Nhiều yếu tố tạo sự đột biến trong quý I năm trước đã không còn xuất hiện trong ba tháng đầu năm 2019.
GDP trong ba tháng đầu năm nay theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê (GSO, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn quý I giai đoạn 2009-2017, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2018.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho rằng, việc sụt giảm so với năm trước do nhiều yếu tố tạo nên sự đột biến trong quý I/2018 đã không còn xuất hiện. "Sau giai đoạn phục hồi năm 2016 và 2017, quý I năm 2018 kinh tế Việt Nam bất ngờ gặp thuận lợi trên mọi lĩnh vực nên tăng trưởng kinh tế đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, sang 2019, bối cảnh nền kinh tế đã không còn thuận lợi như trước", ông Lâm nhận xét.
Yếu tố đầu tiên là tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo - một trong những động lực tăng trưởng chính, bất ngờ giảm gần 2% so với cùng kỳ.
Đánh giá về diễn biến này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp cho biết, một trong những cấu phần quan trọng nhất chiếm 20% ngành chế biến, chế tạo là sản xuất điện tử đã không còn đột biến như giai đoạn đầu năm 2018. "Ba tháng đầu năm trước, ngành sản xuất điện tử với đóng góp chính của Samsung tăng trưởng 34% nhưng quý I năm nay chỉ còn tăng 2,9%", ông Thúy nói và cho biết thêm, quy mô nhân lực ngành sản xuất điện tử trong ba tháng đầu năm nay cũng giảm 5,7% cùng kỳ.
Đóng góp của "đại gia" điện tử Hàn Quốc vào ngành sản xuất công nghiệp sụt giảm cũng kéo theo diễn biến kém tích cực với hoạt động xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu giá trị cao nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện điện tử chỉ đạt 12,1 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, sự suy giảm thương mại toàn cầu với bất đồng giữa các nền kinh tế lớn cũng ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Trong số 9 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô, chỉ 2 mặt hàng giữ được đà tăng như năm 2018 còn lại chỉ duy trì mức tăng thấp. Riêng một số mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, hồ tiêu đều giảm hai con số.
"Với một nền kinh tế có độ mở tới 250% GDP như Việt Nam, mức độ ảnh hưởng của biến động thương mại toàn cầu là rất lớn", ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong quý I năm nay là sự chậm lại của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và đặc biệt là diễn biến bất thường của ngành chăn nuôi.
Trong quý I/2019, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ, chưa tới một nửa so với mức tăng cùng giai đoạn năm trước. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng và lan nhanh khiến tăng trưởng ngành chăn nuôi ở mức âm trong ba tháng đầu năm và dự báo sẽ còn kéo lùi tốc độ tăng trưởng toàn ngành trong những tháng cuối năm.
Không còn những yếu tố tạo nên sự đột biến như năm 2018, trong khi bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường khiến bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay khó đạt được kết quả cao đột biến như năm trước, và đây cũng là những điểm cần lưu ý trong việc điều hành những tháng cuối năm. Dù vậy nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Thống kê vẫn cho rằng con số tăng trưởng trong quý I là "ấn tượng". Một số điểm sáng vẫn được duy trì như ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng tương đương năm trước, GDP tăng cao nhưng lạm phát vẫn giữ ổn định, công tác điều hành giá được đảm bảo.
"Kết quả tăng trưởng GDP trong quý I cao hơn kịch bản thấp mà Tổng cục thống kê đã xây dựng, dù thấp hơn kịch bản cao. Với sự điều hành sát sao của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay vẫn trong khả năng đạt được", ông Lâm nói.
Theo Minh Sơn
VnExpress