Toggle navigation
Tầm nhìn thì không thể mơ hồ
31/01/2020 | 09:13 GMT+7
Chia sẻ :
Năm 2020 là cột mốc của một mục tiêu chiến lược mà Việt Nam đã từng theo đuổi trong suốt 20 năm, đó là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mặc dù lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã nhận ra mục tiêu này là ngoài tầm với và điều chỉnh từ năm 2016, nhưng nhắc lại chuyện này cũng không thừa vì 2020 là năm chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, các mục tiêu chiến lược cho 10 hay 20 năm tới chắc chắn sẽ phải được đặt ra và kinh nghiệm thất bại trong quá khứ sẽ ít nhiều có ích.
Liệu có thu được thuế của 76.000 doanh nghiệp “cỡ bự” bị bỏ sót, hay khi quy mô GDP phình ra, doanh nghiệp nhỏ, người nghèo lại thêm gánh nặng thuế? Ảnh: THÀNH HOA.

Quay lại quá khứ, ngay từ đầu không ít chuyên gia kinh tế đã tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của mục tiêu chiến lược này khi mà Việt Nam vẫn còn trong danh sách những nước nghèo nhất với tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người  năm 1996 chưa tới 323 đô la Mỹ/năm và tỷ lệ hộ đói nghèo (theo chuẩn Việt Nam) lên đến 20-25%. Nhưng đó không phải là vấn đề đáng quan tâm.

Đã gọi là mục tiêu, nhất là những mục tiêu của tầm nhìn dài hạn, thì có thể đạt, cũng có thể không. Đó là chuyện bình thường. Điều quan trọng là phải biết rõ mình muốn đạt được những gì, đích đến là ở đâu, nghĩa là phải lượng hóa được chiến lược mang tính tổng quát và chung chung thành những con số cụ thể.

Thế nhưng, trong suốt hàng chục năm sau đó chúng ta vẫn không thể định hình được một cách rõ ràng đâu là những tiêu chí để xác định một nền kinh tế được xem là “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và những mục tiêu cụ thể cần phải theo đuổi để đạt được các tiêu chí đó là gì. Một khi mục tiêu đã mơ hồ, thì cũng không mấy có hy vọng vạch ra được chương trình hành động một cách cụ thể và rõ ràng.

Trong mấy chục năm qua, có những mục tiêu kinh tế và xã hội mà Việt Nam luôn theo đuổi một cách kiên trì và nhất quán. Đó là tốc độ phát triển kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, xóa đói giảm nghèo... và đã đạt được những thành tựu không nhỏ. Quy mô nền kinh tế (GDP) giờ đây đã gấp 10,6 lần năm 1996; kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đã vượt 500 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng, một nền kinh tế mà quy mô sản xuất càng lớn thì mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng nhiều; một nền kinh tế mà công nghiệp vẫn phải dựa vào nhân công giá rẻ để cạnh tranh và xuất khẩu thì vẫn dựa trên nền tảng gia công và lắp ráp ở công đoạn cuối... thì khó có thể xem là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dù chỉ là cơ bản.

Công nghiệp hóa chắc chắn là mục tiêu mà Việt Nam tiếp tục phải theo đuổi, vì đó là con đường để đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để vươn lên. Vấn đề là phải làm thế nào?

Thành công của bóng đá nam của Việt Nam trong hai năm qua có thể là gợi ý hữu ích. Với mục tiêu luôn rõ ràng và nhất quán - vô địch Đông Nam Á và huy chương vàng SEA Game, giải pháp đã dẫn tới thành công là huy động được nguồn lực xã hội vào đào tạo và phát triển bóng đá trẻ; cải thiện thể lực cầu thủ; triệt hạ nạn tiêu cực; hun đúc tinh thần vì màu cờ sắc áo, không sợ hãi, không đầu hàng của cầu thủ; sự ủng hộ hết mình của cổ động viên và điều quan trọng là có được huấn luyện viên tài giỏi.

Với nền kinh tế, thì đó là thu hút được mọi thành phần trong xã hội tham gia vào chương trình khởi nghiệp và sáng tạo; là nuôi dưỡng và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển và lớn mạnh; là xóa bỏ được nạn tham ô, nhũng nhiễu, nhóm lợi ích và tiêu cực. Đó là tinh thần không đầu hàng của cơ quan quản lý nhà nước trước mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và doanh nghiệp thì không còn “sợ lớn”; là sự ủng hộ hết mình của người tiêu dùng; và vị huấn luyện viên tài ba thì không ai khác ngoài Chính phủ. Nếu làm được như vậy, nền kinh tế cũng sẽ có huy chương vàng.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com