Toggle navigation
70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được
18/12/2024 | 01:12 GMT+7
Chia sẻ :
Nhìn thẳng vào sự thật với nhiều vấn đề tồn tại hàng chục năm trong bộ máy chưa được giải quyết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
"70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được?"
70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy trong khi bộ máy còn cồng kềnh, chồng lấn; một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương dẫn đến cơ chế xin - cho, nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu triệt để…

Đó là những bất cập được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần thẳng thắn đề cập kể từ khi nhậm chức, để nhấn mạnh đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 3

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hệ lụy ấy cản trở sự phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Nêu yêu cầu hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025, Tổng Bí thư cho biết lần này sẽ làm từ trên xuống với phương châm Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, làm với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng".

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 5

Nhìn nhận đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức, song Tổng Bí thư khẳng định vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u".

Ví lần tinh gọn bộ máy này như một cuộc cách mạng, Tổng Bí thư lưu ý tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.

Chia sẻ với lo ngại của Tổng Bí thư Tô Lâm về thực trạng bộ máy cồng kềnh và ngân sách đang phải dành 70% chi cho bộ máy, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ (nguyên Ủy ban Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách), nhận định bộ máy cồng kềnh, biên chế đồ sộ đang là gánh nặng của ngân sách Nhà nước.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 7

Ông cho biết số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta khoảng 800.000 người. Nếu tính cả số cán bộ cấp xã, lực lượng vũ trang và những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, số lượng lên đến gần chục triệu người.

Theo ông Thụ, trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước; chi trả nợ cả gốc và lãi đến hạn chiếm 23,7% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước.

Để có nguồn cho đầu tư phát triển, trong những năm vừa qua mới bố trí đủ chi để trả lãi; phần lớn số nợ gốc phải vay đảo nợ và chấp nhận ngân sách bội chi ở mức khá cao trong nhiều năm. Vì vậy, cân đối ngân sách rất khó khăn.

Trong khi đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng phải cân nhắc, thậm chí gác lại, giãn tiến độ thực hiện do không có nguồn ngân sách để thực hiện…

Từ tình trạng trên cho thấy sự cồng kềnh về bộ máy với quy mô biên chế lớn không chỉ tiêu tốn ngân sách Nhà nước mà còn hình thành cơ chế phức tạp, phiền nhiễu đang là nút thắt, rào cản đối với sự phát triển của đất nước, theo lời ông Thụ.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 9

Bởi thực tế ấy, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là chủ trương đã được đặt ra cách đây hàng chục năm, được tiến hành nhiều lần, song kết quả chưa như kỳ vọng.

Nhắc lại thời điểm cách đây gần 10 năm - khi xây dựng Nghị quyết 18 của Trung ương "về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) cho biết lúc đó cũng có rất nhiều tâm tư khi quyết định giảm đầu mối bên trong các cơ quan, giảm nhiều lãnh đạo và bỏ cấp hàm ở cơ quan Trung ương.

Dù vậy, với quan điểm chỉ đạo quyết liệt, chúng ta vẫn triển khai với tâm niệm "mỗi người hy sinh một chút, rồi ai cũng sẽ tìm được chỗ đứng và lối đi của mình".

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 11

"Lúc xây dựng Nghị quyết 18, chúng ta xác định mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình, bước đi rất bài bản. Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đó làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chỉ đạo làm ngày làm đêm, phòng làm việc ở Ban Tổ chức khi đó đêm nào cũng sáng đèn", theo lời ông Hà.

Vị chuyên gia kể khi đó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đi rất nhiều nơi, "gặp hết tỉnh này đến bộ nọ" để trao đổi, lấy rất nhiều tư liệu liên quan.

Cách làm cũng dân chủ qua việc trao đổi, lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức hội thảo, thậm chí hỏi cả các cán bộ lão thành, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xem Mỹ, Trung Quốc, Nga, Singapore và các nước… có bao nhiêu bộ ngành để so sánh, đối chiếu, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ông Hà cũng kể khi ấy, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thường đề nghị Bộ Tài chính cung cấp số liệu chi thường xuyên từng năm, Bộ Nội vụ cung cấp số liệu về cán bộ công chức để xây dựng phương án tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

"Lúc đó chúng tôi phải tính toán từng con số xem có bao nhiêu cục, vụ, phòng; lãnh đạo chiếm bao nhiêu; thậm chí thống kê cho thấy có những vụ toàn lãnh đạo mà không có chuyên viên nào cả, có vụ gồm 1 vụ trưởng, 3 hàm vụ trưởng, 6 vụ phó, chẳng có ai là chuyên viên", ông Hà nói thời điểm đó phải "lột tả", phơi bày những bất cập trong bộ máy để thấy bức tranh chung.

Để ra được Nghị quyết 18 của Trung ương, vị chuyên gia cho biết mất cả năm nghiên cứu và xây dựng, ban hành, với mục tiêu bỏ tổng cục, bỏ ngay cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo và biên chế để giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 13

 Chuyên gia Nguyễn Đức Hà cho biết chủ trương thành lập bộ đa ngành, đa lĩnh vực, đã có từ lâu. Và việc sắp xếp tổ chức cũng đã có những tiền lệ trong nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước.

Nhưng dù đã có bước đi, có bài học, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị vẫn chưa đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Đó cũng là lý do Tổng Bí thư Tô Lâm ngay khi nhậm chức đã tập trung nhấn mạnh vấn đề kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".

Đặt vấn đề về thời điểm để trả lời câu hỏi vì sao cần làm ngay, ông Hà cho rằng tính cấp thiết của vấn đề đã ngày càng rõ.

"Muốn vươn mình, muốn tập trung cho đầu tư phát triển mà 70% ngân sách chi cho bộ máy, chỉ có 30% chi cho đầu tư phát triển, làm sao phát triển nhanh, bền vững và vươn mình được, làm sao bước vào kỷ nguyên mới một cách vững chắc được?", ông Hà nêu quan điểm.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 15

Tổng Bí thư Tô Lâm gọi lần sắp xếp, tinh gọn bộ máy này là một "cuộc cách mạng", ông Hà cho rằng cần hiểu rõ bản chất của "cuộc cách mạng" này.

Theo ông Hà, từ "cách mạng" lần này thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn, chỉ đạo mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn và cuối cùng là đặt ra mục tiêu đạt hiệu quả tốt hơn trước.

Bên cạnh đó, việc triển khai cần làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều khối khác nhau. Bởi trước đây vì chưa làm đồng bộ và toàn diện nên xuất hiện tình trạng chờ đợi, nghe ngóng, cả hệ thống chờ nhau.

Nhận định "cuộc cách mạng" này là một việc cực kỳ lớn, ông Hà nhấn mạnh cần triển khai đồng bộ, toàn diện và quyết liệt theo lộ trình, thời gian thần tốc với quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Ông cũng ví von đây là "cuộc cách mạng thần tốc", và thời gian ngắn là áp lực nhưng cũng là động lực để triển khai.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 17

Gọi lần sắp xếp, tinh gọn bộ máy này bằng cuộc cách mạng thần tốc có lẽ đúng với bản chất hơn cả, bởi chỉ cần nhìn vào các mốc thời gian cũng có thể thấy được tính chất thần tốc ấy.

Ngày 3/8, ông Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương bầu giữ chức Tổng Bí thư. Hơn 1 tháng sau, ngày 20/9, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập nhiệm vụ "tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả", khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 19

Trong bài viết ngày 5/11 "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn đề cập những bất cập trong bộ máy của hệ thống chính trị và lần đầu tiên nhắc đến cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chỉ 20 ngày sau, khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11, Tổng Bí thư yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong sắp xếp hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ông nói đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 4 tháng, một chủ trương vốn luôn được coi là khó khăn, nhạy cảm và phức tạp này, đã được triển khai một các quyết liệt, mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ với tốc độ đáng kinh ngạc.

Tất cả các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thuộc diện sắp xếp đã xây dựng phương án, ví như cơ cấu Chính phủ dự kiến giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội giảm 4 ủy ban...

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội cũng đã tiến hành các phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy.

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nhiệm vụ tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy với dự kiến giảm 5 bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong.

Giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng cường cho cơ sở, xóa bỏ quan liêu bao cấp, tăng cường chuyển đổi số, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tham nhũng vặt, giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp... là định hướng được người đứng đầu Chính phủ đưa ra.

Đặc biệt, trong quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng lưu ý cần chống "chạy chọt", chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, theo Thủ tướng, cần tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức và có thời kỳ quá độ phù hợp.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 21

Nhận định yêu cầu đặt ra là rất cấp bách, khẩn trương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý không chỉ tinh giản một cách cơ học, cào bằng, mà cần phải gắn công tác này với vấn đề cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sao cho tinh gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt.

"Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng trong đổi mới tổ chức bộ máy Quốc hội, do đó, cần thống nhất và quyết tâm rất cao trong nhận thức và hành động. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động trong thực hiện", ông Mẫn quán triệt.

Về phía các địa phương, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế cũng được triển khai rất khẩn trương.

Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc… lần lượt công bố kế hoạch và chốt thời hạn tinh gọn bộ máy ở địa phương với bức tranh dự kiến "tinh, gọn, nhẹ" hơn hiện hành rất nhiều.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho biết Ban Chỉ đạo của tỉnh về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã rất nhanh chóng tiến hành họp, thảo luận và đưa ra phương án đề xuất cụ thể.

Ông An thông tin chủ trương của tỉnh về việc kết thúc và giải thể 12 tổ chức Đảng, thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; hợp nhất 2 ban xây dựng Đảng; kết thúc nhiệm vụ của một sở; hợp nhất 10 sở, cơ quan và tương đương; hợp nhất 5 ban quản lý dự án cấp tỉnh còn 3 ban; nhập 4 công ty do Nhà nước quản lý thành một.

70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, làm sao vươn mình được? - 23

Sau sắp xếp, Vĩnh Phúc dự kiến giảm được 15 tổ chức Đảng, một ban xây dựng Đảng, 6 sở và giảm 6 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước cấp tỉnh.

Bí thư Dương Văn An yêu cầu các cơ quan của Vĩnh Phúc tiếp tục hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp về bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh; nghiên cứu xây dựng tiêu chí lựa chọn cán bộ đối với các cơ quan, đơn vị diện sáp nhập để bàn bạc, thảo luận công khai minh bạch về công tác cán bộ, phù hợp với năng lực, sở trường, uy tín.

Trước cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, Bí thư Vĩnh Phúc khẳng định địa phương sẽ triển khai khẩn trương, quyết liệt cao độ với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", và bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của các cơ quan công vụ.

Nội dung: Hoài Thu
Thiết kế: Thủy Tiên
Dân trí
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com