Toggle navigation
ASEAN cần quan tâm phát triển bền vững lưu vực sông Mekong
11/11/2020 | 04:21 GMT+7
Chia sẻ :
Khu vực Đông Nam Á được chia thành hai phần lục địa và hải đảo với số lượng các quốc gia trên mỗi phần gần tương đương nhau. Đặc điểm này như một sự “sắp đặt” định mệnh của tự nhiên, ảnh hưởng đến lịch sử phát triển, quan hệ hợp tác, an ninh, địa chính trị chiến lược khu vực. Ở góc độ an ninh, ASEAN đang đối mặt với những thách thức cả trên lục địa lẫn hải đảo, truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi bật là thách thức về an ninh hàng hải trên Biển Đông (hải đảo), an ninh nguồn nước, an ninh lương thực khu vực tiểu vùng sông Mekong (lục địa).
Với tư cách là tổ chức đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác khu vực, đây đều là những thách thức lớn có ảnh hưởng đối với tương lai, tiền đồ của ASEAN. 

Vai trò của sông Mekong đối với ASEAN

Sông Mekong với chiều dài 4.350 km có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của khoảng 60 triệu công dân ASEAN sống dọc theo lưu vực. Đối với Việt Nam, 80-90% lượng gạo xuất khẩu thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với Campuchia, sông Mekong cung cấp nước cho hồ nước ngọt Tonle Sap, chiếm tới 60% nguồn lợi thủy sản của quốc gia này. Tổng giá trị ngành thủy sản lưu vực sông Mekong ước tính lên tới 17 tỷ USD/năm. Sông Mekong là đường ranh giới tự nhiên giữa hai nước Thái Lan và Lào, tạo nên các hệ sinh thái đa dạng, cung cấp nguồn lợi thuỷ sản, nguồn nước nuôi sống hàng triệu cư dân ven sông, là dòng sông linh thiêng gắn liền với lịch sử, văn hoá của cư dân hai dân tộc. Phù sa sông Mekong bồi đắp cho các đồng bằng nó đi qua tạo nên những vùng nông nghiệp trù phú, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả khu vực và thế giới. Do đó, bất kể tác động bất lợi nào về môi trường đến khu vực này có thể gây ra thảm hoạ khôn lường. Theo chuyên gia Richard Cronin thuộc Trung tâm Stimson tại Mỹ, nhiều người ở các quốc gia như Philippines và Indonesia sẽ bị đói nếu Việt Nam và Thái Lan không sản xuất đủ gạo.

Với vị trí địa chiến lược nêu trên, việc phát triển bền vững lưu vực sông Mekong xứng đáng được ASEAN quan tâm và làm tốt như đã làm với Biển Đông, vấn đề mà giờ đây đã trở thành mối bận tâm toàn cầu và không một bên tuyên bố chủ quyền nào trong ASEAN có thể bị cô lập và bị ép buộc phải từ bỏ yêu sách của mình theo quy định của luật pháp quốc tế. Việc ASEAN duy trì được đồng thuận về Biển Đông, bác bỏ ý tưởng nguy hiểm rằng vấn đề này chỉ liên quan đến lợi ích của các nước có biển đã thể hiện được vai trò trung tâm của ASEAN trong việc đoàn kết, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước thành viên và củng cố các cơ chế hợp tác khu vực. 

Đoạn sông Mekong tại quận Sangthong, thủ đô Vientiane, Lào, một trong những nơi mực nước xuống thấp. Ảnh: MRC.
Năm 2019, đoạn sông Mekong tại quận Sangthong, thủ đô Vientiane, Lào, một trong những nơi mực nước xuống thấp. Ảnh: MRC.

Các cơ chế hợp tác Mekong: Yếu và thiếu hiệu quả

Trong các cơ chế hợp tác tại Tiểu vùng Mekong, có 4 cơ chế hợp tác nội khối, 8 cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong và các đối tác phát triển ngoài khu vực. Đây là những con số ấn tượng, tuy nhiên trên thực tế hiệu quả những cơ chế này còn rất khiêm tốn, nguyên nhân một phần do hạn chế về nguồn lực và những khác biệt về lợi ích, ưu tiên của các nước nội khối; sự xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đối tác. Bên cạnh đó, Tiểu vùng Mekong cũng thiếu khung khổ pháp lý điều chỉnh các quan hệ hợp tác. Năm 1995, bốn nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mekong 1995 và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). Hiệp định này là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mekong nhưng đáng tiếc lại thiếu sự ràng buộc pháp lý và hiệu lực thực thi. Các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mekong hiện nay cũng thiếu sự kết nối với các chương trình nghị sự của ASEAN và chưa dành được sự quan tâm xứng đáng của các thành viên ASEAN hải đảo. Cơ chế hợp tác được cho là có hoạt động tích cực nhất, Sáng kiến Hợp tác Lan Thương - Mê Kông (LMC) hiện do Trung Quốc dẫn dắt, chi phối và khó tránh khỏi những nghi ngại về khả năng cơ chế này bị lợi dụng phục vụ cho các tính toán chính trị. Do đó, vấn đề phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong rất cần vai trò trung tâm điều phối của ASEAN để phục vụ cho các mục tiêu phát triển khu vực.

Hướng đi nào cho ASEAN về vấn đề sông Mekong

ASEAN cần loại bỏ cách tiếp cận hẹp đối với các vấn đề Mekong và tư duy về chiến lược cho toàn khu vực một cách tổng thể. Tầm quan trọng của sông Mekong đối với Đông Nam Á đòi hỏi ASEAN phải có phản ứng quyết liệt và kịp thời. Nếu thiếu điều này, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ bị suy giảm hơn nữa và sự ổn định, tăng trưởng của khu vực trong dài hạn sẽ bị thách thức. Trong đó, quan trọng nhất, đồng thuận đa phương và song phương về Mekong cần phải được đặt trong khuôn khổ rộng lớn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với vấn đề quản trị nước. Công ước LHQ về Nguồn nước quốc tế không vì mục đích đi lại (UNWC) là một khung pháp lý như vậy và rất cần các nước ASEAN ven sông Mekong xem xét thông qua. 

Ngoài Việt Nam, các chủ tịch luân phiên trong tương lai của ASEAN nên ủng hộ việc đưa các vấn đề phát triển bền vững lưu vực sông Mekong vào chương trình nghị sự một cách kịp thời và có trọng tâm. Philippines, nước điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc hiện nay nên chủ động đưa các vấn đề Mekongvào các cuộc thảo luận trong tương lai với Trung Quốc, thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác nhiều hơn giữa LMC và các cơ chế liên chính phủ khác như Ủy hội sông Mekong.

Vglobalnews
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com