Khu vực FDI là một trong 4 động cơ quan trọng của cỗ xe tăng trưởng. Trong ảnh: Nhà máy Samsung Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh
Cỗ xe tăng trưởng đang đi chậm lại
Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện, đó là những giải pháp liên quan đến thúc đẩy sự phát triển của khu vực FDI.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, khu vực này vốn được coi là một trong 4 động cơ quan trọng của cỗ xe tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thậm chí, trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua, FDI là động cơ hoạt động tốt nhất, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Đầu năm nay, khi nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP quý I sẽ chỉ đạt khoảng 6,58%, khá khiêm tốn so với mục tiêu tăng trưởng của năm 2019, thì các giải pháp nhằm “kích” động cơ tăng trưởng FDI hoạt động mạnh mẽ hơn lại được đặt ra.
Trong phiên họp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào đầu tuần trước, điều này đã được nhấn mạnh.
Báo cáo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu trong hai tháng đầu năm nay đã có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt ở khu vực FDI. Đơn cử, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) trong hai tháng đầu năm chỉ đạt gần 25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,1% và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng 70,8% và mức tăng trưởng 27,2% của cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn thấp hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (4,2%). Đây là xu hướng trái ngược so với các năm trước đây, khi tỷ trọng khu vực này thường theo hướng tăng dần qua các năm và luôn đạt tốc độ tăng trưởng chung.
Một trong những lý do, có thể nằm ở sự sụt giảm xuất khẩu của Samsung. Hai tháng đầu năm, xuất khẩu linh kiện điện thoại giảm 5,3%, còn điện thoại di động giảm 7,6%.
Ngoài động lực Samsung như vẫn được nhắc tới lâu nay, thì Formosa, Lọc dầu Nghi Sơn cũng đang được kỳ vọng sẽ cùng với một số dự án lớn của khu vực trong nước, như Thép Hòa Phát Dung Quất, Ô tô Vinfast, Nhiệt điện Thái Bình…, kéo cỗ xe tăng trưởng của cả nước đi lên. Thép Formosa Hà Tĩnh có công suất 7,5 triệu tấn/năm, nhưng năm 2018 mới huy động được khoảng 4,5 triệu tấn và do đó, dư địa tăng trưởng còn lớn. Trong khi đó, Lọc dầu Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn/năm cũng được kỳ vọng sẽ tăng thêm lực cho cỗ xe tăng trưởng.
“Kích” động cơ tăng trưởng FDI
Mặc dù những kỳ vọng vẫn đang được đặt vào các dự án lớn, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, để khu vực FDI hoạt động mạnh mẽ hơn, thì cần có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa các cam kết đầu tư trong năm trước, nhanh chóng chuyển hóa thành các dự án cụ thể, sớm có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, hai tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 8,47 tỷ USD vốn FDI, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu, có thể thấy, tăng chủ yếu ở phần vốn đầu tư gián tiếp. Hơn nữa, vốn FDI thực hiện chỉ tăng nhẹ, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Đó là một trong những lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thúc giải ngân nhanh các dự án đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư.
Và những cái tên được nhắc đến là Dự án LG Innotek, tăng 500 triệu USD; Dự án LG Display tăng vốn thêm 500 triệu USD; hay Dự án Roboteck tăng 312 triệu USD; Texhong Ngân Hà, tăng 3.300 tỷ đồng; rồi Dự án Nhà máy Sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Hyosung 1,2 tỷ USD…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 3 nhóm dự án FDI cần tập trung thúc đẩy, đó là dự án quy mô lớn, đang làm thủ tục tăng vốn đầu tư; thúc đẩy giải ngân một số dự án cấp mới hoặc tăng vốn trong năm 2018 và các dự án lớn đang trong quá trình đàm phán, cấp chứng nhận đầu tư.
Ngoài các dự án cần thúc đẩy giải ngân kể trên, thì thông tin cho biết, hiện nhiều nhà đầu tư đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) muốn tăng vốn thêm 610 triệu USD, còn Meiko Electronics Vietnam thì đang làm thủ tục để tăng vốn thêm 200 triệu USD nhằm mở rộng sản xuất bảng mạch điện tử cho ô tô…
Trong khi đó, với các dự án “nằm chờ”, Dự án 4,6 tỷ USD của Exxon Mobil để khai thác mỏ Cá Voi Xanh được nhắc đến rất nhiều. Hay gần đây, có thông tin cho biết, Tập đoàn Hana Micron của Hàn Quốc dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất bộ nhớ điện thoại di động và chất bán dẫn hệ thống, vốn đầu tư 500 triệu USD tại Bắc Giang… Chỉ cần những dự án này được thực hiện, không chỉ động cơ tăng trưởng FDI, mà cả cỗ xe tăng trưởng của Việt Nam sẽ được “tăng lực”.
Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy dự án quy mô lớn
Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019, các giải pháp nhằm thúc đẩy khu vực FDI phát triển đã được nhấn mạnh.
Trong đó, đáng chú ý có việc xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia công nghệ cao. Tiếp tục đổi mới phương thức thu hút FDI, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam; chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ; thu hút doanh nghiệp FDI quy mô lớn, có chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời tập trung hỗ trợ, thúc đẩy dự án quy mô lớn, đang làm thủ tục tăng vốn đầu tư; thúc đẩy giải ngân một số dự án cấp mới hoặc tăng vốn trong năm 2019; cũng như thúc đẩy dự án đầu tư mới.
Theo Nguyên Đức
Báo Đầu tư