Toggle navigation
Dư âm Hội nghị cấp cao ASEAN 36: Nhìn lại nửa chặng đường đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam
10/07/2020 | 06:10 GMT+7
Chia sẻ :
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã đi vào lịch sử trong 53 năm qua của ASEAN, khi lần đầu tiên cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng các thành viên ASEAN thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, đồng thời tập trung củng cố đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực. 

Thách thức lịch sử

Năm 2020, nhân loại đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có về kinh tế và sức khoẻ do đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng tác động sâu sắc, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội các nước và đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia, thể chế quốc tế trong việc ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Bối cảnh đó cũng đặt ra thử thách lớn đối với Việt Nam trong năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, năm đánh dấu điểm giữa của hành trình 10 năm hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội ở cấp quốc tế và khu vực để chống lại đại dịch đã khiến các cuộc họp thông thường của ASEAN không thể thực hiện được. Nhiều hội nghị quan trọng, bao gồm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Las Vegas vào tháng 3 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào tháng 4 bị hủy bỏ. Đặc biệt, tác động toàn cầu của dịch bệnh tạo ra những điều kiện bất lợi cho chủ nghĩa đa phương, đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với tiến trình toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hợp tác quốc tế.

“Gắn kết và chủ động thích ứng”

Trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh. Sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14/2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Hội đồng Điều phối ASEAN đã tổ chức 2 phiên họp để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các đối tác ứng phó dịch bệnh. Trong kênh y tế, các cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (các nước +3) đã được khởi động ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát; các Bộ trưởng quốc phòng, kinh tế, du lịch của ASEAN đều ra tuyên bố và thống nhất các biện pháp hành động chung để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh…


Trước diễn biến của dịch Covid-19, nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực đã được xem xét như việc lập Quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó Covid-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh; lập mạng lưới các chuyên gia y tế công cộng của ASEAN với các đối tác để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát và điều trị các ca bệnh; ngăn chặn tin tức giả mạo, sai lệnh, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng khu vực; đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ các nhu yếu phẩm và vật tư y tế cần thiết cho người dân; hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh; xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế...

Ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt của ASEAN và Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh Covid-19 đã được tổ chức trực tuyến, do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Các nhà lãnh đạo đã thông qua 2 văn kiện quan trọng: Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh Covid-19, khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các nước ASEAN+3 trong ngăn ngừa và loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế, xã hội các quốc gia thành viên”.

Hội nghị cấp cao ASEAN 36 và dấu ấn Việt Nam

Trong hơn 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là một sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thành công nổi bật của Hội nghị là ASEAN đã đạt được sự nhất trí cao về việc cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông, trong đó cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các nước thành viên ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, đặc biệt Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. 

Tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong, chủ động và trách nhiệm của nước Chủ tịch luân phiên trong năm 2020. Lãnh đạo nhiều nước và như dư luận quốc tế cùng chung nhận định Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng vừa qua, nhất là thể hiện tốt vai trò dẫn dắt các nước thành viên nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như đảm bảo tất cả các nước thành viên giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ nhằm duy trì ổn định khu vực để vượt qua những thách thức chưa từng thấy. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những cố gắng, nỗ lực của Việt Nam, thành viên tích cực và có trách nhiệm trong khu vực và cộng đồng quốc tế, Chủ tịch ASEAN 2020.
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com