Dự luật Thuế Tài sản vẫn đang nhận được nhiều ý kiến, trong đó đa phần là không đồng tình. Cần biết rằng, dự luật này được đưa ra khi Việt Nam mới bước qua ngưỡng quốc gia nghèo sang nhóm quốc gia thu nhập trung bình.
Dân Việt chưa giàu…
GDP/người/năm tại Việt Nam hơn 2.000USD, Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình và nhìn chung thì người dân chưa giàu. Tỉ lệ người giàu tại Việt Nam hiện nay chưa được công bố và cũng chưa có tiêu chí phân biệt rõ ràng. Theo thống kê năm 2016, tại Mỹ, số người có thu nhập 1 triệu USD/năm trở lên là 7 triệu người, chiếm chưa tới 3% dân số nước Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ lại là nước giàu, có GDP/người/năm hơn 50.000USD.
Ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội – được một trang báo dẫn lại cho rằng “sớm muộn cũng phải có thuế tài sản”. Nhưng vấn đề là thời điểm “sớm” hay “muộn” lại rất quan trọng. Chọn thời điểm áp dụng thuế tài sản tại Việt Nam khi nước ta đang ở giai đoạn đầu của quốc gia thu nhập trung bình sẽ hoàn toàn khác với thời điểm khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập khá hoặc cao. Ở thời điểm này, thuế tài sản là một gánh nặng. Ở thời điểm này, sau bao thứ thuế vừa qua được đề xuất tăng thì thuế tài sản càng khiến cho tâm lí người dân ức chế.
Tiêu chí “người giàu” ở Việt Nam chưa được phân định rõ ràng trong khi đề xuất của Bộ Tài chính là hễ cứ sở hữu nhà và xe ôtô là nằm trong diện chịu thuế càng khiến cho sắc thuế mới này không đúng với bản chất của nó là loại thuế đánh lên người giàu. Một đất nước đang phát triển và luôn mong muốn người dân làm ăn phát đạt, mà mới chỉ sở hữu một căn nhà giá trị hơn 700 triệu đồng và một chiếc ôtô giá từ 1,5 tỉ đồng đã phải chịu thuế dành cho nhà giàu thì rất không hợp lí, thậm chí còn gây hiệu ứng ngược tiêu cực: Người dân cảm thấy không được khuyến khích làm giàu.
Thuế chồng thuế và thuế thay thuế…
Dự luật Thuế Tài sản ngay khi đưa ra lấy ý kiến đã gặp ngay phản hồi: Nguy cơ thuế chồng thuế. Nghĩa là thuế tài sản chồng lên các loại thuế khác hiện hành. Từ đó, ý kiến trên một tờ báo, tiến sĩ Huỳnh Thế Du của Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng nếu áp dụng thuế tài sản thì bỏ tăng thuế VAT (như đề xuất từ dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra cách đây vài tháng). Tuy nhiên, hướng giải quyết mà tiến sĩ Du đưa ra có vẻ cũng không giải quyết được tình trạng “thuế chồng thuế”, bởi thuế tài sản vẫn sẽ được ra đời và áp dụng, các sắc thuế khác vẫn có hiệu lực.
Nếu cho rằng thuế tài sản sẽ giúp chống đầu cơ địa ốc thì e rằng nó lại không giúp gì được giải quyết vấn đề này. Trên thị trường bất động sản, chứng khoán hiện nay, giữa hành vi đầu cơ và đầu tư rất khó phân định. Hầu hết các trường hợp là đầu tư kiếm lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép, còn hành vi thông qua việc đầu cơ thao túng thị trường thì rất ít và nếu có cũng rất tinh vi, khó hạn chế được bằng sắc thuế tài sản.
Ở bất cứ quốc gia nào và xã hội nào cũng vậy, làm giàu chính đáng và người giàu chân chính chẳng những không phải là cái tội mà ngược lại còn là người có công, đáng được tôn vinh, bởi chính nhờ họ mà thu nhập chung của quốc gia, xã hội cũng được nâng lên. Đã như thế, mà cứ bắt người giàu chịu thêm thứ thuế này thuế kia thì sẽ thiếu công bằng, và về mặt quan điểm thể hiện điểm yếu bị cho rằng không khuyến khích người dân làm giàu. Trên thực tế nếu triển khai thuế tài sản thì người giàu (có thu nhập cao) bị chồng hai loại thuế là thuế thu nhập (mức cao) và thuế tài sản.
Vậy nếu chỉ nhằm mục đích điều tiết thêm thu nhập của người giàu thì đâu nhất thiết đẻ ra thêm một sắc thuế mới thay vì chỉ cần điều chỉnh sắc thuế hiện hành? Ví dụ, có thể tăng mức thuế của người có thu nhập siêu cao (hiện mức thuế thu nhập cao nhất là 35%) như nhiều nước phát triển ở Châu Âu (Thụy Điển mức thuế thu nhập cao nhất tới 53%).
Giá trị tài sản chịu thuế quá thấp
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ý kiến trên phương tiện truyền thông rằng tại sao thu thuế tài sản đối với căn nhà giá trị 700 triệu đồng mà không phải 7 tỉ đồng? Quá đúng. Căn nhà có giá trị 700 triệu đồng theo khung giá nhà nước, trên thực tế thị trường nếu có cao hơn từ 2-5 lần thì với giá trị từ 1,4-3,5 tỉ đồng/người cũng sao có thể xem là đã giàu có trong xã hội Việt Nam hiện nay? Tương tự là chiếc ôtô giá từ 1,5 tỉ đồng trở lên phải chịu thuế tài sản. Giá ôtô tại Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới (thuế phí chiếm từ 40-50% trong cơ cấu giá đến khi lăn bánh), vì vậy một chiếc ôtô có mức giá từ 1,6-2 tỉ đồng tại Việt Nam cũng chỉ thuộc loại xe trung bình đối với nhiều quốc gia mà thôi.
Đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau về cách áp thuế tài sản nên dựa theo giá trị hay số lượng, đơn cử như ý kiến chỉ nên đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ hai trở đi. Tạm gọi nếu số lượng được xem là “lượng” thì giá trị tài sản là “chất”. Nếu chỉ dựa vào số lượng để đánh thuế cũng sẽ không đúng bản chất vấn đề. Đơn cử có những người chỉ sở hữu một tài sản nhà đất nhưng trị giá hàng triệu USD trong khi nhiều người sở hữu 2 căn hộ chung cư nhưng tổng giá trị chỉ vài tỉ đồng.
Dân giàu thì nước mới mạnh. Quốc gia mạnh thể hiện qua nền kinh tế phát triển có một thị trường sôi động về giao dịch hàng hóa đặc biệt là các ngành như bất động sản, ôtô… Những ngành này mang lại nguồn thu thuế lớn cho quốc gia. Để giữ nguồn thu từ các thị trường này ổn định và tăng trưởng đều, càng không nên sử dụng một sắc thuế đối với người giàu áp lên hành vi kinh doanh là những người đầu tư hay đầu cơ bất động sản, vì e rằng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Theo Thế Lâm
Lao Động