Toggle navigation
Xuất khẩu 2018: Rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ
08/05/2018 | 09:20 GMT+7
Chia sẻ :
Chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại và sẽ có tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018.

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp - Ảnh: TL

Tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì gần đây, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức ảnh hưởng tới tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018. Một trong những thách thức đó là chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại.

Những biến động khó lường

Theo Bộ Công Thương, dù thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Mỹ lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại. Mỹ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được Mỹ công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" vào tôm xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức.

Ngoài Mỹ, một số nước khác thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước như Indonesia chỉ cho phép nhập khẩu điện thoại thông minh nếu công ty làm ra điện thoại đó cũng có cơ sở sản xuất ở Indonesia, hay Ấn Độ cấm nhập khẩu hạt tiêu nếu giá bán vào Ấn Độ thấp hơn một mức giá tối thiểu do Chính phủ nước này đặt ra.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2017, xuất khẩu thủy sản cả nước cán đích với trên 8,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với năm 2016. Xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực đều tăng trưởng khả quan ở hầu hết các thị trường. Xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng chi phối, chiếm 46% thị phần xuất khẩu, tăng 22% đạt trên 3,85 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, giống như nhận định chung của Bộ Công Thương, xu hướng bảo hộ đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản, đặc biệt tại thị trường Mỹ.

Ông Hòe dẫn chứng, thị trường Mỹ chiếm 17% với 1,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 3%. Điều này là do ảnh hưởng từ chương trình thanh tra cá da trơn từ 1-8-2017 và thuế chống bán phá giá tôm và cá tra. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 10%; xuất khẩu tôm cũng giảm 7,5%.

Năm 2018, theo dự báo của VASEP, một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản như chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, thuế chống bán phá giá tôm - cá tra sang Mỹ và "thẻ vàng" IUU (đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý).

Bên cạnh xu hướng bảo hộ, một số vấn đề nội tại của ngành như như thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, vấn đề kháng sinh, giá thành sản xuất...vẫn còn nhiều bất cập.

“Ví dụ như thị trường tôm, câu đầu tiên khách hàng luôn hỏi là anh có kiểm soát được kháng sinh, tạp chất trong tôm hay không? Nếu được họ sẵn sàng mua. Nếu các địa phương quyết liệt tập trung vào vấn đề hoá chất, kháng sinh, tạp chất thì chắc chắn con tôm Việt Nam sẽ có được kết quả xuất khẩu tốt", ông Hòe nói.

Cũng giống như ngành thủy sản, xu hướng bảo hộ cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản. Theo số liệu của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2017 đạt khoảng 8 tỉ đô la Mỹ, đưa ngành này đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Đạt được thành tích này, theo VIFORES, là do ngành gỗ Trung Quốc bị Mỹ kiện bán phá giá đối với gỗ có xuất xứ từ quốc gia đông dân nhất thế giới này và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc, từ đó tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động và giá lao động cao tại Trung Quốc, Malaysia và Indonesia – các quốc gia cạnh canh về chế biến gỗ xuất khẩu với Việt Nam cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển.

Theo VIFORES, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt con số 10 tỉ đô la Mỹ đến 2020.

Tuy nhiên, cũng giống như những ngành khác, xuất khẩu gỗ đang chịu rủi ro tiềm ẩn từ xu hướng bảo hộ thương mại. Gần đây, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét áp thuế lên tới 100 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ ngành gỗ Trung Quốc có nằm trong danh sách này hay không, tuy nhiên, nếu việc áp thuế xảy ra với ngành gỗ, rất có thể có làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang Việt Nam để “né" thuế của Mỹ khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, các hiệp hội gỗ đã phản ánh về hiện tượng đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng mạnh. “Có thể sự dịch chuyển này là những động thái nhằm tránh các chính sách về thuế Mỹ áp dụng cho các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường này”, ông Phúc nói.

Cần có cơ chế cảnh báo sớm

Dòng vốn Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam sẽ có tác dụng tiêu cực. Theo ông Phúc, Mỹ là thị trường tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam. Thặng dư trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam khoảng 32 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, nghiêng về phía Việt Nam đã đẩy Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia có mức thâm hụt lớn nhất đối với Mỹ. Việt Nam đã lọt vào danh sách được Mỹ “quan tâm” lớn, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu như hàng điện tử, may mặc, giầy dép và đồ gỗ.

Riêng đối với các mặt hàng đồ gỗ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ hiện đạt trên 2 tỉ đô la Mỹ, nghiêng về Việt Nam. Mức thặng dư này, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ càng làm cho Mỹ quan tâm đặc biệt tới Việt Nam hơn. Đây được coi là một trong những rủi ro rình rập đối với kim ngạch xuất khẩu gỗ 2018 mà đã được nhiều chuyên gia cảnh báo thời gian gần đây.

Xu hướng bảo hộ đã được các bộ ngành và doanh nghiệp xác định là một trong những rủi ro lớn đối với kim ngạch xuất khẩu năm 2018. Tuy nhiên, ở cấp doanh nghiệp họ chỉ có thể làm được ở cấp vi mô như cắt giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới….họ khó có thể giải quyết được vấn đề vĩ mô liên quan tới xu hướng bảo hộ thương mại.

Về phần mình, theo Bộ Công Thương, cơ quan này sẽ tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng….Trước mắt, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản giải quyết các tranh chấp với Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôm và cá tra Việt Nam.

Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com