Toggle navigation
Thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông thực chất và hiệu quả
10/10/2021 | 07:31 GMT+7
Chia sẻ :
Việc thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu gìn giữ hòa bình trên biển, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông thực chất và hiệu quả
ASEAN và Trung Quốc đã nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). (Nguồn: TTXVN)

Phù hợp với luật pháp quốc tế

Việc thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã được các cấp lãnh đạo Việt Nam, giới học giả và giới truyền thông trong nước và quốc tế liên tục đề cập trong bối cảnh tình hình biên giới trên biển còn khá phức tạp.

Vừa qua, tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhân dịp sang thăm chính thức Việt Nam (ngày 11/9) và chủ trì Phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của COC, thúc đẩy đàm phán COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tháng 6/2021, tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác (1991-2021), các bộ trưởng ASEAN và Trung Quốc đều khẳng định duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có ở Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của cả ASEAN và Trung Quốc. Các bộ trưởng nhất trí nối lại tiến trình đàm phán xây dựng COC.

Về phía Việt Nam, tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các Hội nghị liên quan trong tháng 8, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Trung Quốc đã chấp nhận quan điểm xây dựng COC phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS. Điều đó sẽ định hướng quá trình đàm phán COC thời gian tới.

Quản trị tốt các hành vi và rủi ro

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, người có gần 40 năm gắn liền với công tác biên giới từng chia sẻ, tình hình biên giới trên biển của Việt Nam còn phức tạp. Tuy bề ngoài sóng yên biển lặng nhưng thực tế tại các vùng biển lại diễn ra nhiều hoạt động rất đáng lo ngại, mà nổi bật là các hoạt động xây dựng và tôn tạo đảo đã và đang làm cho dư luận trong và ngoài nước xôn xao.

Chủ trương chung của Việt Nam là giữ vững chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển, cố gắng giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển, thông qua biện pháp hòa bình, đối thoại với các bên liên quan để giải quyết tranh chấp, bất đồng và các vấn đề mới nảy sinh với các bên liên quan phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, DOC…; đồng thời triển khai hợp tác cùng có lợi ở những lĩnh vực không ảnh hưởng đến lập trường chủ quyền của mỗi bên.

Ông Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh, việc thúc đẩy COC cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong một dịp trả lời phỏng vấn báo chí, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, chặng đường để có được một COC hiệu quả chắc chắn còn nhiều khó khăn, vì vậy, cần gia tăng đối thoại, trao đổi, song song với đó phải thực hiện tốt DOC, luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Theo ông Phạm Quang Vinh, COC phải dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS, các nguyên tắc đã được đề ra trong DOC, đồng thời, nhân lên từ bài học và tình hình thực hiện DOC của gần hai thập kỷ qua, để từ đó có thể quản trị tốt hơn các hành vi và những rủi ro, tránh phức tạp nảy sinh. Một COC đáp ứng được những điều đó mới là một COC thực chất, hiệu quả.

Đồng thời, nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh: “Phải có ổn định, lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, thì mới đàm phán COC hiệu quả được”.

Tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về một văn kiện dự thảo để đàm phán về COC tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Singapore.

Bản dự thảo không có trên trang web chính thức của ASEAN nhưng đã được GS. Carl Thayer, chuyên gia Australia về Việt Nam và vấn đề Biển Đông trích dẫn nội dung trong bài báo “A Closer Look at the ASEAN-China Single Draft South China Sea Code of Conduct” (tạm dịch: “Một cái nhìn sát hơn với Bản dự thảo COC”).

Theo đó, một cơ chế giám sát hoạt động đã được đề xuất trong bản dự thảo này, nhưng mới chỉ được nhắc đến một cách chung chung. Cơ chế này được cho là chỉ giám sát việc thực thi COC chứ dự thảo không quy định điều gì sẽ xảy ra nếu một bên bị phát hiện vi phạm Bộ quy tắc.

Về cơ chế giám sát này, trong một bài trên East Asia Forum, Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên Luật quốc tế tại Trung tâm Chính sách đại dương vền vững, Đại học Indonesia cho rằng, bất kể COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không, điều cốt yếu là phải xây dựng các cơ chế giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của nó.

Sự thành công của COC phải được đo lường bằng mức độ mà các bên tuân thủ. COC có thể thành lập một cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ thu thập các thông tin liên quan. Cơ quan độc lập này sẽ cần bao gồm đại diện của tất cả các bên để nâng cao độ tin cậy và báo cáo thường xuyên về việc tuân thủ COC.

Theo ông Aristyo Rizka Darmawan, COC cũng nên đề ra một cơ chế giải quyết tranh chấp. Cần lường trước các tranh chấp và giải quyết chúng dựa trên việc diễn giải COC, hoặc việc thực hiện và áp dụng các nghĩa vụ theo thỏa thuận.

Theo VY AN
Thế giới và Việt Nam
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com