COVID-19 đã lây lan ra 6/7 châu lục trên toàn cầu: 81.406 ca nhiễm; 2.772 ca tử vong tính đến sáng 27/2
Cho đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa công bố dịch COVID-19 là đại dịch, nhưng dịch bệnh này ngày càng tiến gần tới định nghĩa của WHO về "đại dịch".
Tính đến 7h sáng ngày hôm nay (27/2), trên thế giới đã có 81.406 người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19), theo số liệu cập nhật trên trang worldometers. Số người tử vong do COVID-19 trên toàn cầu tăng lên 2.772 người, trong khi số người đã hồi phục được ghi nhận là 30.382 người.
Trong đó, Trung Quốc đại lục vẫn là nơi có nhiều ca nhiễm và tử vong do COVID-19 nhất trên thế giới (78.064 ca nhiễm, 2.715 ca tử vong). Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực trong vài ngày gần đây là giới chức y tế Trung Quốc và WHO đã ghi nhận có xu hướng giảm trong số liệu được ghi lại trong ngày về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đại lục.
Diễn biến của dịch virus COVID-19 đã gây chấn động trên các thị trường toàn cầu, và dấy lên những lo ngại về tác động kinh tế lâu dài của dịch bệnh này.
Trong khi các nhà đầu tư và các nhà kinh tế học đặc biệt quan ngại về việc các nhà máy tại Trung Quốc tiếp tục đóng cửa có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, thì sự bùng phát của COVID-19 tại 2 nền kinh tế lớn là Italy và Hàn Quốc lại tiếp tục khiến thị trường rung chuyển thêm, và dập tắt hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế thế giới.
Số liệu của worldometers tính đến 7h sáng ngày hôm nay (27/2).
COVID-19 đã lây lan ra 6/7 châu lục trên toàn cầu
Các quan chức y tế cộng đồng hôm thứ 4 (26/2) vừa qua đã cảnh báo rằng sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) đang ngày càng tiến gần hơn đến định nghĩa về đại dịch toàn cầu, do số trường hợp nhiễm bệnh ngoài lãnh thổ Trung Quốc tiếp tục gia tăng, trong đó bao gồm những "điểm nóng" mới đáng chú ý như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Italy...
Trong ngày 26/2, Brazil đã xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này - đây cũng là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Nam Mỹ. Như vậy, dịch COVID-19 đã chính thức lan ra 6/7 châu lục trên thế giới, ngoại trừ châu Nam Cực.
Trong khi đó, tại Mỹ, một quan chức cấp cao của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đã cảnh báo rằng về sự lây lan của COVID-19 trong lãnh thổ nước này.
"Câu hỏi hiện tại không còn là liệu điều đó có xảy ra hay không, mà chính xác là khi nào nó sẽ xảy ra, và bao nhiêu người dân Mỹ sẽ bị nhiễm bệnh nặng", Tiến sĩ Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về các Bệnh Hô hấp và Miễn dịch thuộc CDC, cho biết.
Hiện Hàn Quốc là ổ dịch lớn nhất ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục trên thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh đã lên đến hơn 1.200 người. Trong ngày 26/2 vừa qua, nước này đã ghi nhận trường hợp lính Mỹ đầu tiên nhiễm COVID-19, và tổng số ca tử vong tại Hàn Quốc đã tăng lên 12 người.
Trong khi đó, tại điểm nóng Iran, giới chức y tế đã xác nhận ít nhất 139 ca nhiễm và 19 ca tử vong do COVID-19. Italy đã có ít nhất 374 người nhiễm, 12 người tử vong do loại virus này. Algeria, Croatia, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng đã có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.
Cho đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa công bố dịch COVID-19 là đại dịch, nhưng dịch bệnh này ngày càng có những dấu hiệu giống với định nghĩa của WHO về "đại dịch".
Tiến sĩ Messonnier của CDC cho biết hôm 26/2 vừa qua rằng dịch COVID-19 đã đạt 2 trong số các tiêu chí đánh giá đại dịch: "Thứ nhất là virus mới này gây bệnh cho người và gây ra tử vong, và thứ hai là việc nó có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Khi sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng được phát hiện ở ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới, nó sắp sửa đạt đến tiêu chí thứ 3: sự lây lan trên quy mô toàn cầu".
Thêm 7 quốc gia châu Âu xác nhận có ca nhiễm COVID-19, châu Âu trở thành "điểm nóng" mới
Ngoài Italy, 7 quốc gia khác tại châu Âu là Áo, Croatia, Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19, theo New York Times. Trong ngày hôm qua (26/2), Pháp đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, Italy vẫn là quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất tại châu Âu. Hầu hết các trường hợp mới được xác nhận ở châu Âu đều có liên quan tới các ca bệnh ở Italy.
Trước diễn biến của dịch bệnh, Ủy ban Y tế của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết "tình hình quả thực đáng lo ngại, nhưng mọi người không nên hoảng loạn", đồng thời cảnh báo các công dân châu Âu nên cảnh giác trước những thông tin sai lệch, tin giả và các tuyên bố bài ngoại.
Theo Tri thức trẻ