Toggle navigation
Tăng trưởng kinh tế VN có đà nhờ 'vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu'
15/04/2021 | 02:06 GMT+7
Chia sẻ :
Phân tích của Oxford Economics, cơ quan nghiên cứu và dự báo kinh tế, đưa ra đánh giá tích cực về Việt Nam.
Công nhân xưởng may tại Việt Nam
Công nhân xưởng may tại Việt Nam. Ảnh: GETTY IMAGES

Đánh giá của Sian Fenner, Trưởng nhóm Kinh tế gia Á châu của Oxford Economics, công bố vào ngày 13/4, cũng đưa ra nhận định về khả năng Hoa Kỳ áp thuế với một số danh mục hàng xuất khẩu.

Bản đánh giá mang tựa đề 'Vietnam: Role as a global manufacturing hub will fuel growth', mở đầu bằng việc nhận định rằng trong khi trao đổi mậu dịch thế giới giảm 7,8% trong năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 6,9% trong năm ngoái là con số lạc quan.

Điểm đáng chú ý khác là FDI tăng 0,5% trong năm 2020 đã làm tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất và chế tạo toàn cầu.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi về nhu cầu tăng hàng điện tử toàn cầu và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này,” tác giả nhận xét.

Ngoài máy tính và hàng điện tử khác thì đồ đạc là những mặt hàng có như cầu tăng trong bối cảnh nhu cầu làm việc từ nhà tại toàn cầu ngày càng phổ biến, mặc dù nhu cầu này sẽ giảm trong năm nay khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.

Hưởng lợi sau đại dịch Covid

Sự trở lại trạng thái ‘bình thường mới’ sau đại dịch Covid-19 cũng có nghĩa là mậu dịch thế giới sẽ tăng trở lại và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ khu vực xuất khẩu.

Việt Nam hưởng lợi về đầu tư từ căng thẳng thương mại Mỹ Trung từ thời Tổng thống Trump
Việt Nam hưởng lợi về đầu tư từ căng thẳng thương mại Mỹ Trung từ thời Tổng thống Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Gói kích cầu kinh tế 1,9 ngàn tỉ USD của Hoa Kỳ nhiều khả năng tăng nhu cầu của nước này nhập hàng Việt Nam.

Căng thẳng thương mại Mỹ Trung cũng tạo ra việc chuyển hướng nhập khẩu hàng từ Việt Nam theo đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gần 26% trong năm 2020.

Một số công ty Trung Quốc cũng đã chuyển hoạt động sản xuất và lắp ráp sang Việt Nam do lao động rẻ và tránh thuế cao của Hoa Kỳ khiến Hà Nội được hưởng lợi.

Đánh giá của Oxford Economics trông đợi Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm đến hấp dẫn cho FDI toàn cầu về trung hạn do lợi thế ''gần Trung Quốc'' và các chính sách thu hút FDI có ưu đãi.

Trong khi tác giả đề cập tới khả năng Hoa Kỳ đưa ra biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam liên quan tới cái gọi là “quốc gia thao túng tiền tệ” thì khả năng trừng phạt trên diện rộng là không cao.

Đó là bởi, theo tác giả, Hoa Kỳ cũng không muốn gây trở ngại cho các chuỗi cung ứng là chính các công ty nội địa của mình và rằng Việt Nam đang là một đồng minh chiến lược quan trọng để đối trọng lại với Trung Quốc trong thương mại toàn cầu và trong vùng.

Will Vietnamese state-run firm Vinatex be able to compete in a competitive global market?
Một ví dụ công ty VN - Vinatex bước ra cạnh tranh quốc tế - minh họa từ một bài của BBC Business 2016

Trong trường hợp Hoa Kỳ có đánh thuế 10% vào bốn nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Mỹ là dệt may, máy tính, thiết bị viễn thông và đồ đạc (với tổng giá trị 40,3 tỉ USD), tăng trưởng thường niên của Việt Nam, theo tính toán của Oxford Economics, sẽ chậm lại ở mức 6,4% trong năm 2021-2022.

Theo BBC Tiếng Việt
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com