Toggle navigation
Vốn FDI Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam
25/06/2019 | 08:56 GMT+7
Chia sẻ :
6 tháng đầu năm, vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 18,47 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn FDI Trung Quốc tăng lên 2,29 tỷ, xếp vị trí thứ 3.

Ảnh: vietnamconstruction.vn

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD, đạt 90,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số vốn đã được giải ngân đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đó, có 1.723 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,41 tỷ USD, bằng 62,8% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm do trong tháng 6 năm 2018 có nhiều dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới.

Về điều chỉnh vốn, có 628 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,94 tỷ USD, bằng 66,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư điều chỉnh giảm do trong 6 tháng 2018 có dự án Công ty TNHH Laguna - Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD.

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký. 


Nguồn vốn FDI Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: baogiaothong.vn
Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 19 lĩnh vực. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng số vốn đạt 13,15 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Ở vị trí thứ 2 là lĩnh vực đầu tư bất động sản với tổng vốn đầu tư là 1,32 tỷ USD, chiếm 7,2%. Bán buôn, bán lẻ ở vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 5,7 % tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tổng số đối tác đầu tư vào Việt Nam đã tăng từ 88 lên 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hồng  Kông tiếp tục đứng đầu danh sách với tổng số vốn đầu tư đạt 5,3 tỷ USD. Thứ 2 là Hàn Quốc, với tổng số vốn đầu tư đạt 2,73 tỷ USD. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Vốn FDI Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 3 với 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4%.  Singapore, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký 2,2 tỷ USD và 1,95 tỷ USD.

Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hội nhập quốc tế WTO, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt nam tăng mạnh trong những tháng qua là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Những sản phẩm nào mang thương hiệu “made in China” bị Mỹ đánh thuế nên các doanh nghiệp tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. “Hiện nay các doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng tránh bão. Có nghĩa là hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang bị áp thuế cao. Như vậy thì họ sẽ tìm cách đầu tư và chuyển chuỗi cung ứng sang khu vực Đông Nam Á, và Việt Nam là một nước ưu tiên vì chúng ta gần biên giới và có nhiều điểm tương đồng”, ông An khẳng định.

Tuy nhiên, ông An cũng lo ngại, việc dòng vốn Trung Quốc vào Việt Nam kỷ lục cũng sẽ tạo ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Khi các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh giành khách hàng với doanh nghiệp của những nước lớn có trình độ sản xuất chuyên nghiệp ngay tại thị trường trong nước”, ông An nhấn mạnh.

Theo Hà Linh
Nhịp cầu đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com