Toggle navigation
Mỹ tăng cường đơn vị tác chiến điện tử trên Biển Đông
17/07/2020 | 03:51 GMT+7
Chia sẻ :
Kế hoạch triển khai đơn vị tác chiến điện tử đến Biển Đông nằm trong một loạt các giải pháp nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Mỹ tăng cường đơn vị tác chiến điện tử trên Biển Đông
Mỹ tăng cường đơn vị tác chiến điện tử trên Biển Đông

Quân đội Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai một đơn vị tác chiến điện tử đến Biển Đông. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm gây sức ép với Trung Quốc sau khi gọi các chính sách hàng hải của Bắc Kinh là "hoàn toàn bất hợp pháp", theo tờ Nikkei Asian Review ngày 17/7.

Theo đó, hai đơn vị đặc biệt sẽ được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể ngay trong năm 2021, để hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ tác chiến điện tử và tác chiến mạng đến bắn hạ tên lửa. Ít nhất một đơn vị trong đó sẽ đóng quân quanh Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông với bản đồ "đường chín đoạn" và đã đẩy nhanh việc bành trướng quân sự ở vùng biển này trong thập kỷ qua. Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.000 mét và một cảng quân sự quy mô lớn trên Đá Chữ Thập. Có thông tin cho biết đảo Phú Lâm - một phần của quần đảo Hoàng Sa - nơi tập kết máy bay chiến đấu - được trang bị tên lửa đất đối không và đối hạm. Hoạt động tập trận hải quân cũng dần trở nên thường xuyên hơn trong khu vực.

Máy bay ném bom chiến lược B-52H của không quân Mỹ tập trận trên Biển Đông cùng các máy bay của tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald

Máy bay ném bom chiến lược B-52H của không quân Mỹ tập trận trên Biển Đông cùng các máy bay của tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan hôm 4/7.
Máy bay ném bom chiến lược B-52H của không quân Mỹ tập trận trên Biển Đông cùng các máy bay của tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan hôm 4/7.

Bên cạnh lực lượng tại đảo Phú Lâm, Trung Quốc còn triển khai tên lửa có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên Biển Đông.

Để đối phó, Mỹ muốn tăng khả năng ngăn chặn Trung Quốc tấn công các lực lượng Mỹ trong trường hợp xung đột vũ trang nổ ra ở Biển Đông.

Chiến lược quốc phòng của Trung Quốc được xây dựng dựa trên khái niệm "chống tiếp cận/chống xâm nhập - A2/AD", kết hợp tên lửa và hệ thống radar để chống lại sự tự do di chuyển của kẻ thù và ngăn chặn việc tiếp cận lục địa Trung Quốc.

Hoa Kỳ và những nước bạn bè "phải hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đánh bại các hệ thống vũ khí này", một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ nói với Nikkei Asian Review. "Một trong những cách làm là sử dụng công nghệ để đánh lừa hệ thống tìm kiếm tên lửa hoặc những vũ khí khác được gắn trên vũ khí của Trung Quốc. Bằng cách này, hệ thống nhận diện mục tiêu của Trung Quốc tưởng rằng đang nhắm tới một tàu sân bay hay tàu chiến Mỹ, nhưng thật ra đó chỉ là một vùng biển cách xa nửa dặm hoặc hơn. Điều này có thể thực hiện được. Đó là hệ thống đánh lừa."

Nếu việc tiếp cận Biển Đông trở nên bất khả thi, quân đội Hoa Kỳ có kế hoạch đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa từ xa.

Cựu Phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng về hưu Jack Keane, cho rằng chiến lược A2/AD của Trung Quốc mang lại cho Bắc Kinh lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, Washington phải đảm bảo "có sự răn đe hữu hiệu ở đó và tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ", theo ông Keane.

Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga năm ngoái và đã phát triển các tên lửa mới ở tầm trung và sẽ bắt đầu đàm phán với các nước châu Á về nơi triển khai chúng.

Đáp lại những diễn biến gần đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Hai nói rằng "bản đồ chín đoạn của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên gần như toàn bộ Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp" - đây là dấu hiệu thay đổi lập trường của Mỹ, trước đó vốn luôn trung lập đối với vùng biển này. Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải vào thứ Ba tại khu vực quần đảo Trường Sa, theo Hạm đội 7 của Hoa Kỳ.

Tiêm kích F-18 bay qua tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận trên Biển Đông
Tiêm kích F-18 bay qua tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận trên Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã rơi vào tình thế khó khăn trong vấn đề Biển Đông. "Trong khi nhiều người trong chính phủ mang hy vọng lớn khi chính quyền thời Obama tuyên bố 'chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương', thì thực tế đáng buồn về những gì thực sự đã diễn ra là dù có 'bội thu về danh tiếng' trong việc tái cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương, thực tế là chính quyền Obama về cơ bản không làm gì để thực hiện các hành động cụ thể đằng sau chiến lược đó ", James Fanell, người từng đứng đầu bộ phận tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói.

Thông tin về việc Mỹ sắp triển khai lực lượng tác chiến điện tử đến Biển Đông được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc leo thang yêu sách cũng như các hoạt động quân sự trong khu vực. Mỹ gần đây cũng đã tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như Biển Đông, bên cạnh đó là các tuyên bố cứng rắn nhằm thẳng vào Trung Quốc. Hồi đầu tháng này, có thông tin Mỹ sẽ điều quân từ Đức sang tăng cường cho các căn cứ tại Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Úc.

Theo BBC Tiếng Việt
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com