Toggle navigation
'Bất chấp' hậu quả vì lạm dụng trà sữa: Viện trưởng Viện Y học ứng dụng nêu 'cảnh báo đỏ'
24/06/2018 | 06:53 GMT+7
Chia sẻ :
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn nhấn mạnh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu các thành phần, nguyên liệu làm trà sữa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là hoàn toàn có thể xảy ra.

"Không quan tâm nguồn gốc xuất xứ, uống cả tuần"

Trà sữa là loại thức uống được rất nhiều người ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề ưa chuộng chứ không chỉ là các bạn trẻ. Nhất là khi thời tiết nóng bức, thức uống này càng đắt hàng. Chưa kể, xã hội hiện đại, nhiều quán trà sữa xây dựng không gian không chỉ để uống mà còn để người tiêu dùng đến gặp gỡ, tán chuyện, lướt net...

Bạn Trần Thu Hương (20 tuổi, đang là sinh viên trường Đại học Sư Phạm 1 Hà Nội) cho hay, đã thành thói quen, một tuần Hương uống khoảng 5 - 6 cốc trà sữa, mua sẵn ở các cửa hàng. Nhiều hôm còn uống trà sữa thay bữa, bởi mỗi khi dùng thức uống này xong đều cảm thấy no bụng và ngại ăn thêm tinh bột.

Khi được hỏi về thành phần và nguồn gốc của trà sữa hay uống, bạn Hương nói: "Trên mạng nhiều người nói uống trà sữa nhanh béo, da xấu nổi mụn, rất nguy hiểm vì không có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, nhưng em không quan tâm! 

Đơn giản là em thích uống thôi, vì trà sữa ngon, béo ngậy, mát lạnh. Có đợt bọn em uống trà sữa cả tuần luôn, thời điểm hay uống là khi đi học nhóm, vừa học vừa uống".

Là viên văn phòng, chị Lan Anh (30 tuổi, làm ở một ngân hàng) chia sẻ: "Văn phòng làm việc của tôi ở tầng 5, dưới chân tòa nhà có sẵn quán trà sữa nổi tiếng, nên mỗi khi làm việc căng thẳng quá bạn bè lại rủ ra ngoài uống trà sữa.

Cá nhân tôi thấy uống trà sữa dễ uống, giá cả không quá đắt. Uống nhiều rồi thành thói quen nên ngày nào cũng phải uống. Mặc dù tôi cũng biết uống nhiều sẽ béo, nhưng rất khó để từ bỏ thói quen này".

Có muôn vàn những lý do và những cơ hội để mỗi người nạp vào cơ thể những ly trà sữa béo ngậy, mát lạnh. Tuy nhiên, thói quen này sẽ mang tới những ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam

"Thủ phạm" gây thừa cân, béo phì

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam phân tích: "Trà sữa thông thường gồm 3 thành phần chính là trà, sữa, trân châu. Một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335 kcal. Do chứa nhiều đường (có thể lên tới 50g) và calo, nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng".

Đặc biệt là với các bạn lứa tuổi học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, thì uống quá nhiều trà sữa (thậm chí có nhiều bạn trẻ uống trà sữa thay cho các bữa chính hàng ngày) có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển - TS Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại nhiều cửa hàng trà sữa vỉa hè, chủ cửa hàng vì lợi nhuận mà không dùng bột trà tự nhiên mà dùng bột màu, bổ sung thêm các chất phụ gia vượt ngưỡng cho phép. Uống quá nhiều các loại trà sữa không đảm bảo chất lượng, sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, thận. 

Với nam giới, thành phần chủ yếu của trà sữa là dầu thực vật hydro hóa, một loại axit béo dạng trans. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hooc-môn nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức sống của chúng.

Nhiều người vì yêu thích món trà sữa nhưng sợ nguồn gốc không đảm bảo nên tự mua nguyên liệu về chế biến. Sữa kết hợp với trà nếu pha không đúng cách sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch có trong trà.

Tiến sĩ Trương Hồng Sơn cũng nhấn mạnh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu các thành phần, nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề này không đến từ bản thân trà sữa mà đến từ việc sản xuất cũng như nguồn gốc của nguyên liệu tạo ra loại đồ uống này.

"Việc sử dụng hương liệu và phẩm màu thực phẩm quá ngưỡng cho phép có thể gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. 

Trẻ nhỏ vốn là đối tượng rất dễ bị thu hút bởi những hạt trân châu nhiều màu sắc nên thường thích loại đồ uống này. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, bộ máy tiêu hóa còn yếu nên hấp thu loại thực phẩm này rất kém, thậm chí còn bị ngộ độc thực phẩm, nôn, tiêu chảy, hoặc sặc, ngạt thở vì cố hút loại hạt này".

Theo Trí Thức Trẻ

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com