Toggle navigation
Tiền “mắc kẹt” và lãi mẹ “đẻ” lãi con
19/05/2018 | 01:06 GMT+7
Chia sẻ :
Dự án đầu tư công chậm ngày nào người dân nặng gánh thêm ngày đó, không ai chắc chắn sẽ không đội vốn, trong khi đó lãi suất nguồn vay nước ngoài không thể khất.

Dự án đầu tư công chậm ngày nào người dân nặng gánh thêm ngày đó, không ai chắc chắn sẽ không đội vốn, trong khi đó lãi suất nguồn vay nước ngoài không thể khất.

Tiền có trong két nhưng phải đi vay là chuyện có thật. Kết thúc năm 2017, vốn đầu tư công cho xây dựng cơ bản chỉ giải ngân được 89,5% kế hoạch năm, mặc dù đến ngày 31/1/2018 mới kết thúc giải ngân đầu tư công năm 2017.

Tình trạng này là do phía thi công hay tại bên cầm tiền? Tại thể chế hay tại con người? Điều 55 Luật Đầu tư công quy định dự án được phê duyệt phải thẩm định nguồn vốn, nhưng Điều 58 lại quy định muốn được bố trí vốn thì phải phê duyệt dự án đầu tư. Vậy, rút cuộc chỗ nào cần tháo gỡ để chấm dứt nghịch cảnh “cám treo heo nhịn đói”.

Một dẫn chứng cụ thể, hơn hai mươi dự án được Quốc hội giao trong vòng 3 năm nay nhưng chỉ giải ngân được 250 tỷ đồng trong tổng số nguồn vốn được bố trí hơn 2.500 tỷ đồng, con số quá khiêm tốn nếu không muốn nói là ít ỏi.

Trong khi đó ngành nào cũng có chung khó khăn là thiếu vốn. Rõ nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, điển hình như dự án Sân bay Long Thành cần hơn 20.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, nhiều công trình “đắp chiếu” nằm chờ vốn, hàng loạt dự án BOT cũng xuất phát từ nguyên nhân thiếu vốn.

Còn rất nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA, tức là tiền đi vay nước ngoài, nguồn vốn này ngày càng “khó chịu” hơn với các nước có thu nhập trung bình, riêng Việt Nam mỗi năm phải trả gần 1 tỷ đô la cả gốc lẫn lãi, tốc độ trả tăng dần, lãi suất không còn dễ thở như trước đây.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ không hài lòng với tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công (Ảnh Economy.vn)

Để thấy rằng, giải ngân chậm nguồn vốn đầu tư công là một lãng phí khủng khiếp, trực tiếp kéo lùi sự phát triển của đất nước. Không thể ngồi yên khi mà tiền “vướng” trong kho, lại phải đi vay và trả lãi mẹ đẻ lãi con.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiên quyết: “Phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm”. Phải làm rõ: “Chỗ nào có hiện tượng cản trở, chỗ nào bất cập, chỗ nào né tránh? Phải trả lời tại sao trong cùng một mặt bằng pháp luật, nơi làm được nơi không làm được, nơi thì “đói” vốn, chỗ chẳng thể giải ngân”.

Luật đầu tư công có hiệu lực cách đây đã 3 năm, quy định việc kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, đầu tư dàn trải, đảm bảo dự án đã quyết đầu tư được đảm bảo nguồn vốn thi công… Nên không thể cho rằng, vốn chưa “thoáng” do vướng cơ chế.

Trong khi đó đại diện bên cầm tiền – ông Vũ Đức Hiệp - Vụ trưởng Vụ kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) khẳng định: “Chúng tôi cam đoan bất cứ khi nào chủ đầu tư, đơn vị thi công có khối lượng thực hiện được nghiệm thu, hồ sơ thanh toán đầy đủ gửi tới kho bạc có thể được giải ngân ngay trong ngày làm việc, tối đa cũng không quá 3 ngày làm việc, thay vì 5-7 ngày như trước đây”.

Có chăng, sự vướng mắc nằm ở yếu tố ngoài chuyên môn. Lại là thủ tục hành chính? Bởi cùng áp dụng một bộ Luật như nhau, nơi làm được nơi không thể là điều phi lý.

Có thể khẳng định, với một dự án khâu khó nhất là quy trình thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật, xây dựng dự án, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định nguồn vốn, thẩm định dự toán, thẩm định thiết kế, thẩm định phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường và tìm kiếm nguồn vốn.

Còn khâu giải ngân nguồn vốn chỉ là bước cuối cùng. Tiền đã có, căn cứ hồ sơ phía thi công, chiểu theo Luật là có thể “rót” tiền. Thế nhưng hàng chục dự án trong vòng 3 năm mới chỉ giải quyết được 1/10 số vốn quả là điều khó hiểu.

Dự án đầu tư công chậm ngày nào thì người dân khổ thêm ngày đó, không ai chắc chắn sẽ không đội vốn, trong khi đó lãi suất nguồn vay nước ngoài không thể khất.

Theo Trương Khắc Trà
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com