Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm 1,7% trong khi nhập khẩu tăng tới 5,3%
Ảnh: TTO
Tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5.2019 ước đạt 728 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức 3,2 tỷ USD, nhưng đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019, chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mexico tăng 31,7%, Malaysia tăng 22,7, Philippin tăng 17,9% và Canada tăng 10%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 5.2019 đạt 173 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019 đạt 735 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2019 là Nauy, chiếm 11,9% thị phần, tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản với thị phần l ần lượt là 11,5%, 8,7% và 7,6%.
Trong 4 tháng đầu năm 2019 giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018 là thị trường Philippin tăng 76,8% và thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Ấn Độ, tới 44,7%, so với cùng kỳ năm 2018.
Tính lũy kế ba tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cá tra của Mỹ tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối lượng nhập khẩu phile cá tra đông lạnh đạt 20.178 tấn trong 3 tháng đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị nhập khẩu phile cá tra đông lạnh đạt 95,99 triệu USD, tăng 42,9%. Đơn giá nhập khẩu bình quân đạt 4,75 USD/kg, tăng 27,6% tương đương 1,03 USD/kg so với 3,72 USD/kg đạt được cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 5.2019, thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 có xu hướng diễn biến chậm, giá giảm khoảng 1.000 đ/kg so với tháng trước xuống còn 23.500-24.000 đ/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cá tra nguyên liệu giảm do nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu chủ yếu tập trung thu hoạch, chế biến cá tra do doanh nghiệp tự nuôi và hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu trong dân, nhất là khi doanh nghiệp chưa ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Cũng do ảnh hưởng bởi giá cá tra nguyên liệu giảm nên nhu cầu giống không nhiều, khiến giá giống giảm, (loại 30 con/kg) dao động quanh mức 20.000-25.000 đ/kg.
Tại thị trường Mỹ, tính lũy kế ba tháng đầu năm 2019, nhập khẩu tôm của Mỹ giảm cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 146.338 tấn (giảm 5.8%), trị giá 1,26 tỷ USD (giảm 14,89%). Đơn giá nhập khẩu tôm bình quân 3 tháng đầu năm đạt 8,61 USD/kg, giảm 10,5% (tương đương 0,91 USD/kg) so với 9,52 USD/kg đạt được cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 5.2019, thị trường tôm nguyên liệu không có nhiều biến động với tôm sú và có xu hướng giảm giá đối với tôm thẻ chân trắng.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20-30 con/kg giữ ở mức tương tứng 210.000 đ/kg và 160.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg giảm nhẹ 10.000 đ/kg còn 130.000 đ/kg. Giá tôm thẻ ướp đá ổn định so với tháng trước: cỡ 60 con/kg là 108.000 đ/kg, cỡ 70 con/kg 98.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg là 84.000-88.000 đ/kg. Giá tôm thẻ ướp đá biến động giảm khoảng 4.000-8.000 đ/kg cho các cỡ 60, 70, 100 con/kg xuống lần lượt 104.000 đ/kg, 94.000 đ/kg và 78.000 đ/kg
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5 năm 2019 ước đạt 3,62 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2019 đạt 16,2 tỷ USD, tăng 1,2% cùng kỳ năm 2018.
Theo Vân Nguyễn
Nhịp cầu đầu tư