Toggle navigation
Thế 'tam quốc' thị trường cà phê Việt tan vỡ, Masan thâu tóm thành công Vinacafe Biên Hoà và 'con mồi' tiếp theo là ai?
26/04/2018 | 09:06 GMT+7
Chia sẻ :
Không quá khi nói thị trường cà phê đang hỗn loạn, lúc này biết đâu sẽ có người “thừa nước đục thả câu”.

Thị trường cà phê hỗn loạn, Masan thâu tóm thành công Vinacafe, cafe Biên Hòa

Chỉ chưa đầy một tháng giới sản xuất kinh doanh cà phê Việt chứng kiến hai câu chuyện buồn. Trong khi thương vụ tranh chấp thương hiệu cà phê Trung Nguyên chưa khép lại thì thông tin cà phê nhuộm pin khiến dư luận xôn xao.

Không quá khi nói thị trường cà phê đang hỗn loạn, lúc này biết đâu sẽ có người “thừa nước đục thả câu”.

Trộn tạp chất cà phê nhuộm pin

Chiều tối ngày 15/4, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đắk R’lấp và Công an xã Đắk Wer đã bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13, xã Đắk Wer đang pha trộn tạp chất vào cà phê.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin... dùng để nhuộm đen cà phê.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất cà phê của bà Loan

Tạp chất cà phê nhuộm than pin được các đối tượng khai dùng trộn vào hồ tiêu nhưng chưa kịp tung ra thị trường.

Trả lời báo chí chiều ngày 24/4, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lần theo các dấu vết, cơ quan điều tra đã có đủ bằng chứng chứng minh mục đích dùng tạp chất đã nhuộm than pin là để trộn vào hồ tiêu theo tỉ lệ nhất định, nhằm tăng trọng lượng hồ tiêu.

Kết quả điều tra ban đầu xác định vợ chồng bà Loan đã dùng các tạp chất như vỏ cà phê, sỏi (từ 0,5 - 1 mm) nhuộm với than pin thành màu đen giống hạt tiêu. Sau đó, vợ chồng bà Loan bán hỗn hợp này cho các đối tượng ở huyện Đắk Song. Các đối tượng tại huyện Đắk Song tiếp tục bán cho Công ty Thảo Dung và công ty này đã dùng hỗn hợp trên trộn với hồ tiêu.

Cơ quan công an đã thu giữ hàng chục tấn tang vật, trong đó có 9 tấn hồ tiêu đã được trộn tại kho của Công ty Thảo Dung. Vì vậy Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại điều 317 Bộ Luật Hình sự.

Như vậy rõ ràng thông tin cà phê nhuộm pin sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ như trước đó truyền thông đưa tin không được xác thực. Theo đánh giá chuyên gia kinh tế  việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu uống phải loại cà phê này, mà còn tác động tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê của Việt Nam.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nếu chủ cơ sở dùng phế phẩm cà phê, bột đá, lõi pin nhuộm đen để rang xay thành cà phê bột thì sẽ có mùi hắc của pin, người mua sẽ phát hiện ra ngay.

Vì vậy, nếu dùng phương pháp này cơ sở phải xử lý mùi hắc phát sinh chi phí rất cao nên không phù hợp với giả định sản xuất cà phê siêu rẻ.

Trả lời báo chí ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện cơ quan chức năng đang điều tra và chủ cơ sở vẫn chưa khai báo mục đích trộn phế phẩm cà phê và pin để làm gì. “Cho nên chúng ta chưa thể kết luận sản phẩm pha trộn nói trên có (bán ra để) làm thức uống cho người hay không. Chúng ta hãy đợi kết luận của cơ quan chức năng”, ông Tám nói.

Hiện đang có những lo ngại vụ việc cà phê nhuộm pin ở Đắk Nông không loại trừ khả năng cạnh tranh không lành mạnh hoặc có tính phá hoại kinh tế.  Đã từng có những mặt hàng nông sản Việt Nam thiệt hại nặng nề về kinh tế do "scandal " mất an toàn thực phẩm. Đơn cử như trường hợp trà (chè) bị trộn phân lân. Hay như tin đồn "gạo giả" được làm từ nhựa thỉnh thoảng lại rộ lên trong khi nhựa giá cao hơn gạo.

Vụ chiếm đoạt con dấu cà phê Trung Nguyên

Thông tin về cuộc ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên cũng như lùm xùm việc bà thảo chiếm đoạt con dấu sau gần 1 năm im ắng bỗng được xới lên.

Một loạt bài viết xoay quanh vụ chiếm đoạt con dấu cà phê Trung Nguyên được bắt đầu từ sau ngày 21/3, Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân TP HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ cũ ông Vũ).

Có âm mưu sau thông tin lùm xùm về vụ chiếm đoạt con dấu cà phê Trung Nguyên

Ông Vũ đứng đơn khởi kiện yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Trung Nguyên cùng các công ty con thuộc Trung Nguyên.

Tại phiên xét xử, tòa yêu cầu bà Thảo trả lại cho Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà Thảo đã chiếm đoạt.

Phản hồi về quyết định này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết sẽ kháng cáo quyết định của tòa. Bà cũng nói căn nguyên của những biến cố, tranh chấp triền miên tại doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2014, khi chồng bà, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên có vấn đề về sức khỏe. Bà vẫn mong muốn đối thoại với chồng để vực dậy doanh nghiệp.

Những ngày sau đó khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo giãi bày trên một số tờ báo về chuyện vì sao từ tình yêu đẹp giữa bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ thủa xưa cũng như nguyên nhân vụ ly hôn.

Liên sau đó trên diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện một số "thuyết âm mưu" được dựng lên, gây hoài nghi nhắm vào "thương hiệu quốc gia" của Trung Nguyên. Người ta “ném đá” phát ngôn của bà Thảo một cách không thương tiếc, chê bai cả tờ báo phỏng vấn bà Thảo.

Nhằm vào bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhưng thực chất là kế hoạch phá hoại Trung Nguyên, đánh đổ hàng Việt. Cũng không loại trừ hoàn toàn nhưng nếu có chăng thì là từ những đối thủ cùng ngành của thương hiệu cà phê.

Masan thâu tóm Vinacafé Biên Hòa

Trong khi dư luận cuốn theo câu chuyện đường đi của cà phê nhuộm pin, hay chờ xem ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ nói gì tiếp theo thì giới đầu tư kinh doanh cà phê bất ngờ khi Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer đã hoàn tất mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa, tương đương 50,11% vốn điều lệ.

Trước năm 2010, Vinacafé Biên Hòa kinh doanh rất hiệu quả, không có dấu hiệu thiếu vốn. Chính vì vậy, chẳng có lý do gì để Vinacafé Biên Hòa buộc phải bán cổ phần. Thế nhưng, ông lớn ngành cà phê này cuối cùng vẫn bị thâu tóm.

Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer đã công khai chào mua hoàn tất 13,32 triệu cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa, tương đương 50,11% vốn điều lệ. Ảnh minh họa

Masan công khai thâu tóm Vinacafé Biên Hòa thông qua thị trường chứng khoán. Thực chất, Masan “nuốt trôi” Vinacafé Biên Hòa vì mua lại cổ phần từ cổ đông lớn của công ty này.

Đầu tiên, Masan đã mua lại cổ phần từ tay các cổ đông lớn là VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding. Thông qua con đường này, Masan có trong tay 20% vốn điều lệ của Vinacafé Biên Hòa. Điều đáng nói, thương vụ này diễn ra trước khi VCF niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM ngày 28/1/2011.

Tới đầu tháng 5/2011, Vinacafé Biên Hòa thông báo Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã thực hiện bán ra hơn 3,44 triệu cổ phiếu Vinacafé Biên Hòa, giảm từ lệ nắm giữ từ 50,26% xuống chỉ còn 9,91 triệu cổ phiếu, tương đương 37,3% vốn.

Mặc dù Vinacafé Biên Hòa không công bố bên mua nhưng dựa vào các con số, người ta vẫn có thể đoán được hơn 13% cổ phần mà Vinacafe thoái vốn đang nằm trong tay ai.

Chỉ 4 tháng sau đó, Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer đã công khai chào mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ VCF từ ngày 12/9/2011 đến ngày 11/10/2011. Giá chào mua được xác định là 80.000 đồng/cổ phần. Trong báo cáo tài chính năm 2011, Masan cho biết tổng số tiền bỏ ra để mua 13,32 triệu cổ phần của VCF là 1.069 tỷ đồng, không bao gồm chi phí giao dịch.

Sau khi chinh phục 3 quỹ đầu tư lớn, Masan tiếp tục mua lại 16,34% cổ phần VCF từ tay ông Trần Quang Lộc và Chứng khoán Beta.

Đến ngày 11/10/2011, Masan Consumer thông báo đã hoàn tất việc chào mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ của VCF. Như vậy, thương vụ thâu tóm VCF đã diễn ra thành công chóng vánh.

Với việc thâu tóm Vinacafé Biên Hòa, Masan đương nhiên trở thành 1 trong 3 “ông lớn” trên thị trường cà phê Việt Nam bên cạnh Trung Nguyên và Nescafe.

Theo một báo cáo do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố đầu năm 2015 Vinacafe cũng dẫn đầu với 41% thi phần, bằng cả Nescafe và Trung Nguyên cộng lại.

Để đưa ra so sánh sát sao giữa 3 nhãn hàng cà phê lớn Vinacafe, Trung Nguyên và Nescafe là rất khó bởi sự thay đổi thị phần tùy vào từng thời điểm tùy theo chiến lược marketing, thời điểm ra sản phẩm mới.

Theo Hoàng Linh
Tạp chí SHTT
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com