Trung Quốc triển khai tàu chiến thuộc hải quân chứ không phải thuộc hải cảnh hay các lực lượng chấp pháp dân sự để quấy rối tàu dân sự của nước khác.
Truyền thông Philippines gần đây đưa tin rằng vào ngày 8-4 hai tàu tấn công nhanh mang tên lửa Type 22 lớp Houbei của hải quân Trung Quốc (TQ) đã quấy rối một tàu dân sự chở các phóng viên của Philippines di chuyển ở Biển Đông. Phía Philippines tuyên bố đang tiến hành điều tra sự việc.
Về vấn đề này, nhận định với báo Pháp Luật TP.HCM, ThS Nguyễn Thế Phương, giảng viên Khoa quan hệ quốc tế thuộc ĐH Kinh tế Tài chính - học giả Biển Đông, lo ngại rằng nếu là sự thật thì đây sẽ là một diễn biến chưa từng có tiền lệ.
Chưa từng có tiền lệ bởi dường như đây là lần đầu tiên có bằng chứng rõ ràng về việc TQ triển khai tàu chiến thuộc hải quân, chứ không phải thuộc hải cảnh hay các lực lượng chấp pháp dân sự để quấy rối tàu dân sự của các quốc gia khác. Một số học giả quốc tế cho rằng luận điểm Bắc Kinh sử dụng lực lượng chấp pháp dân sự để “duy trì hòa bình và ổn định” trên Biển Đông dường như đang bị lung lay sau sự kiện trên.
Tàu tấn công nhanh mang tên lửa Type 22 lớp Houbei của hải quân Trung Quốc. Ảnh: ASIA TIMES
“Sự hiện diện liên tục của các tàu TQ xung quanh đá Ba Đầu là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng khu vực” - Bộ Ngoại giao Philippines.
Biến tấu từ “chiến lược cải bắp”
Trong những năm gần đây, sau khi tất cả lực lượng chấp pháp biển khác nhau của TQ được tái tổ chức và thống nhất trở thành một lực lượng duy nhất (tức là hải cảnh), xuất hiện các tranh luận nội bộ về các thách thức mà lực lượng hải cảnh TQ phải đối mặt trong quá trình bảo vệ cái gọi là chủ quyền của nước này trên biển.
Một trong những thách thức đó tới từ việc hải cảnh TQ thường xuyên phải đối mặt với lực lượng hải quân của các quốc gia khác. Và điều này khiến cho họ gặp nhiều bất lợi. Đó chính là lý do mà gần đây TQ đã nhanh chóng thông qua luật hải cảnh, cho phép các tàu của lực lượng này sử dụng vũ lực ở các khu vực tranh chấp. Một biện pháp khác chính là lời kêu gọi hải quân TQ tăng cường hỗ trợ, trong bối cảnh các vụ đối đầu giữa hải cảnh với hải quân các nước khác gia tăng.
Vào tháng 5-2018, một cuộc tuần tra hỗn hợp đã diễn ra giữa hải quân, hải cảnh và dân quân biển TQ ở Hoàng Sa. Sự kiện này giúp các lực lượng chấp pháp biển TQ kiểm tra khả năng phối hợp và khả năng sẵn sàng đối phó với các tình huống bất ngờ xảy ra trên biển. Theo bài tường thuật của Tân Hoa Xã thì đó là lần đầu tiên diễn ra một cuộc tuần tra hỗn hợp như vậy. Theo kịch bản đề ra, nếu nhóm tuần tra phát hiện một tàu chiến nước ngoài thì tàu của hải quân sẽ chủ động đối phó truy đuổi. Nếu là một tàu cảnh sát biển nước ngoài thì tàu của hải cảnh sẽ lãnh trách nhiệm chính. Còn nếu là tàu cá nước ngoài thì dân quân biển sẽ là bên chịu trách nhiệm truy đuổi.
Các nhà phân tích an ninh Biển Đông từ trước tới nay đã quá quen thuộc với khái niệm “chiến lược cải bắp”, với việc TQ triển khai ba lớp bảo vệ chủ quyền. Các nhà hoạch định chính sách TQ vẫn ưu tiên các lực lượng như hải cảnh hay dân quân biển hơn trong nỗ lực kiểm soát Biển Đông. Chủ yếu là do các lực lượng này vừa đảm bảo giúp TQ kiểm soát thực địa, vừa tránh leo thang xung đột. Hải quân TQ được sử dụng chủ yếu cho các yếu tố răn đe nhắm vào Mỹ hay các trung cường khác, khi họ triển khai hải quân của mình cho các nhiệm vụ ở Biển Đông. Tuy nhiên, giờ đây có vẻ như TQ đã bắt đầu nhận ra vai trò quan trọng của hải quân trong các nhiệm vụ tuần tra phối hợp thường kỳ ở các khu vực tranh chấp.
Philippines phản ứng
Philippines vừa triển khai bốn tàu hải quân tuần tra ở Biển Đông, tập trung những nơi các tàu TQ đang hiện diện trái phép, tờ Bloomberg dẫn thông báo ngày 12-4 của lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines.
Theo đó, các tàu được triển khai để hỗ trợ lực lượng tuần duyên và tàu cá tại các khu vực đá Ba Đầu, bãi Cỏ Rong (đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà Philippines, TQ, Đài Loan đang tranh chấp trái phép) cũng như một số khu vực khác ở quần đảo Trường Sa. Theo Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, hôm 13-4 hiện còn chín tàu TQ tại khu vực gần đá Ba Đầu.
Tiền lệ nguy hiểm
Sự kiện quấy rối vừa qua sẽ không phải là trường hợp đơn lẻ. Trong tương lai, những sự kiện như vậy chắc chắn sẽ diễn ra nhiều hơn, do đó căng thẳng và nguy cơ đối đầu sẽ gia tăng. Các quốc gia có tranh chấp với TQ trên Biển Đông rõ ràng sẽ phải cảnh giác.
So sánh về nguồn lực, không quốc gia nào ở Đông Nam Á có thể đặt ngang hàng với TQ. Năng lực đảm bảo an ninh hàng hải của các quốc gia này thường xuyên bị thiếu hụt và nguồn lực được phân bổ hoàn toàn không đồng đều. Hải quân thường xuyên được đầu tư, trong khi các lực lượng chấp pháp dân sự thì không. Điều này có nghĩa là trong hầu hết mọi trường hợp, hải quân sẽ là lực lượng đứng tuyến đầu. Đó là chưa kể tới những khó khăn trong việc triển khai phối hợp giữa các lực lượng chấp pháp biển với nhau trong cùng một quốc gia, cũng như giữa các quốc gia có tranh chấp.
Để đối phó với các chiến thuật vùng xám ngày càng phức tạp của TQ, có lẽ các quốc gia Đông Nam Á cần một cách tiếp cận tổng thể, trong đó tăng cường năng lực cho các lực lượng bảo vệ an ninh hàng hải là một cấu thành quan trọng. Tăng cường khả năng phối kết hợp liên cơ, xây dựng các cơ chế luật pháp hàng hải phù hợp, xây dựng quy chế hoạt động chuyên nghiệp và các quy tắc chung khi có đối đầu nên là những bước đi đầu tiên.•
Theo NGUYỄN THẾ PHƯƠNG (*)
Báo quốc tế
(*) ThS Nguyễn Thế Phương - giảng viên Khoa quan hệ quốc tế thuộc ĐH Kinh tế Tài chính