“Thậm chí có người còn sử dụng lời lẽ thiếu lịch sự để lăng mạ các nhân viên trong bệnh viện”, Trần Thị Thanh- nữ điều dưỡng trẻ khoa Cấp cứu- BV Nhiệt Đới Trung ương kể lại những áp lực kinh khủng, nằm ngoài công tác chuyên môn mà lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã phải đối mặt.
Sinh năm 1994, Trần Thị Thanh là con gái út trong một gia đình có 3 chị em ở Nam Định, cô chưa lập gia đình, chưa yêu ai. Ở độ tuổi sôi nổi nhất của đời người, đáng lẽ kỳ nghỉ Tết sẽ là khoảng thời gian “xả láng” của cô sau một năm làm việc vất vả, nhưng năm nay thì khác.
Cuối tháng 12/2019, thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) ghi nhận trên dưới 50 người cùng mắc một căn bệnh phổi lạ chưa xác định rõ nguyên do. Tới 11/01/2020, Trung Quốc thông báo về trường hợp tử vong đầu tiên do dịch bệnh lạ. Đồng thời, qua phân tích Trung Quốc cũng đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do một chủng virus mới thuộc họ virus corona.
Khoảng thời gian trước Tết 2 tuần, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bắt đầu thành lập những nhóm theo dõi thông tin về diễn biến dịch bệnh. Trước Tết 1 tuần, nhận thức được dịch bệnh có thể vào Việt Nam ngay trong giai đoạn nhạy cảm, Ban lãnh đạo của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ra quy định với toàn thể nhân viên y tế: Khi được triệu tập phải có mặt ngay trong vòng 2 tiếng, không đi xa khỏi bệnh viện quá bán kính 50km.
Trần Thị Thanh chưa bao giờ trải qua kỳ nghỉ Tết nào giống như thế này. Cô cảm giác năm nay sẽ có một cái Tết “bất thường”. Cô gái quê Nam Định tranh thủ thời gian để về nhà ăn Tết sớm trong vòng một ngày. Gọi là "ăn tết", nhưng nữ điều dưỡng trẻ chỉ kịp sắm sửa vội vã mấy món đồ trong nhà, ăn bữa cơm cùng gia đình, rồi ngay hôm sau trở bước từ giã bố mẹ quay lại bệnh viện. Cô không ngờ sau lời chào tạm biệt, cuộc chia tay lại kéo dài tới hàng tháng trời mà vẫn chưa hẹn ngày gặp lại.
Đúng như dự đoán của các bác sĩ, ngày 23/01 (tức 29 Tết), dịch Covid-19 được ghi nhận tràn vào Việt Nam. Ngay hôm sau, ngày 24/0, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bắt đầu tiếp nhận những ca nghi nhiễm, đánh dấu cái Tết xa nhà đầu tiên của Thanh và nhiều đồng nghiệp trẻ chính thức bắt đầu.
Bao trùm lên toàn bộ câu chuyện của Thanh là những tâm sự về nỗi nhớ nhà, khao khát được gặp bố mẹ, người thân.
“Ngày nào bố mẹ tôi cũng gọi điện facetime nắm bắt tình hình, liên tục, liên tục. Trong bệnh viện mọi người lo lắng một, thì người thân bên ngoài lo lắng 10, 100. Tôi biết bố mẹ lo lắng thế nào, nên luôn trấn an, động viên”, cô bắt đầu câu chuyện.
Covid-19 là một dịch bệnh lạ, có diễn biến phức tạp và tác nhân gây bệnh- virus corona mới- đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều ẩn số, mà chúng ta chưa khám phá ra, đặc biệt là về khả năng lây lan của nó. Chính vì vậy, hơn ai hết các điều dưỡng viên, lực lượng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, được tập huấn rất kỹ về công tác chuyên môn.
Đối với một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp như corona, các công tác vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo mầm bệnh không bị phát tán trong môi trường bệnh viện là nhiệm vụ tối quan trọng của các điều dưỡng viên. Nếu nhiệm vụ này không được thực hiện thật chính xác thì các blouse trắng chính là nạn nhân đầu tiên. Một số bệnh viện ở tâm dịch Trung Quốc biến thành “ổ dịch”, nhiều bác sĩ qua đời vì lây nhiễm chéo là những bài học đau lòng, đối với nền y tế của bất kì quốc gia nào.
Chính vì vậy, như mọi điều dưỡng khác, Thanh đã được tập huấn kỹ lưỡng về nghiệp vụ để kiểm soát nhiễm khuẩn. “Điều dưỡng được rèn kỹ từng thao tác nhỏ nhất như đeo khẩu trang thế nào, tháo ra làm sao. Việc tập huấn này cũng được nhắc lại vào mỗi ngày”, Thanh kể.
Nhiệm vụ của các điều dưỡng viên, hàng ngày trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, cũng như những người bị cách ly, thực hiện y lệnh thuốc của bác sĩ, đo thân nhiệt bệnh nhân. Họ cũng là những người chăm sóc bữa ăn của bệnh nhân, hướng dẫn các bệnh nhân uống thuốc. Dọn thay ga giường và quần áo cho bệnh nhân…
“Khoảng thời gian 1 tuần đầu thực sự BV quá tải, các trường hợp có yếu tố nguy cơ từ các bệnh viện khác liên tục được chuyển về, mỗi ngày chúng tôi phải tiếp nhận đến 30-40 ca bệnh”, Thanh kể.
Các bệnh nhân dương tính với Covid-19 được cách ly nghiêm ngặt trong phòng áp lực âm, điều dưỡng là những người bạn của họ trong suốt thời gian điều trị. Mỗi điều dưỡng viên còn phải có nghĩa vụ san sẻ áp lực tâm lý, nỗi cô đơn của bệnh nhân thông qua việc chuyện trò, hỏi han.
“Nhưng bệnh nhân rất ít nói, họ ý thức được họ cần phải hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác để giảm thiểu sự lây nhiễm. Các điều dưỡng hiểu điều đó và ngày nào cũng hỏi han động viên họ”. Những chia sẻ của điều dưỡng viên trở thành nguồn động viên lớn cho người bệnh để chiến thắng virus corona.
"Sự ân cần, quan tâm của các cán bộ Bệnh viện là điều khiến tôi thực sự cảm kích và vững tâm hơn, đặt niềm tin hoàn toàn vào y, bác sĩ trong suốt quá trình điều trị", cô N.T.Y, một trong hai bệnh nhân cuối cùng được điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ trong ngày xuất viện.
Từng “chạm trán” và đối mặt với nhiều đợt dịch khác nhau, tuy nhiên, với nữ điều dưỡng trẻ của khoa Cấp cứu, Covid-19 là thử thách khó khăn nhất mà cô đã trải qua.
Không hề vô lý khi nữ điều dưỡng này lại nhận định một dịch bệnh với chưa đến 20 người nhiễm trên toàn quốc, ngay tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng chỉ tiếp nhận điều trị 5 ca và tất cả các trường hợp đều diễn biến tốt, lại gây cho cô nhiều khó khăn hơn bao giờ hết, hơn cả những đợt dịch có nhiều ca tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã từng chia sẻ: “Kẻ thù của chúng tôi không chỉ có virus corona”. Trong cuộc chiến với Covid-19, đã xuất hiện một kẻ thù hết sức lạ lẫm, mà ngay cả chuyên gia dày dặn kinh nghiệm chống dịch cũng cảm thấy mình như một “tân binh”, đó chính là tin giả. Bằng cách thổi phồng nỗi lo âu của người dân về dịch bệnh, những thông tin thất thiệt “bủa vây” mạng xã hội đã tạo nên sự hoảng loạn quá mức trong cộng đồng và không ai khác, chính những nhân viên y tế đang căng sức để dập dịch, lại là nạn nhân đầu tiên và đồng thời cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
“Lúc lên mạng đọc thấy những thông tin sai lệch về dịch bệnh, tôi thực sự rất áp lực và lo lắng rằng, người dân đọc được sẽ hiểu sai vấn đề, bị hoảng loạn quá mức cần thiết”, Thanh nói.
Càng chạnh lòng hơn khi nhiều người dân lại không có sự đồng cảm với các nhân viên y tế, những người đang mạo hiểm sức khỏe của mình để bảo vệ cộng đồng, khi quá dễ dãi trong việc tiếp nhận thông tin, để rồi có những lượt chia sẻ, những bình luận, những bài viết, khiến các y, bác sĩ cảm thấy mình như những chiến binh cô độc trong cuộc chiến với với virus corona.
Không chỉ dừng lại ở mạng ảo, sự lo sợ thiếu hiểu biết đã trực tiếp tác động lên cuộc sống của các các chiến binh blouse trắng và nhất là những người trẻ như Thanh: “Có những chị đồng nghiệp của tôi đã bị chủ nhà trọ đuổi đi với lời giải thích cụt lủn: Cháu bị nhiễm bệnh rồi, đừng về!”. Thậm chí nhiều trường hợp nằm trong diện có nguy cơ và phải cách ly để theo dõi, đã không ngần ngại xúc phạm chính những người đã phải bỏ Tết, để bảo vệ sức khỏe cho mình.
Không những thế, họ còn không tiếc những lời lẽ thiếu lịch sự để lăng mạ các nhân viên trong bệnh viện. Có người còn ra bàn tiếp đón và vứt hết giấy tờ xuống đất để gây hấn. Mặc dù các bác sĩ đã giải thích tận tình nhưng họ vẫn gân cổ lên quát và đòi ra viện”.
Đây là nhóm đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với không gian mạng xã hội, và cũng là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất sự “hoảng loạn quá mức” khi họ tiếp nhận quá nhiều thông tin nhiễu loạn trên mang ảo tạo ra.
Đằng sau chiếc áo blouse, những điều dưỡng hay và cả lực lượng y tế đang ngày đêm trực tiếp chống dịch, cũng là những con người “máu đỏ, da vàng” như mỗi chúng ta. Tất cả đều biết sợ một kẻ vô hình có tên là Tử Thần.
Công việc ban ngày bận rộn và căng thẳng, mọi thứ như những cơn sóng lớp sau xô lên lớp trước, tiếp nối nhau bất tận. Những bác sĩ, điều dưỡng viên làm việc tất bật luôn chân luôn tay như thoi đưa. “Quần áo của bệnh nhân sau khi được thay ra, chúng tôi sẽ phải cho vào một túi nilon riêng xịt khử khuẩn ở lớp ngoài; tiếp tục cho vào một lớp nilon nữa rồi lại xịt khử khuẩn; sau đó, đem riêng đồ này xuống khoa kiểm soát nhiễm khuẩn để giặt và khử khuẩn theo quy trình đặc biệt. Không chỉ có quần áo, mà bất cứ đồ vật gì sử dụng cho bệnh nhân như: dụng cụ tiêm truyền, khay đựng cơm cũng đều phải qua quá trình kiểm soát nghiêm ngặt như vậy”…
Chỉ tới khi hết ca trực, còn lại một mình trong phòng vắng thì nỗi sợ mới ở đâu ập đến, bủa vây xung quanh các điều dưỡng trẻ như Thanh…
“Những lúc chỉ có một mình, tôi thực sự sợ. Hết ca trực, chúng tôi đọc báo xem diễn biến dịch bệnh trên thế giới và đặc biệt là Trung Quốc, thấy người chết nhiều quá. Có những lúc tôi gần như bị ảo tưởng, chỉ một cơn ho, hắt hơi… tôi cũng nghi ngờ rằng chính mình đã nhiễm bệnh, lại đứng bật dậy đi cặp nhiệt độ. Cảm giác “ngây ngấy sốt” ấy ngày nào cũng tương tự như vậy. Chúng tôi căng thẳng vô cùng, giống như những phúc giây yên lặng “chết chóc” giữa các cuộc chiến”, Thanh kể.
Năm 2016, miền bắc trải qua dịch bệnh sốt xuất huyết lớn. BV Nhiệt đới TW quá tải, các cán bộ y tế khổ sở chống dịch. Thanh khi đó còn trẻ và ít kinh nghiệm hơn bây giờ rất nhiều, cũng vất vả, nhưng cô chưa khi nào thấy sợ như bây giờ.
Tuy nhiên, với những nhân viên y tế, nỗi lo sợ ấy phải được cất giấu thật kỹ, không được biểu lộ ngay cả trên nét mặt, bởi bất kỳ sự dao động nào trên tuyến đầu chống dịch, cũng lập tức ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân, sau đó là cả cộng đồng. Và dù có sợ hãi nhưng trách nhiệm với người dân, trách nhiệm với nghề nghiệp mà mình đã chọn, với lời thề Hippocrates, những chiến binh blouse trắng vẫn không hề do dự, nề hà với nhiệm vụ được giao. Thanh tự hào khoe: “Áp lực công việc lớn là vậy nhưng trong lực lượng chống dịch của chúng tôi không ai nản chí, ai cũng đi làm đều, không bỏ ca nào, không nhờ ai làm hộ”.
Sợ hãi là bản năng của con người, nhưng thứ khiến chúng ta vượt lên các giống loài khác chính là sự quan tâm, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau lấn át cả những thứ thuộc về bản năng, về quy luật sinh tồn. Câu chuyện của một điều dưỡng "vô danh" như Thanh có thể là tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm, hàng nghìn cán bộ y tế trẻ khác, lực lượng xung kích trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu lần này. Họ là những người tiếp xúc nhiều nhất với các ca bệnh và đương nhiên, đi cùng với đó là rủi ro bị lây nhiễm sẽ là cao nhất.
Thanh nói tỉnh khô nhưng làm người đối diện xúc động: “Những người trẻ, còn độc thân như chúng tôi muốn các anh chị lớn tuổi đã có gia đình, có con cái giảm bớt sự nguy hiểm, vì vậy việc tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân... những nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm cao, chúng tôi tiên phong nhận”.
“Được nghỉ, việc đầu tiên tôi làm là về ngay với bố mẹ, tôi nhớ nhà lắm rồi!”, Thanh cười mà 2 khóe mắt đỏ hoe, ậng nước.
Bài: Bảo Trung - Minh Nhật
Thiết kế: Khương Hiền
Dân trí