Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận mở cấp cao của HĐBA, đề cao hợp tác giữa các tổ chức khu vực và Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm nay chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột" dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, theo Bộ Ngoại giao.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an. Phiên thảo luận có sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cựu tổng thư ký Ban Ki-mun, lãnh đạo cấp cao và đại diện của 15 nước thành viên HĐBA cùng 5 tổ chức khu vực tiêu biểu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong phiên thảo luận hôm 19/4. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin và đối thoại trong quan hệ quốc tế, đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức khu vực với Liên Hợp Quốc trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột.
Chủ tịch nước nêu những thành tựu quan trọng của ASEAN trong xây dựng một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng, thúc đẩy hợp tác, đối thoại với Liên Hợp Quốc và các đối tác liên quan, cũng như nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin trong giải quyết các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Myanmar.
"ASEAN đang cùng Trung Quốc nỗ lực đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. ASEAN cũng đang phát huy vai trò trung tâm trong tìm kiếm giải pháp thỏa đáng giúp Myanmar sớm ổn định tình hình thông qua đối thoại và hòa giải", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì thông qua Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định sự gắn kết giữa Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột.
Là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm.
Việt Nam từng là thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Ngày 7/6/2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đảm nhận nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu là 192/193.
Vị trí Chủ tịch HĐBA được chuyển luân phiên giữa 15 nước thành viên theo thứ tự chữ cái, mỗi nước đảm nhận chức Chủ tịch hai lần trong một nhiệm kỳ.
Theo Vũ Anh
Vnexpress