Toggle navigation
Tàu Mỹ trúng tên lửa: Thế giới đối mặt nguy cơ mới, kinh tế VN ảnh hưởng sao?
18/01/2024 | 02:33 GMT+7
Chia sẻ :
Kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ mới và hy vọng hồi phục trong năm 2024 có thể tiêu tan khi căng thẳng địa chính trị leo thang và kéo dài. Thêm một lần nữa, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa, khả năng lạm phát cao trở lại.
Căng thẳng leo thang

Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ vừa lên tiếng xác nhận vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của lực lượng phiến quân Houthi hôm 15/1 trúng vào tàu container Eagle Gibraltar ở ngoài khơi vịnh Aden. Con tàu do Công ty Eagle Bulk có trụ sở tại Stamford, bang Connecticut (Mỹ) sở hữu và vận hành.

Vụ việc này khiến một loạt tàu vận tải biển của các hãng quốc tế lớn tháo chạy khỏi khu vực Biển Đỏ. Nó làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ở khu vực này có thể phá tan hy vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, khủng hoảng lan rộng một lần nữa lại đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, trước đó đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Nguy cơ lạm phát có thể gia tăng trở lại.

Theo Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB), cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, cùng với xung đột ở các khu vực khác, đã tạo ra những mối nguy hiểm thực sự. Nó làm gia tăng bất ổn kinh tế và địa chính trị. Các tuyến vận tải quan trọng bị gián đoạn, làm suy yếu mạng lưới cung ứng. Tất cả những điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới suy yếu hơn nữa.


Kinh tế thế giới thêm khó khăn vì căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ. (Ảnh: SB)

Căng thẳng tại Biển Đỏ có thể kéo dài trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak gần đây đều cho biết sẵn sàng hành động thêm nếu Houthi vẫn tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ. Còn thủ lĩnh Houthi tuyên bố sẽ đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ nhằm vào nhóm.

Lực lượng Houthi gần đây tuyên bố sẽ đưa thêm các tàu của Mỹ vào danh sách mục tiêu tấn công ở Biển Đỏ. Nhiều tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã bị chặn giữ.

Với nước Anh, quốc gia này chưa sẵn sàng đưa các tàu sân bay đến Biển Đỏ do khủng hoảng nhân sự hải quân. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ thái độ trung lập dù nhập khẩu khoảng một nửa lượng dầu thô từ Trung Đông, đồng thời xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) nhiều hơn Mỹ.

Lập trường của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đỏ có thể sẽ giống như với vấn đề Nga - Ukraine, dù chi phí vận tải leo thang sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hồi phục tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Thế giới vào vòng xoáy mới?

Như vậy, ngay đầu năm mới, kinh tế thế giới đã đối mặt với những thách thức mới. Nhiều dự báo cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2024 đối mặt với các khó khăn chồng chất. 

Trước khi căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang, Liên Hợp Quốc dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính 2,7% của năm 2023.

Mức tăng trưởng dưới 3% đều thấp hơn so với trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Điều đáng lo ngại, nhiều nhà kinh tế cảnh báo, thế giới sẽ đối mặt với hiện tượng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa. 

biendo2024jan houthi.gif

Các tàu vận tải từ Á sang Âu thường đi qua Biển Đỏ.

Mức giá cước vận tải biển gần đây tăng vọt. Do căng thẳng tại Biển Đỏ, nhiều tàu đã phải chuyển hướng đi quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến giá cước tăng thêm vài nghìn USD cho mỗi container 40 feet, từ châu Á tới châu Âu. Thời gian vận chuyển cũng tăng lên.

Bên cạnh nguy cơ mới phát sinh, theo Business Insider, năm 2024 kinh tế thế giới còn đối mặt với nguy cơ lạm phát dai dẳng, là những tác động chưa lường hết của chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kéo dài từ tháng 3/2022 tới gần cuối năm 2023.

Có một thực tế, nước Mỹ ghi nhận lạm phát vẫn còn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% đã duy trì trong cả thập kỷ trước. Báo cáo mới nhất cho thấy, lạm phát Mỹ ghi nhận trong tháng 12/2023 là 3,4% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 3,1% ghi nhận trong tháng 11.

Đây cũng là yếu tố kéo đồng USD tăng trở lại, với chỉ số DXY tăng vọt lên trên ngưỡng 103 điểm, dù trước từng về ngưỡng 100 điểm vào cuối năm 2023. Giới đầu tư lo ngại Fed có thể chưa đảo chiều hạ lãi suất để tiếp tục kiềm chế lạm phát. Khi đó, sức nặng của một đồng USD và sự trì trệ của nền kinh tế số 1 thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.


bdi2024jan.gif
Chỉ số vận tải biển BDI tăng mạnh vào cuối năm 2024 nhưng gần đây hạ nhiệt dù giá tăng vọt cho những tuyến từ Á sang Âu.

Các nguy cơ khác với kinh tế giới còn có sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản Trung Quốc, tình hình nợ xấu gia tăng tại nền kinh tế số 2 thế giới và tình trạng nợ tư nhân ở mức cao khủng khiếp của Hàn Quốc...

Một tình trạng chung khác ở nhiều nước là sự sụt giảm của tiêu dùng và nợ công tăng nhanh. Tại Mỹ, Business Insider cho hay, về cơ bản người dân đã sử dụng hết tiền tiết kiệm từ thời đại dịch Covid-19. Do vậy, chi tiêu tiêu dùng vẫn ở trong xu hướng giảm.

Trở lại với vấn đề mới phát sinh, giá vận tải biển tăng nhanh nhưng có thể thấy vẫn còn thấp hơn nhiều so với đỉnh ghi nhận hồi năm 2021. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng được đánh giá là có nhưng nhiều khả năng sẽ không nặng nề. Các doanh nghiệp đã có bài học từ đại dịch và có kinh nghiệm để xử lý các vấn đề về hàng tồn kho và chi phí một cách hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, thế giới không rơi vào tình cảnh thiếu hụt số lượng container rỗng như hồi đại dịch hay hồi nghẽn kênh đào Suez do tàu Ever Given bị mắc kẹt đầu năm 2021. Sau khi đạt được lợi nhuận kỷ lục từ năm 2021 tới đầu 2023, nhiều hãng đổ xô mua tàu và dẫn đến tình trạng dư thừa công suất trên thị trường container.

Với Việt Nam, tình hình tươi sáng hơn. Việc chi phí vận tải biển chắc chắn có ảnh hưởng tới kinh tế trong nước. Tuy nhiên, thương mại của Việt Nam với các đối tác lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Do vậy, ảnh hưởng ở khu vực Biển Đỏ có thể không quá lớn. Dù vận tải từ châu Á sang châu Âu gặp khó khi qua Biển Đỏ, nhưng mặt bằng chung vận tải biển với chỉ số BDI gần đây thậm chí còn hạ nhiệt.

Hầu hết các tổ chức dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 sẽ ở mức vượt trội so với thế giới, cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. WB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 5,5%, so với mức 2,4% của thế giới. Động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2024 là xuất khẩu, FDI...

Kinh tế Việt Nam sẽ dễ thở hơn vào nửa sau 2024 khi các nước đồng loạt hạ lãi suất.

Theo Mạnh Hà
Vietnamnet
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com