Toggle navigation
Phật giáo Việt tông (An Nam tông) tại Thái Lan - Đại sứ hòa bình của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan
13/05/2019 | 01:25 GMT+7
Chia sẻ :
Phật giáo An Nam tông là tông phái Phật giáo Việt Nam được chính thức công nhận là tông phái Phật giáo của nước ngoài duy nhất tại Thái Lan từ đời Vua Rama V (1889). Với chứng tích của 21 ngôi chùa thuộc dòng An Nam tông của cộng đồng người Việt trên toàn Thái Lan, không những là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con kiều bào mà còn đóng vai trò như trung tâm đoàn kết, bảo tồn văn hóa, truyền thống của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.
Từ khoảng thế kỷ 18, khi những người Việt đầu tiên di cư đến Thái Lan sinh sống, lập nghiệp đã lập nên những ngôi chùa của Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. Các chùa của người Việt ban đầu phục vụ nhu cầu tâm linh và thờ cúng tổ tiên của cộng đồng, sau dần trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thường xuyên của bà con kiều bào, góp phần làm đậm nét văn hoá tín ngưỡng Việt trên đất nước Thái Lan.

Đến đời Vua Rama V (năm 1889), tông phái Phật giáo Việt Nam được chính thức công nhận là tông phái Phật giáo nước ngoài duy nhất tại Thái Lan, có tên Annamnikaya. Kể từ đó, nhiều ngôi chùa thuộc dòng Annamnikaya được xây dựng, góp phần truyền bá rộng rãi tông phái An Nam tông trong cộng đồng người Việt tại Thái Lan cũng như nhân dân sở tại. Một số nghi lễ của Annamnikaya đã trở thành nghi thức không thể thiếu trong đời sống của người dân Thái Lan như lễ cúng sao giải hạn, cúng rằm tháng Bảy… Từ đời Vua Rama V, các lễ nghi quan trọng cũng như các tang lễ của hoàng cung bắt buộc phải mời hòa thượng An Nam tông vào làm lễ, trang phục của các hòa thượng dùng làm lễ trong cung vẫn được đặt từ Huế sang. Annamnikaya có trụ sở đặt tại chùa Phổ Phước, hiện do Đại lão Hòa thượng Thích Kính Chiếu là tăng trưởng tông phái. Chùa Phổ Phước còn là Học viện Tăng già, nơi hàng năm đào tạo về Phật học cho hơn 100 tăng sĩ.


Nghi lễ cầu siêu tại chùa Khánh An, ngôi chùa Việt tại tỉnh Udon Thani - Bangkok . (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Hiện nay có khoảng 21 ngôi chùa Việt Nam được xây dựng tại 8 tỉnh thành, phân bố trên toàn lãnh thổ Thái Lan. Các chùa của người Việt đều nhận được sự quan tâm bảo trợ của các đời Vua Thái Lan, được Nhà Vua ban tên và sắc phong sư trụ trì. Các chùa như Cảnh Phước, Khánh Vân, Khánh Thọ, Long Sơn… đều là những ngôi chùa cổ, được bà con Phật tử người Việt hoặc các hòa thượng trụ trì gốc Việt xây dựng cách đây hơn 200 năm. Ngày nay, dân chúng Thái Lan đã tiếp nhận Phật giáo Việt Nam như một tín ngưỡng trên đất nước mình. Không ít người Thái Lan xuất gia trở thành những tu sĩ làm rường cột để truyền bá Phật giáo Việt Nam cho đến hôm nay.

Phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ, hòa bình của Phật giáo, Phật giáo An Nam tông đã và đang đóng vai trò như đại sứ hòa bình, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan. Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Phật giáo An Nam tông luôn có mối liên hệ, gắn bó mật thiết với Phật giáo trong nước, đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Tiêu biểu là trong những năm 1928 - 1929, Hòa thượng Thích Bình Lương, Trưởng phái An Nam tông đời thứ 8 đã cưu mang và che chở cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người hoạt động cách mạng tại Thái Lan. Tại chùa Khánh An, tỉnh Udonthani vào tháng 3, tháng 4 hàng năm, Cộng đồng người Việt thường tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh vì Tổ quốc và đồng bào tử nạn, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tấm lòng tri ân của kiều bào đối với công lao, sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Quê hương, chủ quyền đất nước.

Sự du nhập và phát triển của hệ phái phật giáo Việt Nam tại Thái Lan, sự xuất hiện của các ngôi chùa Việt trên đất Thái và hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, thờ cúng theo truyền thống người Việt của bà con Phật tử Việt kiều Thái Lan không những góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào tại Thái Lan mà còn là chiếc cầu nối của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, kết nối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giữa kiều bào tại nước ngoài và nhân dân trong nước.

Vglobalnews
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com