Giàn khoan Tam Đảo 05 - biểu tượng của khoa học - kỹ thuật dầu khí Việt Nam.
Tư nhân đã đến
Trong báo cáo năm 2011 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã xuất hiện cái tên đến từ khối tư nhân trong nước tham gia lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là Tập đoàn Bitexco tại lô 09/3-12 khi ở tình trạng đàm phán, hoàn thiện hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC).
Lô 09-3/12 có tổng diện tích gần 6.000 km2, độ sâu nước biển từ 15 đến 60 m, thuộc bồn trũng Cửu Long, là phần diện tích hoàn trả của Liên doanh VRJ từ năm 2009, nằm cách TP. Vũng Tàu 160 km về hướng Đông Nam, rất gần các mỏ dầu Rồng, Gấu Trắng, Bạch Hổ mà Liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro đang khai thác (khoảng 15 - 20 km).
Sau khi chính thức được cấp phép vào năm 2012, tổ hợp các nhà thầu gồm Vietsovpetro, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP), Tập đoàn Bitexco, với tỷ lệ ăn chia là 55% - 30% - 15%, do Vietsovpetro là nhà điều hành, đã bước vào giai đoạn triển khai trên thực tế. May mắn đã mỉm cười với các nhà thầu mới.
Sau khi phát hiện mỏ Cá Tầm, tổ hợp nhà thầu đã hoàn thiện nhanh các hồ sơ pháp lý và kế hoạch phát triển mỏ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/7/2017. Trong giai đoạn đầu tiên, tổ hợp nhà thầu đã triển khai xây dựng giàn đầu giếng CTC-1 kết nối vào hệ thống hạ tầng có sẵn tại hạ tầng của Vietsovpetro từ cụm mỏ Bạch Hổ, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu USD đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho Dự án. Tính toán này cũng đã giúp rút ngắn thời gian triển khai, bởi chỉ sau 18 tháng xây dựng đã đưa mỏ vào khai thác.
Sau 6 năm triển khai, ngày 25/1, giàn khai thác CTC1-WHP thuộc mỏ Cá Tầm, lô 09/3-12 đã cho dòng dầu đầu tiên (first oil), với sản lượng ban đầu đạt 1.630 tấn/ngày đêm. Theo kế hoạch, trong năm 2019, sẽ tiếp tục khoan và đưa vào khai thác thêm 6 giếng, sản lượng khai thác cả năm dự kiến đạt 766.000 tấn dầu.
Đến nay, tại lô 09-3/12, Vietsovpetro đã hoàn thành công tác khoan và thử vỉa các giếng thăm dò CT-5X trong năm 2018 và CT-6X vào ngày 25/2/2019 cho kết quả tốt, với việc gia tăng trữ lượng thu hồi ước đạt 1,95 triệu tấn dầu, nâng tổng trữ lượng thu hồi của toàn mỏ Cá Tầm lên gần 11 triệu tấn dầu. Kết quả này cho phép tổ hợp nhà thầu tiếp tục xây dựng thêm các giàn đầu giếng trong thời gian tới và là tiền đề thi công giếng thăm dò tiếp theo CT-8X trong năm 2019.
Theo tính toán, việc khai thác mỏ Cá Tầm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế đến hết năm 2032, góp vào ngân sách hơn 1 tỷ USD và dự kiến đem lại cho Vietsovpetro con số 238 triệu USD lợi nhuận, cho PVEP là 130 triệu USD và cho Bitexco là 65 triệu USD.
Mặc dù vai trò của Bitexco trong PSC này mang tính là nhà đầu tư tài chính, nhưng cũng cho thấy, tư nhân trong nước đã không đứng ngoài các lĩnh vực đầu tư lớn và tốn kém như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Trước lô 09-3/12, Bitexco còn có mặt trong 1 PSC khác năm 2009, nhưng không may mắn thấy dầu và hiện đã hết hạn.
Góp mặt trong lĩnh vực tốn kém này không chỉ có mỗi cái tên nhà đầu tư tư nhân Bitexco, mà còn có Sovico Holding, với Chủ tịch HĐQT là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Hiện Sovico tham gia 2 PSC, nhưng các PSC này đang ở những giai đoạn đầu của chặng đường tìm dầu nơi biển khơi thăm thẳm.
Muốn chơi dài, phải tính kỹ
Từ khi Chính phủ Việt Nam ký kết PSC đầu tiên với nhà thầu AGIP (Italy) vào năm 1978, đến nay, PVN đã thay mặt Chính phủ ký kết hàng trăm hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa nước ta, với tổng lượng tiền các nhà đầu tư lên đến gần 60 tỷ USD.
“50 năm qua, đã có cả trăm công ty dầu khí quốc tế vào Việt Nam hợp tác tìm dầu khí. Ấy vậy nhưng hiện trụ được chỉ khoảng ngót nghét chục nhà đầu tư, còn lại hàng loạt ‘ông lớn’ dầu khí thế giới đã ‘bỏ cuộc chơi’, chấp nhận mất vốn tại Việt Nam”, một chuyên gia của PVN nói.
Ngay cả Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất Việt Nam nằm ở bể Cửu Long cũng cần tới 11 năm kể từ ngày tìm ra dầu đến khi khai thác được tấn dầu thương mại đầu tiên vào năm 1986, với sự trợ giúp nhiệt tình của đối tác nước ngoài.
Làm một bài toán đơn giản, với mỗi một lô thăm dò dầu khí hơn chục ngàn ki-lô-mét vuông của Việt Nam, việc chạy tàu để thu nổ địa chấn hết một lô mất vài năm trời. Sau đó, phải minh giải địa chấn, đọc hàng tấn tài liệu, thu thập vào máy tính, lựa chọn ra những cấu tạo có khả năng là mỏ dầu. Tiếp đến, việc chọn địa điểm để khoan tìm vỉa cũng tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Tính trung bình, một mũi thăm dò trên đất liền có giá 15-20 triệu USD, ở trên biển thì đắt hơn, cỡ 50 triệu USD hoặc lên tới vài trăm triệu USD nếu ở khu vực nước sâu, xa bờ. Bởi vậy, chỉ cần vài ba mũi khoan “trượt” thì cả trăm triệu USD sẽ “đổ sông, đổ biển” theo đúng nghĩa đen.
PVN cũng cho hay, nhiều nhà đầu tư đã bỏ giấc mơ kiếm vàng đen tại Việt Nam, khi hầu hết các mỏ dầu khí tại Việt Nam đều “bị” xác định là mỏ có trữ lượng nhỏ, không có khả năng thu lợi cho nhà đầu tư. Bởi vậy, “trong tương lai, ngành dầu khí muốn thu được thành quả như thời gian trước đây, thì số tiền mà Việt Nam bỏ ra sẽ phải nhiều hơn so với giai đoạn trước, khi có sự góp sức của các nhà thầu dầu khí nước ngoài”, một lãnh đạo PVN nói.
Theo Thanh Hương
Báo Đầu tư