Xuất khẩu thủy sản sang hầu hết thị trường giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất khẩu sang nhiều thị trường tham gia CPTPP lại tăng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2019 tăng 1,6%, đạt 1,79 tỷ USD. Suy giảm (so với quý I/2018) ghi nhận ở hầu hết thị trường trừ các đối tác của Việt Nam trong CPTPP. Riêng xuất khẩu sang 10 nước này đạt 502 triệu USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2018 (tháng 3 tăng gần 18%).
Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Canada, Mexico và Malaysia tăng trưởng khả quan. Mexico, một trong những thị trường mới mà CPTPP mang lại cho Việt Nam, đã nhập khẩu 38 triệu USD giá trị hàng hoá, tăng hơn 36%; trong khi Malaysia nhập 32 triệu USD, tăng gần 33%.
Ảnh: Reuters.
Riêng xuất khẩu thủy sản sang Nhật tăng mạnh bởi theo các cam kết của nước này, đa số hàng thủy sản Việt Nam có thế mạnh được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi CPTPP có hiệu lực (cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ...). Thậm chí, toàn bộ dòng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế ngay theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản cũng được hưởng thuế 0%.
Với Canada, một quốc gia khác mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cũng tăng 11,7% với giá trị đạt hơn 48 triệu USD.
Biểu đồ: Phan Vũ.
Thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Mỹ chỉ tăng nhẹ 4,4% trong quý I, đạt 283 triệu USD. Tuy nhiên, tình hình được dự báo khả quan hơn sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố thuế sơ bộ đối với 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong đợt rà soát hành chính thứ 13 là 0%. Dù chưa phải là quyết định chính thức, mức thuế này phần nào sẽ giúp việc xuất khẩu tôm sang Mỹ của doanh nghiệp Việt thuận lợi hơn, tăng sức cạnh tranh với Ấn Độ, Thái Lan…
Riêng với Liên minh châu Âu (EU), xuất khẩu thủy sản giảm hơn 11% sau 3 tháng, còn hơn 268 triệu USD. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc bị “thẻ vàng” cảnh báo của EU liên quan tới hoạt động khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã làm giảm xuất khẩu thủy sản sang khối thị trường này. Tuy nhiên, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể được phê chuẩn vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay được dự báo sẽ phần nào hỗ trợ xuất khẩu thủy sản trở lại.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2019. Các nước nhập khẩu ngày càng chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm và đưa ra nhiều rào cản phi thuế, giá nhiều mặt hàng giảm do cung vượt cầu, phải cạnh tranh gay gắt…
Tuy vậy, cùng với sự mở cửa của các thị trường CPTPP, nhu cầu về thủy sản nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu ngày càng lớn, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực. Chẳng hạn trong 10 ngày đầu tháng 4, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang tăng 1.000-1.500 đồng. Hiện giá cá tra thịt trắng và thịt hồng (trọng lượng 0,8-1 kg/con) dao động trong khoảng 24.000-25.500 đồng/kg mua tại hầm, quầng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá vẫn thấp hơn 3.500-4.500 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tôm tại khu vực Tây Nam Bộ biến động rất ít. Đến ngày 12/4, giá tôm nguyên liệu tại đầm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau là 85.000-100.000 đồng/kg, với kích thước từ 100 con/kg đến 80 con/kg. Tôm cỡ 70 con/kg được rao bán ở 103.000-105.000 đồng/kg. Nhà máy Minh Phú Cà Mau đang chào giá tôm thẻ cỡ 100 con/kg ở mức thấp hơn, 81.000- 84.000 đồng/kg, tùy tiêu chuẩn kiểm tra kháng sinh.
Theo Phan Vũ
NDH