“Chủ nghĩa cá nhân” – cú sốc văn hóa đầu tiên
Tháng 4/2017, Đinh Thị Hương Thảo giành học bổng trị giá tới 6,5 tỷ đồng cho 4 năm học từ Viện Công nghệ danh giá nhất thế giới Massachusetts Institute of Technology University (MIT) tại Hoa Kỳ.
Sau một năm học đầu tiên, vượt qua những cú sốc văn hóa của một tân sinh viên, cô gái Việt đạt thành tích ấn tượng ở ngôi trường đại học danh tiếng.
Đinh Hương Thảo (giữa ảnh) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên dương. Em là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.
Trong tọa đàm trực tuyến "Thích nghi cuộc sống năm đầu Đại học Mỹ" mới đây, Thảo chia sẻ góc nhìn chân thực về cuộc sống du học, những rào cản về văn hóa ngôn ngữ khi mới sang Mỹ và bí quyết học tập tốt ở môi trường mới.
Theo Phương Thảo, cú sốc văn hóa lớn nhất mà em cảm nhận đầu tiên khi tới Mỹ học tập là “individualism – chủ nghĩa cá nhân”.
Nếu ở Việt Nam, thời gian học tập, ăn uống, sinh hoạt của Thảo thường làm với bạn hoặc gia đình thì khi sang Mỹ, thời gian nhiều nhất lại là ở một mình, làm mọi thứ một mình.
“Một phần là do em mới sang, không có nhiều bạn; một phần do văn hóa ở đây như vậy nên ban đầu em cảm thấy hơi lạc lõng.
Tại Mỹ, mọi người dành nhiều thời gian tập trung với cuộc sống của riêng mình, không quan tâm nhiều đến những người xung quanh đang làm gì hay nghĩ gì. Cảnh này dễ thấy nhất các trong quán cafe, thư viện, phòng ăn đông người.
Sau này, em thấy rằng điều này khá là tốt, nó giúp mình có nhiều thời gian suy nghĩ và dành cho bản thân”, nữ sinh Việt tâm sự.
Lời khuyên của Hương Thảo dành cho các tân sinh viên là chuẩn bị tâm lý trước và đừng ngại kết bạn. Bởi lẽ, cũng có rất nhiều bạn du học sinh quốc tế xa nhà giống cũng gặp khác biệt văn hóa giống bạn, khi làm quen và có bạn đồng hành, tân sinh viên sẽ bớt cô đơn, lạc lõng.
Ngoài khó khăn về mặt tinh thần, khi mới đặt chân sang Mỹ, bạn trẻ Việt cũng gặp những khó khăn về mặt học thuật.
Hương Thảo lưu ý, ở Mỹ thì không được ngại hỏi. Cách học ở đây là học sinh phải chủ động hơn rất nhiều. Bản thân em ở nhà tự cảm thấy mình rất chủ động rồi nhưng sang Mỹ dường như vẫn còn chưa đủ.
Theo nữ du học sinh, sinh viên phải tận dụng tất cả mọi thứ từ giáo viên, giáo sư, trợ giảng… Thậm chí, khi học một môn học nếu bạn chưa hiểu phần nào đó, ngoài giáo sư đang dạy, bạn còn có thể hỏi thêm giáo sư chuyên môn (kể cả họ không dạy mình) hoặc anh chị lớp trên, bạn bè cùng lớp.
Một ngày ở MIT
Cho dù những khó khăn đối với một nữ sinh năm đầu tới Mỹ, Đinh Thị Hương Thảo vẫn xuất sắc giành điểm trung bình học tập GPA tuyệt đối 4.0/4.0 ngay trong năm học đầu tiên và vượt qua rất nhiều ứng viên xuất sắc để trở thành thành viên trong dự án nghiên cứu vật liệu 2 chiều của giáo sư Pablo Jarillo-Herrero tại Viện công nghệ số 1 thế giới này.
Hương Thảo “bật mí”, một ngày ở Viện công nghệ Massachusetts Institute of Technology của em sẽ có 3 việc chính: đến lớp học, đến phòng thí nghiệm, thời gian cùng bạn bè làm bài tập, trao đổi kinh nghiệm sống…
Thường Thảo đến lớp lúc 9 hoặc 10h sáng, lớp học sẽ kết thúc lúc 14 hoặc 15h. Thảo chia sẻ, việc học tập năm nhất của em không quá nặng do lượng thời gian lên lớp khá ít, phần lớn là thời gian trong phòng thí nghiệm.
Mỗi lần vào phòng thí nghiệm, em không chỉ ở 1-2 tiếng vì chỉ cần một máy, chạy một phản ứng đã có thể mất 3-5 tiếng đồng hồ.
“Tuy nhiên, không phải tất cả các ngày trong tuần bạn đều phải lên phòng thí nghiệm nên em vẫn "sống sót" sau năm đầu tiên”, Thảo cười nói.
Năm nhất không quá nhiều áp lực về việc học tập, ngoại trừ khi bạn có bài thuyết trình, dự án nhỏ,… Những ngày không phải đến phòng thí nghiệm, sinh viên ở MIT sẽ dành thời gian với bạn bè xem phim, ăn uống và lo cho bản thân (như dọn dẹp, nấu nướng). Một ngày, Thảo có thể dành thời gian 5 tiếng bên bạn bè.
“Sinh viên ở MIT không sống cuộc sống "mọt sách" như mọi người có thể nghĩ”, Thảo cho hay.
Về chọn môn và chuyên ngành, năm nhất sinh viên học những môn cơ bản như lý, hóa, sinh, khoa học máy tính,… Thảo cho biết trường MIT không yêu cầu bắt buộc phải hoàn thành vào năm đầu tiên. Vì những môn trên không nhất thiết sẽ hỗ trợ cho những môn chuyên ngành của mình sau này. Ví dụ một sinh viên chuyên ngành Toán không cần kiến thức quá sâu về Lý, Hóa, Sinh.
Hương Thảo khuyên tân sinh viên nên cố gắng hoàn thành vì nó dễ nhưng không phải bằng mọi giá các bạn phải hoàn thành những môn cơ bản ngay trong năm nhất.
Năm nhất là thời gian tốt nhất để khám phá, bên cạnh những môn cơ bản, sinh viên nên chọn những lớp mở đầu cho chuyên ngành để giúp bản thân có ý tưởng, cái nhìn rõ hơn về chuyên ngành. có thể khi tham gia 1-2 lớp có thể rất khác suy nghĩ, giúp bạn chọn chuyên ngành phù hợp sau này.
“Đừng vội vàng quyết định chọn một chuyên ngành nào đó. Những cái bạn nghĩ mình sẽ làm về ngành có thể khác hoàn toàn so với thực tế. Năm nhất là năm phù hợp nhất để tìm hiểu, kể cả khi bạn đã chắc chắn ngành vì cụ thể chuyên ngành còn sâu và đa dạng hơn. Nếu bạn không tìm hiểu kỹ có thể cực kỳ thất vọng với những mong đợi về chuyên ngành ấy”, Thảo nhấn mạnh.
Cô gái Việt luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt chương trình học tập. Với Thảo, Writing có lẽ là một trong những môn “khó nhằn” đối với các sinh viên Việt. Theo em, dù có học giỏi tiếng Anh đến mức nào thì cũng không dễ dàng bắt tay viết luận một cách trôi chảy. Một tuần, Thảo đọc 200 trang để lên ý tưởng, không đọc không viết được.
Cô gái “vàng” vật lý Việt Nam xuất sắc giành điểm GPA tuyệt đối ngay trong năm đầu tiên và hiện là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ).
“Cô gái vàng” Vật lý Việt Nam cho biết, so với Việt Nam, học tập tại Mỹ bạn sẽ có nhiều tự do và cơ hội hơn. Do đó, quan trọng là chuẩn bị tâm thế tự lập, bạn phải biết cách sắp xếp và đừng để mình tự do hay gò bó quá, ảnh hưởng đến việc học.
Ngoài ra, cơ hội nghiên cứu, thực tập trong trường và ngoài trường phong phú, sẽ đến bất kỳ lúc nào, vì vậy bạn hãy chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận. Cùng với đó, bạn cũng không ngại tìm sự giúp đỡ từ các anh chị đồng hương và tìm kiếm bạn bè quốc tế, giáo sư về cuộc sống, văn hóa… sự giúp đỡ bất kỳ lúc nào.
Thảo hiện cũng là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam của trường. Theo em nghĩ, đạt được GPA tuyệt đối ở năm nhất không hẳn là quá khó, nhất là đối với học sinh Việt Nam vì có nền tảng kiến thức khá vững từ trung học phổ thông. Tuy nhiên, với một học sinh quốc tế mới sang Mỹ lần đầu tiên, phải cân bằng giữa việc tập trung học tập trên lớp và dành thời gian để thích nghi với cuộc sống và mọi người xung quanh thì lại khá khó.
Thảo có 2 mẹo nhỏ dùng để cân bằng cuộc sống của mình. Một là xây dựng thời gian biểu linh hoạt để hoàn thành tất cả các mục tiêu đầu việc trong từng ngày, từng tuần. Hai là tìm một người có thể nhắc nhở em mỗi khi em bị mất cân bằng giữ học tập và cuộc sống.
“Trong trường hợp của em, em khá may mắn vì có một academic advisor (giáo sư hướng dẫn) rất quan tâm tới học sinh. Em gặp thầy ấy 2 tuần 1 lần, mỗi lần trò chuyện là em có cơ hội nhìn lại 2 tuần xem mình đã làm được gì, có học quá nhiều hay chơi quá nhiều để biết mình cần cân bằng lại”, Thảo chia sẻ.
Theo Lệ Thu
Dân trí