Tham nhũng vặt không thể là... chuyện vặt
Cuối tháng 5 vừa rồi, Đại sứ Hàn Quốc ở Việt Nam bị triệu hồi về nước vì cáo buộc vi phạm đạo luật chống tham nhũng của nước này. Ông Kim Do-hyun được cho là nhận tài trợ vé máy bay và khách sạn khi tham gia một sự kiện, cùng với việc nhận một chiếc điện thoại đắt tiền (mà sau đó được dùng làm phần thưởng cho nhân viên sứ quán). Đầu tháng 6, ông Kim bị sa thải.
Đọc câu chuyện này, có lẽ nhiều cán bộ nước ta sẽ cảm thấy may mắn vì làm việc trong hệ thống khoan dung hơn nhiều so với nước bạn. Chưa năm nào chúng ta thiếu những chiếc xe biển số xanh chở cán bộ đi lễ, hay gần đây nhất, một công chức cấp cao dùng xe cơ quan để đón người nhà ở sân bay. Chuyện nhận quà cáp - từ nhỏ đến lớn - là quá bình thường, sự không bình thường chỉ đến nếu lãnh đạo lấy quà biếu nộp công quỹ cơ quan như ông Kim.
Chuyện của ông Kim liên quan đến một vấn đề rất lớn trong bất kỳ bộ máy nhà nước nào: xung đột lợi ích. Hay nói theo ngôn ngữ luật pháp Việt Nam thường dùng, đó là chuyện “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Vấn đề này xảy ra khi cán bộ hưởng lợi một cách không chính đáng từ vị trí mà mình có. Như trường hợp của ông Kim, sẽ không doanh nghiệp nào tự bỏ tiền đặt vé máy bay nếu ông không phải là Đại sứ Hàn Quốc, hay sẽ không có chiếc xe biển số xanh nào đến đón bạn ở sân bay nếu bạn không phải là người nhà của một cán bộ cao cấp.
Xét một cách công bằng, tình trạng “lợi dụng chức vụ” ở nước ta không phải là lỗi lập pháp. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi mới được thông qua thậm chí còn nghiêm khắc hơn quy định ở một số nước phát triển. Theo đó, cán bộ không được phép nhận bất kỳ quà tặng nào từ người có liên quan đến công việc mình xử lý.
Ở Mỹ, giá trị món quà được nhận phải dưới 20 đô la. Trước đợt Tết Nguyên đán hàng năm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều nhắc nhở cán bộ không được phép nhận quà, và có cả một đường dây nóng để quần chúng “tố” việc đi biếu xén.
Những ai ở Hà Nội, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương, có thể không cần nhiều số liệu cũng biết được các quy định về phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hay không. Những con phố dẫn vào trung tâm thủ đô và văn phòng làm việc các bộ, ngành như Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Tôn Thất Thuyết luôn kẹt cứng xe - nhiều trong số đó là những chiếc ô tô biển số ngoại tỉnh - vào mỗi dịp cận Tết.
Văn hóa là con dê tế thần hoàn hảo cho sự tràn lan của “xung đột lợi ích”. Từ lâu, người Việt vẫn luôn coi “làm quan” là một nghề phát tài, đem lại giàu có cho bản thân cũng như khiến “cả họ được nhờ”. Một vị trí tốt là để tưởng thưởng cho nỗ lực đèn sách và cố gắng phấn đấu, thay vì là trách nhiệm phụng sự người dân. Tư lợi được coi là điều hiển nhiên, bởi ai cũng sẽ làm như vậy nếu được ngồi ghế nóng.
Nhưng mọi lý lẽ sẽ đều dẫn tới ngõ cụt với văn hóa. Thêm vào đó, vì sao những nước/vùng lãnh thổ có văn hóa Á Đông và chịu ảnh hưởng lớn bởi Nho giáo như Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan lại có tình trạng tư lợi rất thấp?
Văn hóa và thái độ đều có thể điều chỉnh, và công cụ quan trọng nhất để làm việc đó là pháp luật. Tôi không nghĩ rằng chúng ta thiếu cơ chế để xử lý hành vi “xung đột lợi ích”, nhưng dường như còn thiếu quyết tâm thi hành luật pháp một cách triệt để.
Cách đây vài năm, một viên tướng công an từng phân trần rằng cảnh sát giao thông nhận dăm ba chục ngàn không phải là tham nhũng. Phát ngôn này khiến dư luận phản ứng, nhưng thực ra cũng cần phải cảm ơn ông vì đã nói lên quan điểm của nhiều cán bộ về hành vi được coi là tham nhũng.
Quyết tâm chống tham nhũng từ Đại hội 12 của Đảng là rất lớn, và đã phá vỡ nhiều “vùng cấm” về tham nhũng trước đây. Nhưng các vi phạm chủ yếu vẫn là “đại án”, với quy mô lớn và hành vi vi phạm và gây thiệt hại rõ ràng. Thực tế cho thấy xử lý “xung đột lợi ích” khó hơn nhiều, bởi đây là hiện tượng dễ được xuề xòa bỏ qua bởi cả người dân và chính quyền.
Ví dụ điển hình là chuyện quà Tết. Trong mấy năm qua, Cục Phòng, chống tham nhũng đã công bố số điện thoại để “nhờ” người dân trợ giúp phát hiện việc tặng quà có dấu hiệu tham nhũng. Vào năm 2017, cục này cho biết có 156 cuộc gọi và tin nhắn tố giác tham nhũng trong dịp Tết, nhưng rốt cuộc không ai bị điều tra.
Cuộc chiến chống tệ “tham nhũng vặt” trên thực tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với các đại án, chính bởi thái độ xuề xòa như vậy. Nhưng nếu so sánh tác hại đối với bộ máy nhà nước và niềm tin với chính thể, chưa biết “tham nhũng vặt” và “đại án tham nhũng” cái nào hại hơn cái nào.
Theo Nguyễn Khắc Giang
Thời báo Kinh tế Sài Gòn