TRỰC TIẾP: Bão Molave đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi
28/10/2020 | 01:31 GMT+7
Chia sẻ :
11h, tâm bão khi vào Quảng Nam - Quảng Ngãi đã gây mưa lớn, gió giật mạnh trên diện rộng nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, hàng loạt cây xanh, bảng quảng cáo... ngã đổ.
15h25
Quảng Nam
Trời đã tạnh mưa nhưng chưa hết gió. Tại TP Tam Kỳ, một số người dân sơ tán qua nhà hàng xóm tránh bão đã về nhà. Ở huyện Núi Thành, hai ngư dân trên tàu câu mực đang neo đậu tại âu thuyền xã Tam Quang bị đứt neo, gió đẩy trôi vào vùng nước cạn, được lực lượng chức năng ứng cứu đưa vào bờ an toàn. Nhiều nhà ở các tỉnh miền núi trong bão bị tốc mái, sạt lở được chính quyền sơ tán. Thiệt hại của cơn bão đang được tỉnh thống kê.
Cây trên đường Trưng Nữ Vương, TP Tam Kỳ ngã đổ. Ảnh: Đắc Thành.
14h45
Trong bản tin phát lúc 14h30, Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng 12h, bão số 9 đã đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Trà My (Quảng Nam) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gió giật cấp 8; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; các nơi khác ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có gió giật cấp 8.
Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-320 mm.
Một tiếng sau, tâm bão trên đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất cấp 10 (90-100 km/h), giật cấp12.
Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1h ngày 29/10, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Lào.
Trong chiều nay, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 4-6 m.
14h40
Quảng Ngãi
Trường tiểu học Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi bị tốc mái. Ảnh: Phước Tuấn.
Mái tôn bị gió giật bay dính vào cột điện ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Tuấn.
14h35
Bình Định
Ông Hồ Đắc Chương, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm tỉnh Bình Định cho biết, cường độ bão số 9 đi qua địa bàn thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, bão đi qua phía Bắc tỉnh làm tốc mái hơn 1.000 ngôi nhà ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn.
Nhà bà Nguyễn Thị Hương ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát bị gió bứng bay mái tôn khi bão quét qua. Ảnh: Việt Quốc.
13h20
Quảng Nam
Hàng cây trên đường phố Quảng Nam bị bão quật xơ xác. Ảnh: Đắc Thành.
Bão Molave đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi
13h10
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết lúc 11h, lượng nước sông từ thượng nguồn dâng cao, cuốn trôi cầu sắt (dài khoảng 30 m) bắc qua sông làm gần 1.500 người dân 3 thôn ở xã Đăk Pne bị chia cắt hoàn toàn.
"Cây cầu sắt nằm trên tuyến đường liên huyện, nối giữa xã Đăk Pne với trung tâm huyện Kon Rẫy. Rất may, khi xảy ra vụ việc không có người qua lại trên cầu", ông Thủy nói.
13h00
Đảo Lý Sơn sau khi bão quét
Cổng chào ở đảo Lý Sơn sau khi bão quét. Ảnh: CTV
12h30
Mái tôn bay ngổn ngang trên đường phố Quảng Ngãi
Mưa trắng xóa bầu trời trung tâm TP Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Tuấn.
Mái tôn bay xuống đường trong TP Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Tuấn.
Mái tôn bay xuống đường trong TP Quảng Ngãi. Video: Phước Tuấn.
12h30
Trời đổ mưa trắng xóa bầu trời trung tâm TP Quảng Ngãi. Mưa kèm gió giật mạnh khiến một người đi xe máy không thể di chuyển. Nhiều mái tôn bay xuống đường.
Bão Molave đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi
Mưa lớn tại TP Quảng Ngãi trưa 28/10. Video: Phước Tuấn.
11h52
Gió giật mạnh tại Quảng Nam
Bão đổ bộ vào TP Tam Kỳ với sức gió rất mạnh, mưa ít. Lúc 11h40, gió giật mạnh xuất hiện khiến nhiều mái nhà bị tốc mái, cây xanh ngã đổ. Gió mỗi lúc mạnh hơn, đường phố không có người qua lại, người dân cố thủ trong nhà.
Gió giật tốc mái trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ trưa 28/10. Video: Đắc Thành.
11h40
Gió quật bay nhiều mái tôn tại Quảng Ngãi
Khoảng 11h30, xe thiết giáp lội nước đã tuần tra cứu hộ cứu nạn trên đường phố Quảng Ngãi. Hiện nhiều người dân bắt đầu chạy bão ở ngoài đường, bất chấp nguy hiểm.
Xe bọc thép tuần tra trên đường Lê Lợi, TP Quảng Ngãi trưa 28/10. Ảnh: Phước Tuấn.
Trời ngưng mưa, một số người dân chạy xe ngoài đường TP Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Tuấn.
Một căn nhà tại TP Quảng Ngãi bị tốc mái trưa nay. Ảnh: Phước Tuấn.
Gió quật bay một phần mái tôn của Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, huyện Bình Sơn. Ảnh: Quỳnh Trần.
Cano ven đảo Lý Sơn bị sóng đánh hư hỏng. Ảnh: Văn Mịnh.
11h30
Gió giật mạnh ở Đà Nẵng
Người dân bỏ lại xe máy chở ga trên đường Trần Phú, gần sông Hàn vì gió quá lớn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng điều xe thiết giáp đi tuần và cứu người trong bão số 9. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bên trong xe thiết giáp đi cứu người. Ảnh: Nguyễn Đông.
11h15
Nước sông Thu Bồn tiếp tục dâng cao và cây đổ ở Hội An
Một cây to phía đầu cầu An Hội bị đổ chắn lối đi sang cầu. Ảnh: Ngọc Thành.
Một người dân dắt xe đạp ra kiểm tra thuyền neo ở ngã ba sông Thu Bồn với đường Bạch Đằng. Ảnh: Ngọc Thành.
Nhà dân trên phố Nguyễn Phúc Chu bị gió giật vỡ kính. Ảnh: Ngọc Thành.
11h10
Huy động xe bọc thép cứu người
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết ông đã điều xe bọc thép quân đội để đưa một người đang trú tại khách sạn Sông Trà đi cấp cứu do bị tăng huyết áp đột ngột. Người này là trọng tài boxing đang làm nhiệm vụ tại Quảng Ngãi.
Tại Đà Nẵng, đại tá Nguyễn Quang Vinh - Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng, cho biết đã huy động 6 xe thiết giáp BTR 152 có khả năng lội nước, chống va đập tập trung tại trụ sở của đơn vị ở đường Trần Phú (quận Hải Châu) để sẵn sàng đi cứu hộ cứu nạn.
"Xe có khả năng lội nước dưới một mét. Nếu bị cây xanh ngã đổ cũng không ảnh hưởng đến người phía trong. Trước mắt chúng tôi chuẩn bị xuất một xe đi cứu một gia đình gặp nạn ở xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang", đại tá Vinh thông tin.
Tại khu vực cầu quay sông Hàn nửa tiếng trước, ba chiến sĩ công an phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) đã kịp thời cứu một người đàn ông lớn tuổi đi xe đạp, cố tình vượt barie chặn cầu sông Hàn. Khi đến khu vực giữa cầu, ông bị gió quật ngã, phải vịn vào lan can cầu.
10h50
Lúc 10h30 ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam ngớt mưa, gió giật từng hồi nhưng không liên tục. Có lúc, mưa và gió gần như không có. Trên nhiều tuyến đường người dân đi bộ và xe máy vẫn lưu thông. Đường Hùng Vương, có bốn xe máy bị gió quật ngã.
Sáng nay, bốn thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn ở Quảng Nam điều tiết xã lũ theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam để lòng hồ có dung tích đón lũ.
Xe máy của người dân bị gió quật ngã trên đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ. Ảnh: Đắc Thành.
10h20, trời lặng gió, ngớt mưa, một số người dân trên đường Trần Đại Nghĩa ra đường xem bão. Ảnh: Đắc Thành.
Cây đổ trên đường Nguyễn Phúc Chu, TP Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Thành.
10h45
10h30, TP Pleiku, Gia Lai, mưa to kèm gió mạnh khiến cây xanh đổ ngổn ngang. Ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND TP Pleiku, cho biết, trưa nay một người dân khi ghé trú mưa gió ở ven đường Nguyễn Viết Xuân thì bị mái nhà bay trúng người, bị thương. Ngoài ra, 4 huyện, thị xã gồm: An Khê, K’bang, Ia Pa, Kông Chro bị sự cố lưới điện 110kV. Huyện Phú Thiện cây cối dọc đường quốc lộ 25 cũng ngã ra đường nhiều khiến xe cộ bị ách tắc. Cảnh sát giao thông đã khắc phục được sự cố.
Lực lượng chức năng khắc phục cây xanh ngã đổ trên Quốc lộ 25 đoạn qua huyện Phú Thiện. Ảnh: Trần Hóa.
10h45
Lúc 10h30, tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết cơn bão số 9 đã gây ra gió rất lớn, đặc biệt tại Quảng Ngãi, Quảng Nam và một phần phía bắc của tỉnh Bình Định.
"Công tác ứng phó trên khu vực lớn đang đảm bảo. Trong đó toàn bộ 45.000 tàu cá neo đậu, 188.000 lồng bè vẫn an toàn và chúng tôi đang cố gắng không để rủi ro về người", Bộ trưởng Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin về cơn bão, lúc 10h30 ngày 28/10. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bộ trưởng Cường cho biết, đến hiện tại, cơn bão đã gây ra một số thiệt hại. Trong đó, tại tỉnh Quảng Ngãi hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, nhiều cây cối bị ngã đổ; một số công trình công cộng bị hư hại. "Chúng ta đã khoanh vùng những tỉnh trọng điểm, chủ động cắt điện nhiều vùng để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như an toàn cho công trình. Những rủi ro liên quan đến con người chưa ghi nhận, ngoài sự cố về hai tàu cá Bình Định", Bộ trưởng nói. Các lực lượng kiểm ngư đang huy động ba tàu để tiếp cận khu vực tàu Bình Định gặp nạn để tìm kiếm, cứu hộ.
10h20
Sóng biển cuồn cuộn ở Quy Nhơn
Trưa 28/10, tại TP Quy Nhơn, gió tiếp tục thổi mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường dâng cao, đánh vào gần sát mép kè bêtông. Theo báo cáo nhanh của tỉnh Bình Định, đến 8h toàn tỉnh đã cúp điện; hai người bị thương; một nhà sập, hai căn tốc mái.
Sóng biển cuồn cuộn trước đảo Hải Minh, TP Quy Nhơn trưa nay. Ảnh: Việt Quốc.
Một gác tôn bảo vệ công trình ven biển Quy Nhơn bị gió quật ngã. Ảnh: Việt Quốc.
10h15
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10h, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 180 km, cách Quảng Nam 110 km, cách Quảng Ngãi 60 km, cách Bình Định 120 km, cách Phú Yên 200 km. Sức gió mạnh nhất cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25 km/h.
Trước sức mạnh của bão, sáng nay Cục Cảnh sát giao thông đề nghị người và các phương tiện giao thông không đi vào các vùng từ Đà Nẵng đến Phú Yên; tìm các trạm dừng nghỉ, nơi an toàn tại các địa phương lân cận để trú ẩn, tránh gây ùn tắc giao thông.
10h05
Hội An đường ngập, vắng người qua lại
Tại Hội An, từ tối qua bắt đầu có mưa nhỏ. Một số tuyến đường ven sông Hoài như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học... sáng nay bắt đầu ngập.
Ngoài đường không có người dân qua lại. Ảnh: Ngọc Thành.
Nước dâng khoảng 50 cm trên đường Bạch Đằng, Hội An sáng 28/10. Ảnh: Ngọc Thành.
Mực nước sông Thu Bồn dâng lên ngang gầm cầu An Hội. Ảnh: Ngọc Thành.
Nước tiếp tục dâng cao khiến người dân chuẩn bị sẵn thuyền trong phố. Ảnh: Ngọc Thành.
10h00
Đảo Lý Sơn, từ 1h sáng đã mất điện. Sáng nay gió rít từng cơn, biển tung bọt trắng xóa. Sáng nay nhiều nhà đã bay mái tôn, mái ngói.
Gió bão giật sập nhiều mái tôn của nhà dân ở Lý Sơn sáng nay. Ảnh: Chí Tâm.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, đến 9h, địa phương ghi nhận hơn 300 căn nhà ở huyện Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Tây bị tốc mái, hư hỏng...
9h36
Nhiều cây xanh tại Quảng trường TP Quy Nhơn bị bật gốc do gió bão. Hiện thành phố đã cúp điện, người dân chỉ có thể xem tin tức qua mạng di động. Tuy nhiên trong buổi sáng, một số mạng di động cũng bị gián đoạn, ảnh hưởng do mất điện.
Cây xanh bật gốc tại Quảng trường TP Quy Nhơn sáng nay. Ảnh: Tuấn Việt.
Những nhánh cây bị gió bão làm gãy đổ trên đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn. Ảnh: Tuấn Việt.
9h30
Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam có mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh liên tục. Mái tôn nhiều ngôi nhà dù được chất bao tải cát, túi bóng chứa nước nhưng vẫn bật lên. Một số nhà để xe, nhà xưởng lợp bằng tôn bị thổi bay. Người dân đóng cửa cố thủ trong nhà chờ bão qua.
Cách Tam Kỳ 150 km, huyện miền núi Nam Trà My giáp tỉnh Kon Tum cũng đã có mưa to, gió lớn. Thống kê ban đầu từ các xã hơn 20 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn. Người dân được đưa đến cơ quan công sở trú tránh.
Anh Hoàng Thọ, ở xã Trà Mai cho biết nhiều cổng chào, cây xanh đã bị bão quật ngã, hất bay. "Gió mỗi lúc càng lớn kèm theo mưa trắng trời", anh nói.
Một cổng chào ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My bị bão hất bay. Ảnh: Thọ Hoàng.
9h15
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Tiền Phương ứng phó bão Molave, do ảnh hưởng của bão, có 230 xã đang bị mất điện, trong đó tập trung chủ yếu tại Phú Yên: 37 xã; Quảng Nam: 56 xã,; Quảng Ngãi: 94 xã; Thừa Thiên - Huế: 23 xã...
Hiện, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá Bình Định bị chìm khiến 26 ngư dân mất tích. Hôm qua, hai tàu này đang trên đường vào đất liền tránh bão thì bị phá nước, chìm xuống biển.
Cơ quan chức năng cũng đã kêu gọi và đưa 46 tàu của Bình Định với 368 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Như vậy, tính đến nay không còn tàu bè nào còn ở trong vùng nguy hiểm của bão Molave.
8h50
Đại tá Lê Đình Hải, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) cho biết, bão Molave đã quét qua quần đảo 10 - 12h trưa 27/10 trước khi đổ bộ vào đất liền. Phía Bắc quần đảo bị gãy đổ một số cây tra, phong ba. Phía Nam quần đảo không bị ảnh hưởng nhiều. Do làm tốt công tác chuẩn bị nên cơ sở vật chất được đảm bảo. "Quân dân trên đảo hiện an toàn", ông Hải thông tin thêm hiện quần đảo vẫn có mưa từng cơn. Âu tàu Song Tử Tây có 30 tàu ngư dân tránh trú và 50 tàu đang neo đậu trong âu tàu Đá Tây.
8h30
Tâm bão cách Quảng Ngãi khoảng 85 km
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 8h, tâm bão Molave cách Đà Nẵng khoảng 195 km, cách Quảng Nam khoảng 125 km, cách Quảng Ngãi khoảng 85 km, cách Bình Định khoảng 112 km, cách Phú Yên 190 km. Sức gió mạnh nhất cấp 12 (115- 135 km/h), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Lý Sơn đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20- 25 km/h.
Hai tàu cá chìm trên vùng biển Khánh Hòa, 26 ngư dân mất tích, hiện chưa liên lạc được.
8h10
Tại Đà Nẵng, mưa bắt đầu lớn, gió giật liên hồi. Trong căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê), anh Hiếu (29 tuổi) cảm nhận mái tôn ở tầng ba bị gió đánh vào "ầm ầm". "Tôi có cảm giác như nhà bị tốc mái một góc rồi, nhưng gió bão thế này không thể lên kiểm tra", anh nói.
Cầu sông Hàn bị cấm xe sáng 28/10. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ở khu vực xung quanh, gió cũng quật nhiều cây xanh nghiêng ngả. Ở khu vực trước trường tiểu học Trần Cao Vân (trên đường Hoàng Hoa Thám), một cây bàng không được cắt tỉa trước bão có nguy cơ bị gãy trước những đợt gió lớn. Trên nhiều tuyến phố lớn như Lê Duẩn, Hàm Nghi... nhiều người không dám ra đường.
Đà Nẵng đã cấm đường từ 20h ngày 27/10. Lực lượng chức năng dựng nhiều barie ngăn cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, tầng 3 cầu vượt Ngã Ba Huế..., chỉ chừa lại cầu Rồng để những xe làm nhiệm vụ phòng chống bão có thể đi qua. Đêm qua, một số ngư dân ở lại tàu thuyền đã neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang để trông coi tài sản, đã được lực lượng chức năng kiên quyết đưa lên bờ.
Họp với sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng sáng 28/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói người dân yên tâm sơ tán, tuyệt đối không tự ý trở về nhà khi bão chưa tan. Chính quyền đã giao lực lương công an có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho người dân yên tâm tránh bão; tại các điểm sơ tán, địa phương phải cung cấp đủ lương thực, nước uống cho người dân.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 2 từ trái sang) đi kiểm tra phòng chống bão ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng sáng 28/10. Ảnh: Nguyễn Đông.
Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý chính quyền cơ sở, các lực lượng phải đảm bảo an toàn cho các điểm sơ tán, nhất là tại các công trình có mảng tường kính lớn, dễ bị gió giật vỡ gây nguy hiểm.
8h10
Gia Lai, Kon Tum bắt đầu mưa to
Đêm qua, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai bắt đầu xuất hiện mưa nhỏ, đến sáng nay mưa nặng hạt hơn, gió to. Đường phố vắng người qua lại. Trên đường Hai Bà Trưng, một số cây đã bị ngã đổ.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho hơn 400.000 học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ học một ngày để ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9.
Cây xanh bị quật đổ trên đường Hai Bà Trưng, TP Pleiku, Gia Lai sáng 28/10. Ảnh: Trần Hoá.
Trong khi đó ở Kon Tum, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, hơn 160.000 học sinh toàn tình được nghỉ học 2 ngày.
Nhưng tại trường THPT Duy Tân, TP Kon Tum, từ 7h sáng hàng trăm học sinh vẫn đội mưa đến lớp. Nhiều em được cha mẹ chở đến trường trong bộ áo mưa che kín. Khoảng 30 phút sau hay tin nhà trường thông báo nghỉ học, hàng trăm phụ huynh hối hả quay lại trường đón con về nhà.
8h00
TP Tuy Hoà, Phú Yên sáng nay mưa tầm tã, gió rít liên hồi. Những hàng cây dọc đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Nguyễn Du... bị gió cuốn nghiêng ngả.
Quán sá, đường phố vắng vẻ, nhiều cửa hàng đóng cửa. Nhiều người dân sống trên đường Nguyễn Tất Thành căng dây, đưa lốp xe lên mái tôn để chằng chống nhà cửa.
Cây xanh bật gốc trên đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc.
Pano quảng cáo bị gió quật nát trên đường Hùng Vương sáng 28/10. Ảnh: Xuân Ngọc.
Anh Trương Công Đồng, 41 tuổi, chủ cửa hàng sửa xe ở thành phố đóng tiệm do bão nhưng ôtô của một người đi đường thủng bánh, gọi vào điện thoại nên hỗ trợ. "Thấy họ gặp khó, mình giúp đỡ chứ hôm nay đóng cửa để đảm bảo an toàn", anh Đồng nói.
Hai xe tăng thiết giáp chở đoàn phòng chống lụt bão của Bộ Quốc phòng đã xuất phát tự Trạm 99 - TP Tuy Hòa đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, dẫn đầu đoàn kiểm tra.
Hai thiết giáp lội nước trên đường Nguyễn Trường Tộ, TP Tuy Hòa sáng nay. Ảnh: Xuân Ngọc.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, hiện chưa ghi nhận sự cố về người, nhưng có 29 xã, phường, thị trấn ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, huyện Đông Hoà, TP Tuy Hoà bị mất điện.
7h58
Hàng loạt cây xanh đổ ngã do gió quật trên đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn. Từ 7h sáng nay, toàn thành phố Quy Nhơn đã cúp điện.
Nhiều cây xanh ngã trong gió bão trên đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn sáng nay. Ảnh: Việt Quốc.
7h37
Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam có mưa nhỏ, gió giật cấp 6. Gió giật từng đợt khiến cây cối uốn cong, những ngôi nhà lợp bằng mái tôn rung bật, phát ra tiếng lớn. Toàn thành phố điện đã cắt điện, trên các tuyến đường không có người qua lại. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại nào. Tại khối phố Mỹ Thạch, phường Tân Thạnh người dân ở nhà cấp bốn di chuyển qua nhà tầng kiên cố của hàng xóm để trú ngụ.
7h30
Tại khu vực xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi từ 7h có gió rất lớn, liên tục đập vào mái nhà tạo thành tiếng rít. Các con đường vắng người qua lại. Nhiều dãy hàng quán ven biển bị gió cuốn tung mái che, cây đổ chắn ngang đường.
Dọc bờ biển sóng biển đánh vào bờ cao 5 m. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, một người dân sống lâu năm ở đây cho biết mức sóng này vẫn chưa phải lớn nhất. "Nếu bão vào sóng lớn có thể hất thuyền", ông Hiếu nói.
Sóng biển cao gần 2 m đánh vào bờ xã Bình Hải, huyện Bình Sơn lúc 7h sáng nay. Ảnh: Quỳnh Trần.
Đường vào xã Bình Hải vắng người qua lại. Ảnh: Quỳnh Trần.