Toggle navigation
Không thể lãng quên chiến tranh biên giới 1979
17/02/2020 | 05:30 GMT+7
Chia sẻ :
Với sự chuẩn bị lén lút từ trước, 3h sáng ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh Việt Nam, trải dài trên 1.200 km biên giới với Trung Quốc. Quân Trung Quốc đã tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam đến 20 km, chiếm nhiều khu vực. 
Ngày 05/3/1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên, tất cả dân chúng trong độ tuổi phải nhập ngũ để đánh Trung Quốc. Cùng ngày 05/3/1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút quân vì Trung Quốc đã “hoàn thành mục tiêu phản công tự vệ” và “không muốn chiếm đất của Việt Nam”. Sau đó, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. Ngày 16/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân.

Trong cuộc chiến này, Tướng Trung Quốc ra lệnh  “gặp người Việt Nam nào, dù già hay trẻ, nam hay nữ đều là kẻ địch và phải giết hết”. Ngày 22/02/1979, lính Trung Quốc thả hơi độc vào pháo đài Đồng Đăng giết hơn 400 người gồm dân thường và thương binh. Ngay cả trên đường rút quân, tại Tổng Chúp, Cao Bằng, lính Trung Quốc dùng gậy, cuốc đập vỡ sọ 43 người rồi quẳng xuống giếng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

So-489--Ve-cong-trinh-Bia-tuong-niem-Khanh-Khe---Mot-van-de-van-dang-bi-xuyen-tac---Anh-2
Bia tưởng niệm Khánh Khê cũ.

Cuộc chiến không hề kết thúc, 10 năm sau đó, liên tục xảy ra các xung đột tại biên giới Việt Nam, Trung Quốc. Cho đến năm 1991, quan hệ Việt Nam, Trung Quốc được bình thường hóa. Cuộc chiến năm 1979 không chỉ để lại các hậu quả nặng nề về kinh tế cho Việt Nam. Ngay trong nội bộ Việt Nam đã xuất hiện những ý kiến khác nhau về cuộc chiến. Có những người không muốn nhắc đến chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc, đồng thời cũng có những người không muốn quên cuộc chiến này. Dù muốn hay không, không thể phủ nhận thực trạng:

1. Chiến tranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã không hề được đưa vào hoặc đưa không đầy đủ, rõ ràng vào chương trình giáo dục cho học sinh phổ thông, sinh viên Việt Nam.

2. Cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc nhiều năm liền không được báo chí Việt Nam nhắc đến, không có các lễ kỷ niệm xứng đáng dành cho chiến thắng này của Việt Nam. 

3. Nhiều khu nghĩa trang cho các liệt sỹ của cuộc chiến này, nhiều dấu tích đã bị bỏ quên, thậm chí bị đục bỏ có chủ ý.

4. Không có quan chức Việt Nam nào nhắc đến cuộc chiến này khi gặp các quan chức Trung Quốc, không có các yêu cầu nào đòi hỏi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Khác với Mỹ, Việt Nam thường xuyên tự hào, ca ngợi về chiến thắng trước Mỹ, với chính quan chức Mỹ, yêu cầu Mỹ phải giải quyết hậu quả chiến tranh.

5. Sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình, kẻ đã ra lệnh phát động cuộc chiến tranh biên giới 1979, đem lại bao tang tóc cho Việt Nam sau này còn được xuất bản tại Việt Nam.


Dấu tích cuộc chiến

Nhiều năm qua, trong các tài liệu giáo dục, lịch sử và tuyên truyền, Trung Quốc vẫn luôn ca ngợi chính mình và lên án Việt Nam liên quan đến cuộc chiến này. Trung Quốc nhiều lần nhắc đi nhắc lại đã “dạy cho Việt Nam một bài học”. Trong khi đó, vào thời điểm kỷ niệm ngày chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm nay, Việt Nam đang phải “chống giặc” là virus Corona cũng xuất phát từ Trung Quốc, người Trung Quốc vẫn được nhập cảnh vào Việt Nam. Việt Nam không tổ chức các buổi lễ kỷ niệm xứng đáng, báo chí chính thống không có nhiều tin bài, không thấy các bài phát biểu hùng hồn, tầm cỡ của các quan chức cấp cao về cuộc chiến này.

Lịch sử không bao giờ bị lãng quên. Không ai có thể thay đổi được lịch sử. Các sự thật lịch sử tồn tại khách quan mà không lệ thuộc vào quan điểm của bất cứ người nào, nhóm nào. Để có thể hợp tác với Trung Quốc mà vẫn bảo vệ được lãnh thổ, chủ quyền và lợi ích của dân tộc, Việt Nam càng không thể quên tất cả các cuộc chiến với Trung Quốc, trong đó có chiến tranh biên giới 1979, trong đó có việc Trung Quốc đang xâm chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa của Việt Nam. Có quan chức Việt Nam nói rằng, nếu việc lấy Hoàng Sa, một phần Trường Sa thế hệ này chưa làm được, thì thế hệ sau phải làm. Nếu không giáo dục thế hệ trẻ hiểu chính xác, kỹ càng về các cuộc xâm lăng của Trung Quốc, thì không biết đến khi nào Việt Nam mới đòi lại được lãnh thổ của mình.
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com