Các chuyên gia cảnh báo một lượng lớn trẻ em Việt Nam có thể đang bị các nhóm tội phạm bóc lột trong các trại trồng cần sa ở Anh.
Một cảnh sát Anh tịch thu các cây cần sa trong trang trại được phát hiện ở hạt Wiltshire. Ảnh: Guardian
Theo Reuters, cảnh báo trên được đưa ra hôm 21/8, sau khi các số liệu mới cho thấy quy mô lớn của hoạt động sản xuất cần sa ở Anh được công bố.
Cảnh sát đã phát hiện 314 trang trại cần sa ở London từ năm 2016, tương đương hai ngày một trại, theo số liệu chính thức mà London Evening Standard có được. Các trang trại này thường nằm trong những khu dân cư và các lao động ở đây là trẻ em đến từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
"Số lượng lớn các trang trại cần sa trên khắp London và việc đưa trẻ em Việt Nam vào làm việc ở những nơi này thực sự đáng quan ngại", Jakub Sobik, phát ngôn viên tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế, nói. "Có thể có hàng nghìn trẻ em và thanh niên từ Việt Nam bị đưa vào đây và bị các nhóm tội phạm tàn nhẫn bóc lột".
Catherine Baker, nhân viên chính sách của tổ chức chống buôn bán trẻ em ECPAT UK, cho hay giới chức Anh thường xuyên xem các nô lệ trẻ em là tội phạm thay vì giúp đỡ họ.
Cảnh sát London chưa đưa ra phản hồi gì về báo cáo trên.
Anh được xem là đầu tàu quốc tế trong cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ khi thông qua Luật Nô lệ Hiện đại năm 2015 nhằm quy án chung thân với những kẻ buôn nô lệ, bảo vệ tốt hơn những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và buộc các doanh nghiệp lớn phải giải quyết mối đe dọa về lao động cưỡng bức.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng luật này vẫn chưa đủ sức răn đe một ngành thương mại ước tính gây thiệt hại cho Anh hàng tỷ bảng mỗi năm. Hồi tháng hai, chính phủ nước này từng bị chỉ trích vì từ chối cấp quyền tị nạn cho một trẻ mồ côi Việt Nam bị đưa lậu vào Anh để làm việc trong trang trại cần sa.
Tổ chức nhân quyền Australia Walk Free tháng trước ước tính ở Anh hiện có ít nhất 136.000 nô lệ thời hiện đại, cao gấp 10 lần con số của chính phủ năm 2013. Năm ngoái, hơn 2.000 trẻ em được đưa sang Anh và hầu hết bị bóc lột tình dục hoặc cưỡng ép lao động. Đây là con số cao kỷ lục, tăng 66% so với năm trước đó.
"Những trẻ em dễ bị tổn thương này đang bị lợi dụng trong những điều kiện vô cùng nguy hiểm, được trả lương rất ít hoặc không trả, và có thể bị lạm dụng về cả thể chất lẫn tinh thần bởi những kẻ buôn người", bà Baker nói.
Theo Anh Ngọc
Vnexpress