Toggle navigation
Từ đại án "chuyến bay giải cứu"- Chống tham nhũng, hối lộ từ gốc
19/07/2023 | 06:02 GMT+7
Chia sẻ :
Những cáo buộc, truy vấn và thanh minh, chối tội cực kỳ "kinh điển" tại phiên toà "chuyến bay giải cứu" mà cả nước đang căng thẳng theo dõi một lần nữa bật ra vấn đề : tội ác tham nhũng , đưa và ăn hối lộ đều bắt đầu từ cơ chế xin - cho.
Bất cứ cái gì liên quan đến "giấy phép" xin – cho đều phát sinh nạn hành dân và nạn hối lộ, tham nhũng. Điều đó diễn ra trên phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Bởi vậy mà chính quyền của TT Donald Trump của Mỹ mới có lệnh, muốn đưa ra một quy định liên quan đến doanh nghiệp và người dân thì phải bãi bỏ 2 quy định, trong nhiều trường hợp muốn đưa ra một quy định mới phải bỏ 8 quy định cũ.

Ở Việt Nam ta, việc bãi bỏ "cấp giấy phép kinh doanh" thay bằng "chứng nhận đăng ký kinh doanh" tại Luật Doanh nghiệp từ năm 2000 là một bước tiến phải nói là "vĩ đại" trong quá trình xoá bỏ cơ chế xin – cho. Tuy nhiên, có vô số những quy định xin - cho vẫn tồn tại dai dẳng, cộng với việc ra đời thêm các điều kiện kinh doanh, các "giấy phép con" vô lý, trong đó có quy định cấp số đăng ký thuốc của ngành y tế mà chúng tôi đã đề cập từ gần 20 năm trước vẫn tồn tại đến bây giờ. Từ nhiều năm trước, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực bãi bỏ các quy định của cơ chế xin – cho, nhưng các nhóm lợi ích câu kết với bộ máy quan liêu vẫn tìm mọi cách lồng ghép, níu kéo trong các văn bản dưới luật.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" đang diễn ra chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đây là quy định ra đời trong bối cảnh tuyên bố "đại dịch". Các bị cáo trong vụ án này có "ăn dày" hơn những kẻ "núp trong đống rơm" hàng chục năm nay hay không là điều rất khó nói, bởi vì những vụ như chúng tôi từng đề cập đều bị "chìm xuồng". Và không chỉ có trong ngành y tế. Riêng trong ngành y tế, cuộc trục lợi không chỉ có 2 vụ Việt Á và "chuyến bay giải cứu", cũng không chỉ có ở Việt Nam. Còn nhiều sự thật trước sau gì cũng sẽ được đưa ra ánh sáng, chẳng hạn như sự thao túng của các Tập đoàn dược thu siêu lợi nhuận từ sản xuất thuốc ngừa, nhưng không phải là nội dung đề cập trong bài viết này.

Điều chúng tôi muốn nói là nạn tham nhũng và hối lộ không thể chống được nếu nhà nước vẫn nắm giữ những nguồn lực khổng lồ cùng các "giấy phép con" vô lý cộng với tiền lương quá thấp của cán bộ, công chức. Ngay cả thứ tưởng chừng không liên quan là thời gian, một giấy phép quy định thời gian tối đa là 15 ngày phải có, doanh nghiệp muốn có nó trong 7 ngày thì phải hối lộ. "Xin" một dự án có phải hối lộ không? Hãy hỏi những người từng làm dự án sẽ biết. Những quy định vô lý về đăng kiểm diễn ra hàng chục năm nay nhưng vừa rồi mới có hàng loạt người bị bắt về tội nhận hối lộ.

Đầu tư công là cần thiết đối với các dự án trọng điểm của quốc gia mà dân không thể làm, nhưng đối với những dự án mà tư nhân có thể làm được thì nhà nước cần gì phải làm. Chỉ cần giảm thuế cho doanh nghiệp, bãi bỏ những quy định phi lý và tuân thủ các nguyên tắc của thị trường thì khu vực tư nhân hoàn toàn có thể làm được. Tư nhân không thể tham nhũng tiền của chính mình. Luật pháp mà rõ ràng minh bạch, không "hành dân" thì dân cần chi phải hối lộ. 

Cũng cần phải đề cập thêm một thực tế khác, đó là thu nhập chính thức từ lương và phụ cấp của cán bộ, công chức quá thấp. Đất nước hoà bình đã 48 năm và 37 năm đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng lương của cán bộ, ngay cả cán bộ cấp cao cũng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, họ lấy gì để sống và nuôi dạy con cái? 

Không thể mang mức lương thấp ra biện minh cho tham nhũng, nhận hối lộ, nhưng người dân không tài nào hiểu nổi cán bộ, công chức của chúng ta sống bằng những nguồn thu nhập nào ngoài lương. Cho nên, việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức lên cao để họ đủ sống và nuôi dạy con cái bằng tiền lương để hạn chế tiêu cực cũng là điều hợp lòng dân. 

Ngay cả một người cực kỳ liêm chính như tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc), cũng từng thốt lên với chúng tôi: Cán bộ lương thấp như thế này thì khó mà chống tham nhũng được! Các vị lãnh đạo của chúng ta không ít lần đề cập đến việc "dưỡng liêm", nhưng với thu nhập hiện hữu của cán bộ, công chức thì người dân vẫn không biết họ được "dưỡng liêm" bằng cách nào.

Những điều trên nói thì dễ, thực thi mới khó. Cổ kim đông tây không có một nhà nước nào là toàn bích cả. Nhưng người dân và lịch sử sẽ đánh giá một chính quyền bằng hiệu số những nỗ lực mà chính quyền đó thực thi trừ đi tác hại của bộ máy quan liêu và nhóm lợi ích thao túng mà chính quyền đó không đủ sức loại bỏ. Hiệu số càng lớn thì chính quyền càng tốt và ngược lại.

Trừng trị những người có bằng chứng phạm tội là cần thiết để làm trong sạch chế độ. Nhưng trừng trị không phải là thành tựu. Giảm căn nguyên gây ra tham nhũng và hối lộ mới là thành tựu.

Theo  Hoàng Hải Vân
Dân Việt
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com