24 người của HAGL đang bị bao vây giữa hai dòng nước xiết
25/07/2018 | 06:59 GMT+7
Chia sẻ :
Công nhân người Việt không nhận được cảnh báo đập thủy điện ở tỉnh Attapeu (Lào) có thể vỡ nên không di tản, đang mắc kẹt cùng 2 trẻ em.
Vỡ đập thủy điện nhìn từ trên cao.
Sáng 25/7, trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Nhật Hóa - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp MTV Đại Thắng (trực thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) cho biết, 24 công nhân cùng 2 trẻ em là con của họ vẫn an toàn. Trong chiều nay họ sẽ được trực thăng giải cứu.
Trước thời điểm đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy vỡ (20h ngày 23/7), công ty Đại Thắng không nhận được thông tin cảnh báo từ chính quyền địa phương nên không di tản người. May mắn, khi sự cố xảy ra các công nhân đã trở về căn nhà trong nông trường nằm trên quả đồi.
"Nước từ đập khi tràn tới đồi tách hai dòng chảy xiết cuốn theo nhiều đất đá. Mọi người an toàn nhưng đang bị cô lập", ông Hóa nói.
Người dân mắc kẹt tại một ngôi làng do nước lũ lên quá nhanh. Ảnh: ABC Laos News.
Gần 2 tiếng sau mới biết tin, ông Hóa và người của công ty đến nông trường thì thấy mênh mông nước. Từ trên cao, dòng nước kéo theo cây cối, đá... đổ xuống phát ra những tiếng "rầm rầm". Xung quanh, mọi thứ hỗn độn, tan hoang, nhà cửa của người dân chìm trong biển nước.
"Làm việc ở Lào từ năm 2006, đây là lần đầu tôi thấy cảnh tượng khủng khiếp vậy. Giờ tôi vẫn còn ám ảnh", ông nói và cho biết xung quanh hiện trường đang bị phong tỏa. Lực lượng chức năng gồm công an, quân đội... không cho bất kỳ người nào vào gần khu vực nguy hiểm. Người dân được sơ tán đến hai trường học, cách hiện trường 6 km.
Theo anh Hoá, ngọn đồi công trường cách nơi đập thủy điện vỡ khoảng 500 m đường chim bay. Trên đỉnh có nhiều nhà tập thể dành cho các công nhân. "Nơi công nhân còn mắc kẹt có đầy đủ nước, lương thực và điện thoại để liên lạc. Lúc đầu anh em hơi hoảng sợ, tâm lý bất an và lo lắng nhưng khi biết tập đoàn đang thuê trực thăng đến giải cứu thì ai cũng an tâm", ông Hóa cho biết.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thuê trực thăng của Lào từ thủ đô Vientiane đến chỗ các công nhân. Thời gian di chuyển mất khoảng 5 tiếng. Cuộc giải cứu được tiến hành lúc 12h30 hôm nay, kéo dài trong một giờ.
Cụ thể, mỗi lần máy bay vào nông trường đón được 6 người, đi và về chừng 10 km đường chim bay, mất 15 phút. Tổng cộng sẽ có 4 chuyến. Khi các công nhân được đưa ra vùng an toàn sẽ được chăm sóc để ổn định tinh thần, sau đó hỗ trợ kinh phí và cho xe đưa về nhà.
Ông Nguyễn Duy Quận (Tham tán phụ trách lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào) sáng nay cho biết, cộng đồng người Việt sống tại tỉnh Attapeu đều an toàn sau sự cố vỡ đập Xe Pian - Xe Namnoy. "Tất cả 15 gia đình ở khu vực bị ảnh hưởng đều an toàn", ông nói.
Hiện, các cán bộ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakxe đã có mặt tại huyện Sanamxay, nơi xảy ra vụ vỡ đập, và sẽ làm việc với chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề liên quan. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng đang phối hợp với giới chức sở tại tiến hành công tác bảo hộ công dân nếu có người Việt bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo Đoàn kinh tế quốc phòng 206 và Đội tìm kiếm của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum (đang làm nhiệm vụ tại nước bạn) phối hợp các lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích; trích 250 triệu đồng mua vật chất cứu trợ ban đầu cho người dân bị nạn. Bộ Chỉ huy Quân sự Kon Tum đã chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng sang nước bạn hỗ trợ khi có lệnh của Bộ.
Lực lượng Quân khu 5 phối hợp lực lượng cứu hộ Lào. Video: Nguyễn Đông.
Đêm 23/7, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ, lượng nước khổng lồ đổ xuống hạ lưu. Chính quyền tỉnh Attapeu cho biết đã vớt được 17 thi thể và nhiều dân làng vẫn mất tích, hàng nghìn người mất nhà cửa. Trong khi đó, BBC dẫn nguồn tin riêng nói ít nhất 20 người thiệt mạng, 100 người mất tích.
Theo tài khoản Facebook của Vientiane Times, 7 ngôi làng với 1.300 hộ và hơn 6.000 người vẫn bị ngập trong nước lũ sau vụ vỡ đập. Lực lượng cứu hộ Lào đã sử dụng trực thăng và thuyền để sơ tán những người dân còn bị mắc kẹt, kêu gọi các cơ quan chính quyền và cộng đồng viện trợ khẩn cấp quần áo, lương thực, nước uống và thuốc men cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Vị trí ba con đập chính (khoanh đỏ) của thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy. Đồ họa: PNPC.
Dự án thủy điện do công ty PNPC của Lào thi công, gồm ba con đập nằm trên các nhánh của sông Mekong. Công trình có tổng kinh phí 1,02 tỷ USD, được khởi công từ tháng 2/2013, đã hoàn thành 90% và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019. Nhà máy có công suất thiết kế 410 megawatt, trong đó 90% điện sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương.
Đập phụ bị vỡ là một phần của một mạng lưới gồm ba đập chính và 5 đập phụ trong dự án đập thủy điện XePian - Xe Namnoy do các nhà thầu Thái Lan, Hàn Quốc và Lào phụ trách.
Chủ thầu Hàn Quốc SK Engineering & Construction cho biết vết nứt đầu tiên được phát hiện trên đập vào ngày 22/7. Đến 21h cùng ngày, con đập bị hư hại một phần, nhà thầu phát cảnh báo với chính quyền và dân làng gần đập bắt đầu được sơ tán. Một đội kỹ sư được cử đến gia cố vết nứt trên đập nhưng gặp nhiều khó khăn vì mưa lớn.