Toggle navigation
Tháo nút thắt giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi
19/06/2019 | 05:12 GMT+7
Chia sẻ :
Theo các chuyên gia quốc tế, việc chậm giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi dẫn đến không đạt được các kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư và giảm tác động đến tăng trưởng GDP.

Năm 2018, giải ngân vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là 3 tỷ USD, đạt khoảng 63,2%. Trong ảnh: Dự án metro Cát Linh - Hà Đông.

Tỷ lệ giải ngân thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu

Tại cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cùng nhóm 6 ngân hàng tài trợ cho Việt Nam, ông Trần Dũng Nam, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) cho biết, đơn vị này đang gặp vướng mắc trong 2 dự án sử dụng vốn ODA, trong đó riêng dự án sử dụng vốn ODA Hàn Quốc, Cục đã ký hợp đồng với nhà thầu từ tháng 3/2017 và đến tháng 12/2018, nhà thầu đã hoàn thành bàn giao toàn bộ 81 xe chữa cháy với tổng giá trị 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nam, sau khi được giải ngân 200 tỷ đồng (tương đương 40% giá trị dự án) vào năm 2017, 60% còn lại chưa được bố trí vốn và mới đây đã được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. “Nhà thầu đã phát sinh thiệt hại gần 1 triệu USD, chúng tôi đang phải đối diện với nguy cơ bị phạt hợp đồng do chậm thanh toán”, ông Nam nói.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do các quy định về thủ tục còn phức tạp, trùng lặp; mức độ sẵn sàng của dự án thấp… Tốc độ giải ngân chậm dẫn đến dự án bị trì hoãn, thậm chí không đạt được kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, do đó làm giảm tác động đến tăng trưởng GDP.

Phó thủ tướng cho biết, thời gian gần đây, tỷ lệ giải ngân tại Việt Nam giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của nhóm 6 ngân hàng phát triển tại Việt Nam, gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Trong đó, tỷ lệ giải ngân toàn cầu của ADB và WB năm 2018 lần lượt là 21% và 20,2%.

“Thực trạng trên đòi hỏi cam kết và nỗ lực mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, đồng thời phải có những giải pháp để giải quyết từng nút thắt cụ thể, trong đó có việc nhóm 6 ngân hàng phát triển phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của nhóm 6 ngân hàng phát triển rất rõ ràng, mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong đầu tư phát triển. Tuy nhiên, ông lo ngại về một số hạn chế trong quá trình thực hiện mà nhóm 6 ngân hàng phát triển gặp phải, như quy trình thủ tục, mức độ sẵn sàng của các dự án, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn… Bên cạnh đó là những quan ngại liên quan đến trần nợ công của Việt Nam và việc Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) và IDF (Quỹ Phát triển thể chế).

Tìm giải pháp thúc tiến độ giải ngân

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, các nhà tài trợ đều có chung đánh giá rằng, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay và đây là một trong những lý do họ vẫn tiếp tục cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong những năm qua.

Việt Nam đạt tỷ lệ cao về số lượng dự án hoàn thành và đạt kết quả phát triển, các mục tiêu đề ra. Theo báo cáo đánh giá các dự án JICA, ADB, WB, các dự án của cả 3 nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả cao hơn, tốt hơn các quốc gia khác (Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Sri Lanka) trên cơ sở hệ thống tiêu chí của các nhà tài trợ này.

Ông Norio Saito, Phó giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, tổng vốn đầu tư của các dự án đang hoạt động đã giảm xuống trong năm 2018 so với các năm trước đây. Vốn cam kết chưa giải ngân của nguồn vốn ODA từ 6 ngân hàng phát triển hiện vẫn còn ở mức hơn 16 tỷ USD. Việc giải ngân chậm sẽ dẫn đến trì hoãn, thậm chí không đạt được các kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư và giảm tác động đến tăng trưởng GDP.

Nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống đề nghị nhóm 6 ngân hàng phát triển cùng phối hợp và đồng hành với Chính phủ trong quá trình xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Thực tế, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ đã ban hành một loạt quy định nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn vay nước ngoài, trong đó có Nghị định về cho chính quyền địa phương vay lại, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế các Nghị định 16/2016/NĐ-CP và Nghị định 132/2018/NĐ-CP; đồng thời đề nghị các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Nghị định nêu trên.

Theo Phó thủ tướng, cần xem xét điều chỉnh tỷ lệ cho vay cho chính quyền địa phương phù hợp với từng lĩnh vực. Trong bối cảnh Việt Nam tốt nghiệp IDA và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngày càng hạn hẹp, thì vấn đề đặt ra là hiệu quả của các nguồn vay và tăng tính trách nhiệm của người vay để tăng hiệu quả.

Năm 2019, mới giải ngân 7% vốn kế hoạch được gia
Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, trong giai đoạn năm 1993 - 2018, Việt Nam đã ký kết trên 86 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Lũy kế giải ngân đạt 62,8 tỷ USD, bằng 72,9% tổng số vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết.

Năm 2018, giải ngân tổng thể vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đạt 3 tỷ USD, tương đương 68.299 tỷ đồng, đạt khoảng 63,2%, gồm vốn cho vay lại và viện trợ không hoàn lại, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ. Trong đó, vốn cấp phát xây dựng cơ bản ngân sách trung ương chỉ đạt 53,6% kế hoạch.

Những tháng đầu năm 2019, mới giải ngân được gần 2.000 tỷ đồng, đạt khoảng 7% trong tổng số hơn 28.000 tỷ đồng kế hoạch được giao.

Theo Kỳ Thành
Báo Đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com