Toggle navigation
300 tàu nghi của dân quân biển Trung Quốc quần thảo Biển Đông
21/11/2021 | 07:35 GMT+7
Chia sẻ :
Trung Quốc có thể triển khai 300 tàu dân quân hoạt động ở Biển Đông để né luật quốc tế và đòi yêu sách chủ quyền phi lý, theo CSIS.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, Mỹ, ngày 18/11 công bố báo cáo cho biết các tàu dân quân biển này có thể liên tục hiện diện quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách củng cố yêu sách phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông. Đội tàu dân quân biển Trung Quốc bao gồm các tàu chuyên dụng và tàu đánh cá thương mại.

Trung Quốc thành lập dân quân biển để bảo vệ khu vực ven bờ từ những năm 1950. Theo CSIS, từ thập niên 1970, với các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc, dân quân biển phát triển về quy mô và trở thành một công cụ để Bắc Kinh củng cố yêu sách chủ quyền phi lý.

"Trong suốt những năm 2000, dân quân biển Trung Quốc chuyển trọng tâm sang do thám và quấy rối hoạt động quân sự của các nước khác", bao gồm đâm va, rải vật thể trên đường đi, xịt vòi rồng và tham gia các hoạt động di chuyển nguy hiểm khác, CSIS cho biết.

Tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu trái phép tại khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần dảo Trường Sa của Việt Nam ngày 23/3. Ảnh: Maxar.
Tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 23/3. Ảnh: Maxar.

Greg Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của CSIS, đồng tác giả của báo cáo, cho biết các tàu dân quân biển chuyên dụng của Trung Quốc đóng tại một số cảng trên đảo Hải Nam, còn đội tàu chuyên hoạt động ở khu vực Trường Sa có thêm một số tàu cá từ 5 cảng tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

"Giá trị của dân quân biển nằm ở chỗ Trung Quốc có thể phủ nhận trách nhiệm với lực lượng này", Poling nói. "Bắc Kinh có thể tuyên bố đây là tàu cá bình thường, song bằng chứng viễn thám và ảnh vệ tinh cho thấy có thể phân biệt rõ giữa tàu dân quân biển và tàu cá thông thường".

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Ranh giới giữa hoạt động thương mại và quân sự của dân quân biển Trung Quốc thường trở nên mờ nhạt, do nhiều tàu vẫn tham gia các hoạt động đánh bắt quy mô lớn trong lúc phối hợp cùng lực lượng quân sự hoặc thực thi pháp luật, theo Collin Koh, chuyên gia tại Viện Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.

Dân quân biển Trung Quốc gần như tránh đối đầu bạo lực, song lực lượng này có hành động leo thang khi đâm chìm một tàu cá bằng gỗ của ngư dân Philippines đang neo đậu phía đông bắc quần đảo Trường Sa năm 2019. Nhóm ngư dân Philippines lênh đênh trên biển trong nhiều giờ trước khi được một thuyền Việt Nam gần đó ứng cứu.

CSIS cho biết phần lớn tàu dân quân biển Trung Quốc không có mối liên hệ trực tiếp với chính phủ nước này, nhưng có thể dễ dàng xác định tàu dân quân biển Trung Quốc qua ảnh, video, dữ liệu hệ thống nhận dạng giữa các tàu cùng các hành vi khác như đậu sát nhau thành nhóm lớn.

Xuồng cao su Philippines áp sát 6 tàu cá Trung Quốc ngày 14/4. Ảnh: PCG.
Xuồng cao su Philippines áp sát 6 tàu vỏ sắt Trung Quốc ngày 14/4. Ảnh: PCG.

"Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Luật pháp Trung Quốc, phát ngôn của các quan chức, truyền thông cùng hoạt động phối hợp giữa tàu công vụ và dân quân biển nước này thể hiện rõ Bắc Kinh tán thành lẫn tạo điều kiện cho họ hoạt động", báo cáo của CSIS có đoạn.

Giới chuyên gia mô tả dân quân biển Trung Quốc là ví dụ điển hình về "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền, song tránh giao tranh quân sự truyền thống.

Lực lượng dân quân biển cho phép Trung Quốc phớt lờ các công ước quốc tế về vùng biển quốc tế, cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử" và "đường 9 đoạn" tại Biển Đông.

"Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám như vậy đặt ra thách thức trực tiếp và nghiêm trọng với trật tự dựa trên luật lệ, vốn đặt ra điều kiện để các nước tương tác với nhau và giải quyết tranh chấp chủ quyền", chuyên gia Koh nói. "Điều này trở nên đáng lo ngại cho bất cứ ai muốn đảm bảo hệ thống quốc tế hòa bình và ổn định".

Nguyễn Tiến - Vnexpress
Theo Al Jazeera
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com