết phát triển giáo dục, khoa học và tăng trưởng thông qua sự đầu tư nghiêm túc và quyết tâm của người dân quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ trưởng Chanthivong đánh giá Việt Nam không chỉ thực sự là một người bạn tuyệt vời của Australia mà còn là một thị trường quan trọng đối với quốc gia châu Đại dương này. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng mạnh. Hơn nữa, mối quan hệ thương mại này còn dựa trên sự tin cậy, học hỏi lẫn nhau. Hai nước cùng chia sẻ nhiều lợi ích, chẳng hạn như trong nỗ lực khử carbon, ổn định an ninh năng lượng... nhằm mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho người dân của mình.
Ông bày tỏ vui mừng về mức độ hợp tác mà hai nước đạt được, nhất là trong thúc đẩy mục tiêu chung là duy trì một khu vực hòa bình và thịnh vượng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Chanthivong, tương lai mối quan hệ Australia-Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế.
Ông Anoulack Chanthivong - Bộ trưởng về Đổi mới, Khoa học và Công nghệ, kiêm Bộ trưởng về Công nghiệp và Thương mại bang New South Wales, Australia trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Sydney. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)
Ngoài chương trình kỷ niệm 50 năm hợp tác nghiên cứu, khoa học và công nghệ giữa Australia và Việt Nam, trong 2 phiên thảo luận vào buổi sáng và buổi chiều, nhiều hội nghị bàn tròn đã diễn ra với các chủ đề như: Tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa Australia và Việt Nam; Tăng cường hợp tác giữa ngành công nghiệp Australia và Việt Nam; Cải thiện chăm sóc sức khỏe thông qua hợp tác nghiên cứu giữa Australia và Việt Nam; Tăng cường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam thông qua thử nghiệm lâm sàng; Hợp tác bền vững trong tương lai giữa Australia và Việt Nam.
Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ các ngành công nghiệp, học viện và chính phủ đã đề cập đến những thách thức chung mà khu vực phải đối mặt, đồng thời thảo luận các cơ hội hợp tác mới để giải quyết những vấn đề này.
Đặc biệt, các đại biểu đã trao đổi và khám phá các biện pháp nghiên cứu, đổi mới có thể giúp hai nước đáp ứng các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững và thịnh vượng kinh tế.
Hầu hết tất cả đều nhất trí cho rằng Việt Nam và Australia còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trong những lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trong 50 năm tới và xa hơn nữa.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư Greg Fox - Trưởng mạng lưới chuyên gia Việt Nam tại trường Đại học Sydney - cho biết trong bối cảnh Việt Nam và Australia cùng đối mặt với nhiều thách thức trong khu vực, hai nước cần cùng tìm ra những giải pháp mới để đối phó với những thách thức to lớn này. Điển hình, với việc tình trạng biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng tới cả Australia và Việt Nam, hai nước cần tiếp tục phối hợp để giảm thiểu khí thải carbon và cải thiện môi trường sống.
Ông cho rằng “chìa khóa” để giải quyết những thách thức này chính là hợp tác và đổi mới, bao gồm phát triển các giải pháp mới, chia sẻ kiến thức và ứng dụng nghiên cứu.
Theo Giáo sư Fox, quá trình phát triển bền vững của hai quốc gia có liên quan chặt chẽ đến đổi mới. Đây cũng là một vấn đề mang tính thách thức. Việt Nam và Australia đồng quan điểm về các vấn đề như phát triển nông nghiệp, cân bằng độ tuổi dân số, có nhu cầu phát triển kinh tế bền vững và phát triển bền vững các thành phố.
Giáo sư cho rằng Việt Nam và Australia có thể phối hợp với nhau trong phát triển chiến lược về y tế cộng đồng và nâng cao sức khỏe cho người dân.
Trong khi đó, nhận định về mối quan hệ Việt Nam-Australia, Giáo sư Nghiêm Đức Long thuộc trường Đại học Công nghệ Sydney, Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia, cho rằng Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế phát triển rất nhanh, đội ngũ lao động trẻ, cởi mở và khả năng tiếp thu kiến thức rất tốt. Trong khi đó, Australia là một quốc gia đã phát triển, có rất nhiều tiềm năng về kiến thức khoa học cũng như về nguồn vốn. Hai nước có nhiều điểm có thể hợp tác phát triển với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành phát biểu bế mạc hội nghị. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)
Phát biểu kết thúc hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho biết đầu tư vào khoa học-công nghệ và giáo dục là một trong những hoạt động đầu tư mang lại nhiều lợi ích nhất. Từ năm 1974, hợp tác giữa Việt Nam và Australia đã bắt đầu. Đại sứ khẳng định Australia đã, đang và vẫn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong hợp tác khoa học và công nghệ.
Đây là một trong ba trụ cột hợp tác giữa Việt Nam và Australia, bên cạnh hai trụ cột kinh tế và an ninh. Đồng thời, Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh đổi mới tiếp tục là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong những thập kỷ tới giữa hai nước.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho biết Việt Nam mong muốn hợp tác với Australia trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Đại sứ cũng ghi nhận trường Đại học Sydney và nhiều trường đại học khác của Australia đã đóng góp tích cực vào quá trình hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai nước, đồng thời bày tỏ hy vọng kết quả của hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này trong 50 năm tới và xa hơn nữa./.
Theo Thanh Tú-Văn Linh-Lê Đạt
TTXVN/Vietnam+