1000km là quãng đường mà ông và con trai đã hoàn thành bằng xe đạp trong chuyến đi xuyên Việt. Tôi đồ rằng, hành trình này không chỉ là chuyện chơi của cá nhân ông?
- Đúng vậy, chuyến đạp xe xuyên Việt mang lại nhiều kỷ niệm cho tôi, niềm vui lớn nhất là “bài học đời” tôi dạy được cho con trai.
Tôi chọn cung đường rất đặc biệt, mô phỏng hành trình sống của một con người, để chuẩn bị tinh thần cho con trai (hiện đang là sinh viên đại học ở Mỹ) về những thử thách trên chặng đường đời, những cảnh báo chuyển đổi trong cuộc sống như thế nào. Qua đó, con cảm nhận được giá trị của bài học.
Việc “lôi kéo” con cùng đi chuyến đi này không phải dễ. Qua chuyến đi, tôi và con gắn bó với nhau hơn. Suốt chuyến hành trình, chỉ có 2 bố con, cùng nhau đạp xe, cùng nhau ăn, nói chuyện - chia sẻ nhiều hơn. Tôi quan sát, lắng nghe suy nghĩ của con, xem “con đã trưởng thành đến đâu”. Chuyến đi cũng mở ra kênh trao đổi trong quan hệ của 2 bố con, không đơn giản là chuyến đi du lịch.
Lý lẽ tôi gợi mở câu chuyện này bởi với một người “không đơn giản” ắt hẳn, suy nghĩ và hành động cũng “không đơn giản”. Ý tôi là chuyện ông về Mỹ?
- Thất nghiệp thì phải về thôi (cười lớn).
Đùa thôi, tôi nghĩ thế này, vấn đề thứ nhất, Đại học Hoa Sen (ĐHHS) khá ổn định về mọi mặt, hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp nên cần có hội đồng quản trị mới, hiệu trưởng mới. Khi hội đồng quyết định không công nhận vị trí hiệu trưởng của tôi và hỏi tôi gắn bó lâu dài với ĐHHS ở vị trí hiệu phó điều hành được không? Tôi nói rằng, nếu đứng về khía cạnh nghĩ cho tổ chức thì chuyện tôi ở lại là không nên, có hại cho tổ chức hơn là có lợi.
Nghĩa là, nếu tôi ở lại rất khó cho hội đồng quản trị tìm hiệu trưởng mới. Bởi hiệu trưởng nào cũng muốn chọn hiệu phó phù hợp với chiến lược của họ. Vấn đề nữa hơi tế nhị, không có hiệu trưởng nào muốn người dưới trướng mình có tầm ảnh hưởng hơn mình. Chính vì vậy, nếu tôi không còn ở ĐHHS nữa thì hội đồng quản trị dễ tìm được hiệu trưởng.
Nhưng nếu ĐHHS và ông thực sự quyết tâm cao thì vẫn có cách đạt được sự hợp tác, đúng luật và không nhất thiết phải bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng. Ví dụ, hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm ông chức danh hiệu phó phụ trách cho đến khi Luật Giáo dục thay đổi?
- Vấn đề ở đây là ĐHHS đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp, có hội đồng quản trị mới, phải bầu hiệu trưởng mới, hiệu trưởng mới phải đề cử hiệu phó. Tất cả việc đó phải đúng Luật Giáo dục. Đó là lý do không thể bổ nhiệm hiệu phó trong khi vị trí hiệu trưởng đang trống. Điều này không đúng trình tự và sai nguyên tắc.
Tôi không có sự gọi là trách cứ gì ở đây cả. Có lẽ dư luận hiểu lầm chia sẻ về Mỹ của tôi trên Facebook cá nhân là phản ứng qua kết luận của Bộ GDĐT. Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng Bộ, Sở làm đúng theo Luật Giáo dục ĐH của Việt Nam. Có những bất cập của luật để cho Quốc hội, lãnh đạo làm, còn chuyện chấp hành luật là chấp hành luật, việc này tôi thấy rất nhẹ nhàng.
Có thật ông “nhẹ nhàng” khi về Mỹ?
- Đúng là cũng có nhiều hối tiếc. Đó là những nền tảng tôi xây dựng ĐHHS, những chiến lược tôi xây dựng có tầm nhìn 5-10 năm, có thể hơn nữa, giờ chưa hoàn thành được. Không biết người mới về có thấy được tầm nhìn của mình của tôi.
Bên cạnh đó, sinh viên, giảng viên và nhân viên ĐHHS dành tình cảm cho tôi rất nhiều. Họ ủng hộ tôi, đối xử với tôi rất tốt. Có nhiều sinh viên được tôi thay đổi tư duy tích cực, ngày càng tiến bộ, trong khi tôi phải ra đi. Trên phương diện tình cảm, đó là những thứ đem lại cảm xúc cho tôi.
Ảnh: Cường Ngô
“Những thứ mang lại cảm xúc cho ông” – một bức “tâm thư” chăng?
- Không hẳn vậy! Có nhiều sinh viên chia sẻ họ bồi hồi, ngậm ngùi khi tôi trở về Mỹ. Có sinh viên nói không thể tập trung học trong 2-3 ngày khi tôi đi. Những sinh viên trong nhóm tinh hoa được tôi trực tiếp đào tạo, các em cảm thấy mất mát nhiều hơn. Ngày 15.6, tôi trở lại Mỹ sau chuyến đạp xe xuyên Việt, sinh viên “đòi” ra sân bay tiễn tôi, song tôi cố tình đặt vé máy bay lúc 5h sáng, phần vì không muốn các em cực, phần vì tôi không chịu đựng được sự chia tay.
Quyết định trở về “xứ sở cờ hoa”, một nhân viên trường ĐHHS đã gửi cho tôi một lá thư rất xúc động. Ai cũng biết, ĐHHS từng trải qua cuộc “nội chiến”. Tôi về trường ở cuối cuộc “nội chiến” đó. Trong thư, người này nói rằng: “Ngày anh vào ĐHHS, tôi rất băn khoăn cho tương lai của Hoa Sen. Nhưng ngày anh đi thì tôi lại hối tiếc ngàn lần”. Trước khi tôi về trường, người này ở “phe” bên kia, không ủng hộ tôi, giờ họ thấy được những đóng góp của tôi cho ĐHHS, họ hoàn toàn cảm thấy hối tiếc.
Người thứ 2 không gửi thư thẳng cho tôi mà viết lên trang Facebook cá nhân. Đây cũng là một nhân viên của ĐHHS ủng hộ triết lý giáo dục của BGH cũ. Cho nên cô ấy rất lo lắng khi tôi về trường. Tuy nhiên, trải qua thời gian, cô ấy thấy được những hành động của tôi, đã có cái nhìn khác. “Tôi không chấp nhận những ai nói tiêu cực về Hoa Sen. Và người thay đổi tôi là anh Thành. Anh cho tôi thấy tương lai của ĐHHS, nhìn vào những điều tích cực”.
Nhiều người hỏi tôi đóng góp lớn nhất cho ĐHHS là gì, tôi đáp rằng là tinh thần của giảng viên, sinh viên trong mớ hỗn loạn, rối như tơ vò. Tôi đã thuyết phục họ niềm tin vào tương lai, nhờ vậy mà ĐHHS thoát ra khỏi thời kỳ hỗn loạn.
Theo nguồn tin của Lao Động, hiện HĐQT ĐHHS đã họp để bầu hiệu trưởng mới để gửi lên UBND TPHCM chờ phê duyệt. Trong cương vị mới, vị hiệu trưởng này cần sự tư vấn, ông có sẵn lòng?
- Tôi sẵn sàng với bất cứ trường ĐH nào, không riêng gì ĐHHS. Tôi không phải là người giấu nghề, giấu kiến thức. Khi tôi ra Thừa Thiên Huế, tôi trao đổi kinh nghiệm với cán bộ, sinh viên trường CĐ Kỹ thuật Huế, ra Đà Nẵng – tôi trao đổi kỹ năng mô phạm với Trung tâm Phát triển nghề nghiệp, tôi đến nói chuyện, chia sẻ chân tình với các trung tâm khởi nghiệp ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, khi mình giúp ai đó thành công, ở một khía cạnh nào đó, mình cũng thành công.
Ảnh: Cường Ngô
Có sự băn khoăn nào cho ĐHHS thời điểm này không, thưa ông?
- Chắc chắn không tránh khỏi những băn khoăn và điều này đưa ra một thực tế, đó là “đời không phải lúc nào cũng màu hồng”. Giống như việc có tiến phải có thoái, có thắng phải có thua, không thể trăm trận trăm thắng. Cho nên, vấn đề quan trọng nhất là học được bài học gì từ “cuộc chiến” đó. Đó là bài học thực tế ở đời.
Băn khoăn của tôi lúc này (không đến nỗi lo lắng) là Hoa Sen tìm được hiệu trưởng xứng đáng.
“Một hiệu trưởng xứng đáng” phải hội tụ những tố chất như thế nào?
- Hiệu trưởng phải có nhận định mục tiêu, tầm nhìn của trường ít nhất 5-10 năm là gì, giúp trường đi tới đâu. Hiệu trưởng phải vượt ra khỏi chuyên môn của mình và khả năng của mình. Ví dụ, chuyên môn của tôi là hóa học, công nghệ thông tin, tôi phải nhìn ra ngoài tầm quan trọng của hóa, nhìn ra xã hội và thị trường lao động.
Ở Việt Nam mọi người hiểu “hơi mập mờ” giữa quản lý và lãnh đạo. Đây là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. Quản lý là làm công việc đã có và làm đúng quy trình. Còn lãnh đạo phải tạo ra việc làm mới, quan trọng hơn. Cho nên một người quản lý giỏi chưa hẳn là lãnh đạo giỏi.
Tố chất của người lãnh đạo là nhìn thấy tương lai, có thể truyền lửa được cho cộng đồng của họ, hướng về tương lai đó.
Nói như ông, hiệu trưởng phải là lãnh đạo có tâm và tầm?
- Chính xác! Thực sự vấn đề quản lý để cho hiệu phó làm, đó không phải việc của hiệu trưởng. Công việc của hiệu trưởng là nghĩ về tương lai 5-10 năm cho trường, gợi mở tương lai cho sinh viên của mình. Nếu hiệu trưởng dành quá nhiều tâm sức để quán xuyến công việc nội bộ thì không còn thời gian nghĩ cho tương lai.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Báo Lao Động
Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews Địa chỉ: Bangkok-Thailand Email: vglobalnews@gmail.com |