Toggle navigation
Bệnh nhân 91: hành trình 100 ngày trở về từ cửa tử
26/06/2020 | 05:07 GMT+7
Chia sẻ :
Từng có lúc cận kề cửa tử, một phi công đến từ Vương quốc Anh đã hồi phục ngoạn mục và đang trở thành tâm điểm của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.
Bệnh nhân 91 tập đi trở lại.
Bệnh nhân 91 tập đi trở lại.

Trong phòng hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP HCM, bệnh nhân 91 đang tập vật lý trị liệu cùng bác sĩ. Dù chức năng cơ và sức khỏe nói chung chưa hoàn toàn bình phục, nhưng trí não, tinh thần của ông đã gần như bình thường. Ông đã có thể sử dụng điện thoại, nói chuyện với bác sĩ và bạn bè, đi vài bước dưới sự hỗ trợ của chuyên gia trị liệu.

"Quả thật phải nói đây là ca bệnh vô cùng đặc biệt, sự phục hồi vô cùng ngoạn mục", báo Tuổi Trẻ trích lời bác sĩ Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Chợ Rẫy).

"Ngoạn mục" hay "diệu kỳ" là nhận xét chung của nhiều người về bệnh nhân 91, bởi chỉ khoảng một tháng trước, ông này còn ở trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Chuyến bay đầu tiên

Bệnh nhân 91, thường được báo chí Việt Nam gọi là "phi công người Anh", đến từ vùng North Lanarkshire, Scotland.

"Anh ấy bắt đầu công tác và đang được huấn luyện về tiêu chuẩn làm việc của Vietnam Airlines từ tháng 12/2019. Ngày 16/3/2020, phi công thực hiện chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Việt Nam với tư cách cơ phó máy bay Boeing 787", ông Nguyễn Đăng Quang - Phó đoàn trưởng Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines - chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Chuyến bay đầu tiên cũng là chuyến bay cuối cùng trước khi bệnh nhân này nhập viện do nhiễm Covid-19 vào ngày 18/3.

Đây là một ca phức tạp, do ngay trước khi phát bệnh, phi công người Anh từng thực hiện hai chuyến bay trong ngày 16/3, khứ hồi TP HCM - Hà Nội, từng đến dự tiệc tại quán bar Buddha ở quận 2 và nhiều địa điểm khác.

Quán bar Buddha sau đó được xác định là một ổ dịch, với 12 người nhiễm trực tiếp và 6 người nhiễm gián tiếp do tiếp xúc với những người nhiễm ở đây.

"Buổi tiệc lễ thánh Patrick hôm đó thu hút khoảng 200 người. Đó là đêm cuối cùng trước khi có lệnh cấm quán bar hoạt động trong thời kỳ giãn cách xã hội. Còn giãn cách ở quán thì chủ yếu là ý thức cá nhân, chúng tôi không thể ép buộc khách được", một nam nhân viên của quán bar kể lại với BBC News Tiếng Việt. Nhân viên này về sau cũng được xác định nhiễm Covid-19, là bệnh nhân 127.

Vào thời điểm nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, sức khỏe của bệnh nhân vẫn còn tốt, nhưng sau đó xấu đi rất nhanh.

"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được sự phối hợp của bệnh viện Chợ Rẫy 24/7 tham gia cứu chữa ngay từ đầu. Bệnh viện bố trí bệnh nhân ở phòng áp lực âm, dùng Hydrochloroquin, kháng sinh, trợ giúp hô hấp bằng thở máy qua mặt nạ, dinh dưỡng, dự phòng huyết khối tắc mạch, động viên tinh thần", PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, chia sẻ với BBC News tiếng Việt.

Nhớ lại thời kỳ khó khăn, ông Khuê cho biết: "Bệnh nhân có diễn biến nặng dần lên đến suy đa tạng. Giai đoạn bi quan nhất là khi người bệnh tổn thương toàn bộ hai bên phổi rất nhanh, kèm theo đó là sự suy giảm chức năng của các tạng khác như thận, gan và rối loạn đông máu".

Cận kề cái chết

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết ngành y tế Việt Nam đã huy động toàn bộ các phương tiện hồi sức tích cực hiện đại như thở máy chức năng cao, ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc thận và các can thiệp giải quyết hậu quả của bệnh Covid-19 như rối loạn đông máu, tắc mạch…

Theo ông Khuê, bệnh nhân đã trải qua nhiều giai đoạn nguy hiểm. Ngày 5/4, các bác sĩ cho đặt ống nội khí quản, lọc máu liên tục. Do bệnh nhân thở máy không hiệu quả, ngày hôm sau phải dùng hệ thống ECMO.

Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân càng nghiêm trọng hơn khi xuất hiện hội chứng giảm tiểu cầu do Heparin, chạy máy ECMO bị đông máu và tắc màng lọc liên tục.

"Bốn ngày đầu phải thay ba màng lọc, trong khi chúng tôi không có thuốc chống đông khác. Một mặt chúng tôi cho bệnh nhân cầm cự với thuốc Xarelto (Rivaroxaban) đường uống nhưng chỉ đủ dùng trong bốn ngày, mặt khác Bộ Y tế chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp thuốc chống đông Agatroban nên hệ thống ECMO của bệnh nhân vẫn được duy trì đến sau này", ông Khuê chia sẻ.
Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Ian Gibbons cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm bệnh nhân số 91 vào chiều 17.6 tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Ian Gibbons cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm bệnh nhân số 91 vào chiều 17/6 tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Thời điểm nguy hiểm tiếp theo là khi phổi bệnh nhân đông đặc gần hết, chỉ còn chừng 10% hoạt động, lại thêm biến chứng tràn khí màng phổi phải và nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh đa kháng.

Sau nhiều lần xét nghiệm âm tính hồi nửa đầu tháng 5, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 22/5, giữa lúc tình trạng sức khỏe cực kỳ xấu.

Trong giai đoạn này, các bác sĩ đã tính tới giải pháp ghép hai lá phổi và thậm chí ghép cả thận cho bệnh nhân. Tuy nhiên, dù có khoảng 60 người tình nguyện hiến tạng, việc thực hiện ca ghép lúc đó là không thể xét trên điều kiện nội tạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và nấm nghiêm trọng.

Thêm vào đó, ghép phổi cũng được coi là kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất, phức tạp hơn cả ghép tim, cơ hội thành công thấp. Trong trường hợp ghép thành công, thì việc thích nghi của cơ thể với nội tạng mới cũng là thách thức lớn.

Dốc toàn lực cứu người

Trong giai đoạn này, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam có chiều hướng đỡ nghiêm trọng hơn, khi các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng giảm và không có ca tử vong nào. Thành tích chống dịch của Việt Nam được truyền thông và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì con số "không người chết" trở nên cực kỳ quan trọng, nó là biểu tượng trung tâm của công cuộc "chống dịch như chống giặc".

Quyết tâm cứu sống bệnh nhân 91 được thể hiện tới cấp cao nhất của chính phủ: trang Facebook chính phủ Việt Nam liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của "phi công người Anh", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo cấp cao đã nhiều lần đề cập đến việc cứu chữa bệnh nhân này.

Các cuộc hội chẩn ba miền để xử trí ca 91 luôn có sự tham gia của các quan chức đầu ngành y tế và các chuyên gia giỏi nhất lĩnh vực này của Việt Nam.

Các bác sĩ từ các bệnh viện trên cả nước hội chuẩn tình trạng bệnh của BN91.
Các bác sĩ từ các bệnh viện trên cả nước hội chuẩn tình trạng bệnh của BN91.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết bệnh viện đã phải nhập thêm nhiều loại kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân.

Trong thời điểm bệnh nhân 91 nguy kịch, khi sử dụng thuốc an thần sẵn có ít tác dụng, cần phải tăng liều truyền liên tục, Bộ Y tế đã chỉ đạo cho nhập khẩu khẩn cấp thuốc an thần Dexmedetomidine.

Nỗ lực của ngành y tế được đông đảo dân mạng cổ vũ. Trên trang facebook của chính phủ Việt Nam, sau mỗi một bài viết về bệnh nhân 91 là hàng trăm bình luận.

"Bệnh nhân này phải vượt qua để còn nói lời cảm ơn các bác sĩ".

"Nỗ lực của các bác sĩ thật tuyệt vời. Anh phi công cố gắng sống để làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước"…

Cũng có vài ý kiến cho rằng chính phủ đã tốn quá nhiều nguồn lực để cố cứu sống bệnh nhân 91.

"Ca này phức tạp, tốn kém tiền của, nhân lực và thuốc men nhiều nhất, lên báo cũng nhiều nhất", một người viết trên trang facebook của mình, và người này cho rằng nên "trả về Anh cho mồ yên mả đẹp".

Việc cứu chữa cho bệnh nhân 91 cũng phát sinh nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí lên đến nhiều tỉ đồng sau hàng tháng trời chữa trị.

Hồi phục 'diệu kỳ'

Dù có nhiều tranh cãi và có lúc rất bi quan, nhưng sau khi bệnh nhân 91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 22/5, quá trình hồi phục được miêu tả là "diệu kỳ". Bệnh nhân không cần cấy ghép nội tạng nữa và đang được điều trị chờ ngày về nước.

Ngày 23/6, báo Pháp luật TP HCM dẫn lời bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết với tình hình sức khỏe hiện tại, bệnh nhân đã đủ điều kiện để rời khỏi khoa Hồi sức cấp cứu.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, sự hồi phục của bệnh nhân 91 trước hết là nhờ tinh thần quyết tâm không buông bỏ người bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế và của các bệnh viện.

"Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các diễn biến của người bệnh, kịp thời báo cáo xin ý kiến Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, huy động trí tuệ toàn bộ nhân lực y tế của cả nước để phán đoán, tiên lượng và có biện pháp hỗ trợ, điều trị người bệnh", ông Khuê chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

"Việt Nam đã huy động toàn bộ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc men tốt nhất, kể cả nhập thuốc từ nước ngoài về để điều trị cho người bệnh".

Ông cũng nói rằng việc chăm sóc tận tình, thực hiện phục hồi chức năng và chế độ dinh dưỡng hợp lý đã góp phần giúp bệnh nhân hồi phục tốt.

"Việc chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị hồi phục là một bước đi đúng đắn trong quá trình điều trị cho người bệnh", ông Khuê chia sẻ thêm.

"Là người trực tiếp điều trị và theo dõi sức khỏe hằng ngày của BN91, tôi rất vui khi thấy hiện giờ bệnh nhân đã có thể tự cạo râu, đánh răng, nhấn bàn phím điện thoại… Điều này cho thấy hoạt động của hai bàn tay bệnh nhân đã trở về bình thường", báo Pháp luật TP HCM dẫn lời bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.

Phi công Anh ngồi xe lăn phơi nắng mỗi sáng
Phi công Anh ngồi xe lăn phơi nắng mỗi sáng

Bác sĩ Linh kể rằng bệnh nhân từng nói sau khi bình phục, sẽ chở các y bác sĩ bay trên bầu trời Việt Nam, như một lời cảm ơn dành cho ân nhân cứu mạng.

Nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân 91 còn thể hiện ở những khía cạnh ít ngờ tới hơn.

"Đa phần người châu Á ăn sáng tầm 5 giờ, ăn trưa 11 giờ và ăn tối lúc 17 giờ. Thế nhưng bệnh nhân 91 ngủ tới 8 giờ mới dậy đánh răng rồi ăn sáng. Giờ ăn trưa của bệnh nhân là 14 giờ và ngồi vào bàn ăn tối lúc 20 giờ. Bệnh viện phải mời đầu bếp người châu Âu để nấu nướng những món theo yêu cầu của bệnh nhân", bác sĩ Linh nói thêm.

Một trong những vướng mắc là chi phí điều trị, đến nay cũng đã có hướng giải quyết.

Theo cập nhật mới nhất trên Facebook của chính phủ Việt Nam, chi phí điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã được công ty bảo hiểm chi trả 3,5 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí điều trị hơn một tháng qua tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa được thống kê, tính toán đầy đủ.

"Chúng tôi hy vọng người bệnh sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường, như một kỳ tích với nỗ lực không ngừng của Chính phủ, Bộ Y tế và các bệnh viện, để không ai bị bỏ lại phía sau", PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nói với BBC News Tiếng Việt.

Theo Bùi Thư
BBC News Tiếng Việt
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com