Cần một cơ cấu kinh tế hợp lý hơn nếu không sẽ phải đối mặt với nỗi lo "phản tăng trưởng".
Sản xuất nông sản theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Delco. Ảnh: Quý Hòa
Không nhiều lạc quan khi GDP quý I/2029 cán đích ở mức 6,79%, kết quả thấp hơn tới 0,59% so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 và chưa đạt con số 6,93% theo kịch bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính cho mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,6-6,8%. Những tín hiệu đuối sức của chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2019 khi chỉ tăng 9,2%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018, đã thể hiện vai trò quan trọng của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong tăng trưởng và đặt ra thách thức nếu 3 quý còn lại của năm 2019 muốn gánh 0,14% tăng trưởng thiếu hụt của quý I. Đâu sẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam hoàn thành kế hoạch năm 2019?
Samsung khó có thể dẫn đầu bảng vàng như vài năm về trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh, đại bản doanh đầu tiên của Samsung trong 4 tháng đầu năm đã giảm tới 11,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức giảm 10,5% ghi nhận trong quý I/2019 do sản xuất sản phẩm linh kiện điện thoại giảm mạnh. Viễn cảnh khó sáng sủa trong ngày một ngày hai vì nhiều nguyên nhân.
Tất nhiên, vẫn xuất hiện những gương mặt mới. Trong 3 tháng đầu năm, câu lạc bộ những địa phương dẫn đầu chỉ số sản xuất công nghiệp ghi danh: Vĩnh Phúc (11,5%), Hải Phòng (20,1%), Hà Tĩnh (33,8%), Trà Vinh (40,4%), Thanh Hóa (51,2%). Lọc hóa dầu đã kịp chứng tỏ mình là ngôi sao sáng khi góp phần chính tạo nên kỳ tích tăng trưởng cho Thanh Hóa với sản phẩm dầu mỏ và tinh chế và khí hóa lỏng tăng trưởng lần lượt 96,1% và 37,8%. Kim ngạch xuất khẩu dệt may cũng tăng 13,3% trong quý I, đúng như hình dung về bức tranh xuất khẩu ngành hàng này khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Hai mặt hàng này sẽ gồng gánh phần nào sự hụt hẫng từ Samsung. Thế nhưng, nếu chỉ vậy, chúng ta có nên coi là động lực?
Đến đây, phải trở lại với nhận định không hề mới của Tiến sĩ Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam, công nghiệp đòi hỏi nhập khẩu cao cho đầu vào sản xuất, nên có mức độ lan tỏa về nhập khẩu rất lớn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2005, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm khoảng 57% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa; đến năm 2016, xuất khẩu của khu vực này đã lên đến 72% tổng giá trị xuất khẩu. Tương tự, cơ cấu nhập khẩu của khu vực FDI cũng tăng từ 35% năm 2005 lên 59% năm 2016.
Đáng lưu ý, khi công nghiệp tăng lên một đơn vị sản phẩm cuối cùng không lan tỏa đến sản xuất và thu nhập nội địa, thực chất, dòng tiền chảy ra nước ngoài cao hơn GDP rất nhiều. Cụ thể, tính chung giai đoạn 2007-2017, tốc độ chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài tăng bình quân hằng năm khoảng 32% (theo giá hiện hành), trong khi GDP chỉ tăng 22%. Rõ ràng, dù đạt được thành tích GDP kỳ vọng, vạch đích đó chưa hẳn đã đồng hành cùng giấc mơ nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng. Thậm chí, khi tính đếm đầy đủ về mức độ tiêu thụ năng lượng và nguy cơ ô nhiễm môi trường, có thể sẽ phải đối mặt với nỗi lo phản tăng trưởng.
Tiếp cận từ góc nhìn này, có lẽ, phải chú ý hơn tới một điểm khác nữa. Tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản quý I/2019 ước đạt 2,68%, trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý I/2018.
Chúng ta không thể mãi bị trì níu bởi vấn đề muôn thuở là tìm đầu ra cho nông sản. Nên nhớ, những ngành có mức độ lan tỏa cao hơn các ngành khác đến nền kinh tế là những ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. Trong khi mọi con đường khác vẫn đang bế tắc, dường như chúng ta lại không biết chắt chiu cơ hội từ ngành sản xuất thiên thời địa lợi này.
Tiếp cận ở góc nhìn vĩ mô, một cơ cấu kinh tế hợp lý, theo đó, cơ cấu khu vực công nghiệp cần nhỏ lại ở mức hợp lý, tập trung vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; khu vực nông, lâm, thủy sản không bị teo tóp; tăng tỉ trọng và mức độ lan tỏa của khu vực dịch vụ như khuyến nghị của nhiều chuyên gia cần được xem xét một cách nghiêm túc và cầu thị. Từ đó, một nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng thực chất mới có điều kiện thành hình.
Về đường hướng trong ngắn hạn, câu chuyện thương hiệu gạo Việt đã có khách hàng ở Thái Lan nhưng chưa đủ điều kiện xuất khẩu mới đây cho thấy, hòn đá tảng cản đường lại do chính chúng ta tạo ra. Ở đây, đã xuất hiện một kẽ hở trong chính sách, một mặt chất thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp nhỏ, mặt khác, tạo nên ưu đãi bất hợp lý cho nhóm doanh nghiệp lớn.
Quan trọng hơn, khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói trên không phải là cá biệt. Nếu tiếp tục ngó lơ, không những chúng ta không có được nhóm doanh nghiệp xương sống, nâng đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn tạo ra những vòi bạch tuộc chiếm hữu những nguồn lực phát triển còn lại. Khi đó, bài toán đi tìm động lực tăng trưởng thực chất và lâu bền cho nền kinh tế sẽ vẫn là bài toán khó.
Theo Hoàng Hạnh
Nhịp cầu đầu tư