Thấy người phụ nữ dắt theo một đứa trẻ tiến lại gần, giới thiệu tên, Emma Kiener đứng bật dậy, ôm chầm rồi nấc lên nghẹn ngào.
Trưa 19/7, sau 26 năm, cô gái Pháp lần đầu được ôm một người ruột thịt. Cuộc gặp cũng là điểm kết thúc hành trình tìm lại nguồn cội của Emma. Người phụ nữ này là chị gái ruột, tên Trần Thị Thanh Loan.
Emma Kiener (phải) và chị gái Trần Thị Thanh Loan lần đầu gặp nhau tại một quán cà phê ở quận 1, TP HCM, trưa 19/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Emma Kiener lớn lên ở tỉnh Dordogne, thuộc vùng Nouvelle-Aquitaine (Pháp). Nơi đây rất ít người châu Á sinh sống nên từ nhỏ cô đã thấy ngoại hình mình rất khác biệt với cha mẹ và mọi người xung quanh. Năm 15 tuổi, ba mẹ trao lại cho Emma một tập giấy tờ, lúc đó cô mới biết mình có tên là Nguyễn Thị Thanh Hạnh, sinh ngày 5/10/1996 tại bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Sau khi sinh, mẹ bỏ cô ở lại rồi đi mất. Cô bé Hạnh được chuyển qua Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Tam Bình vào ngày 22/10/1996 và được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi đến tận bây giờ.
Dù được cha mẹ nuôi hết mực yêu thương, nhưng Emma chưa từng thôi mong muốn tìm lại gốc gác. Nhiều lần cô tự hỏi: Điều gì xảy ra khi mẹ sinh mình? Sao mẹ lại bỏ rơi con? Ba mẹ ruột là người như thế nào? Emma còn có một người chị nữa ư?... Năm tháng trôi qua, những câu hỏi như vậy dần trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí mà không có câu trả lời.
Cô quyết tìm nguồn cội của mình dù biết cơ hội rất mong manh. "Điều duy nhất tôi biết là mẹ đã cho tôi một cái tên Hạnh. Điều đó có nghĩa là bà ấy cần tôi", Emma bộc bạch.
Dựa theo tên thật của mẹ ruột, Emma đã tìm kiếm trên mạng xã hội, nhưng không có kết quả. Ngày 23/3/2022, Emma liên hệ với anh Đỗ Hồng Phúc ở quận Gò Vấp (TP HCM), với lời giới thiệu, anh có kinh nghiệm kết nối người ở nước ngoài tìm lại gia đình tại Việt Nam. Nhận lời cô gái, Phúc bắt đầu tìm kiếm. Vì địa chỉ không rõ ràng và khu vực tìm kiếm quá lớn nên bước đầu chàng trai không thu được kết quả gì.
Đầu tháng 7/2022, Emma mang theo hy vọng tìm người thân bay sang Việt Nam. Ba mẹ nuôi cũng rất ủng hộ việc làm của con. Họ luôn nói, nếu một ngày nào đó con muốn trở về nơi sinh ra, chúng ta sẽ đi cùng nhau. Ba mẹ sẽ dẫn con đến bệnh viện và những nơi có liên quan để cùng con tìm kiếm.
Đến TP.HCM, Emma kể cô lập tức có cảm giác thân quen như được về nhà dù đây là lần đầu đến Việt Nam. Ngày 11/7, Emma bàn với anh Phúc về việc chia sẻ thông tin tìm mẹ lên mạng xã hội, và cùng anh đến cơ quan chức năng để tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ sau một ngày đăng thông tin lên mạng xã hội, Emma báo với Phúc có người gửi thông tin và nói là chị gái. Sau đó, anh đã làm người kết nối, đưa hai chị em xét nghiệm ADN vào ngày 14/7. Đến ngày 18/7 có kết quả ADN khẳng định Loan và Emma là chị em ruột.
Emma trong những ngày ở TP HCM sau khi đã tìm thấy nguồn cội của mình. Ảnh: Đông Hoàng.
Emma nhớ trong cuộc điện thoại đầu tiên, Loan gọi đến nhận là chị ruột mình. Khi đấy, cô nghĩ rằng đây không thể nào là thật vì chỉ mới đăng bài hôm qua, có thể người này muốn lợi dụng. Sau đó, cô nhận được tin nhắn của chị Loan gửi tấm ảnh có chứa tên mẹ và tên cô kèm địa chỉ cũ. Những thứ ấy đều trùng khớp với câu chuyện của cô gái Pháp. "Cả đêm tôi không ngủ được và tự hỏi rằng liệu có đang mơ hay không?", Emma nói.
Trưa ngày 19/7, hai chị em hẹn gặp nhau tại một quán cà phê ở quận 1. Loan cùng con trai chầm chậm bước vào quán. Hai chị em nhận mặt và ôm chầm lấy nhau trong tiếng nấc nghẹn ngào.
"Thật kỳ diệu. Vừa nhìn thấy bức ảnh của em trên mạng là tôi nhận ra ngay. Em rất giống mẹ", chị Loan kể. "Khoảnh khắc gia đình 5 người cùng ngồi ăn, tôi sẽ nhớ mãi, vì rất lâu rồi tôi chưa được ngồi ăn cùng ba mẹ đẻ của mình".
Chị Loan bắt đầu kể em gái nghe cuộc đời của mẹ, bà Trương Thị Thanh. Tháng 1/1996, chồng mất, vì hoàn cảnh riêng, bà Thanh gửi Trần Thị Thanh Loan (lúc đó 10 tuổi) cho nhà nội và tái hôn. Những tưởng cuộc sống sẽ ổn định khi có gia đình mới, nhưng cái khổ cứ đeo bám. Tháng 10 cùng năm, bà sinh đứa con thứ hai ở tuổi 38. Không đủ điều kiện nuôi nấng, bà Thanh đành để con ở bệnh viện.
Thời gian sau, bà đi thêm bước nữa nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn. Bà và chồng mới làm nghề bán vé số mưu sinh. Có lần cô con gái đầu hỏi mẹ: "Em con sinh ra rồi ở đâu, sao con không thấy mặt em". Khi ấy, bà chỉ lặng lẽ lau nước mắt nói: "Mẹ sinh em gái con ra, nhưng mẹ không thể nuôi nổi. Mẹ đã bỏ em lại bệnh viện".
Mãi sau này, bà Thanh day dứt, nhớ con gái và nhiều lần trở lại bệnh viện tìm nhưng, thông tin về đứa bé khi xưa đã không còn, bà đành bỏ cuộc.
Tháng 11/2015, bà bệnh nặng rồi qua đời ở tuổi 57. Trước khi mất, bà Thanh nắm tay Loan trăn trối, điều nuối tiếc nhất đời bà là bỏ con khi mới sinh ra và mãi không bao giờ gặp lại. "Đó là em gái cùng mẹ khác cha với con. Trong lòng mẹ vẫn nghĩ về em, luôn tự hỏi em ở đâu, có sống tốt không", bà nói.
Sau khi mẹ mất, Loan cũng không chia sẻ câu chuyện mình có một đứa em cho bất kì ai. Khát khao tìm em nhưng chị không có một chút thông tin gì. Mỗi lần xem tin tức về những cuộc chia ly và gặp lại nhau, khi đó chị chỉ ước phép màu sẽ xảy ra. "Có người mẹ nào không muốn cho con mình một cuộc sống tốt đẹp. Đời này tôi không trách mẹ, vì bà đã quá khổ rồi. Và tôi không bao giờ dám tin em sẽ quay về tìm mình", Loan kể.
Sau lần đoàn tụ, Emma có thể gọi tên chị gái. Cô đã biết được cội nguồn của mình, biết về câu chuyện của mẹ ruột nhưng bà không còn trên cõi đời nữa. Emma nói, cô ước rằng có thể nhìn thấy gương mặt mẹ ruột, ôm bà vào lòng và nói rằng cô vẫn sống tốt và vui vẻ, luôn tìm kiếm và nghĩ về bà trong nhiều năm qua.
Bữa cơm đoàn tụ đầu tiên của gia đình Emma, cha mẹ nuôi người Pháp và chị gái ruột Trần Thị Thanh Loan. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hôm sau chị Loan dẫn cô em gái Emma đi thăm mộ mẹ. Đứng trước mộ, Emma đeo đôi bông tai của bà khi còn sống để lại. "Thật không thể tin được. Tôi sống ở Pháp, tôi chưa bao giờ biết gì về ba mẹ ruột của mình. Và giờ tôi đang đeo bông tai mẹ từng đeo. Với tôi đó là điều kỳ diệu. Tôi tin rằng có những điều chỉ khi mất đi, ta mới biết chúng quý giá và đáng trân trọng đến nhường nào", cô nói.
Cuối tháng 7, ba mẹ nuôi Emma trở về Pháp. Hai chị em hẹn gặp nhau vào một ngày gần nhất tại Pháp. Khi đó, Emma sẽ dẫn Loan và cháu trai đi trượt tuyết.
Bà Anna (mẹ nuôi Emma) gửi đến Loan lá thư kèm món quà kỷ niệm. Trong thư bà chia sẻ niềm hạnh phúc khi hai chị em đã tìm được nhau sau rất nhiều năm xa cách. Bà biết ơn vì có thêm hai thành viên mới gia nhập gia đình mình.
"Cảm ơn cháu rất nhiều vì đã đưa hai bác đến thăm nơi bố và mẹ cháu yên nghỉ. Đó là khoảnh khắc rất xúc động đối với tất cả chúng ta, và hai bác sẽ không bao giờ quên", bà Anna bộc bạch.
Theo Đông Hoàng
Vnexpress
Nguồn: https://vnexpress.net/26-nam-tim-nguon-coi-cua-co-gai-phap-goc-viet-4494239.html