Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh
Hộ kinh doanh không chính danh, cơ quan thuế cũng khổ
Bà Tạ Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) đã khiến những người tham gia Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp ngỡ ngàng khi cho biết: “Nếu đúng theo Luật Doanh nghiệp, rất có thể chúng tôi bị quy là thu thuế cả đối tượng vi phạm pháp luật”.
Luật Doanh nghiệp mặc dù không quy định rõ về hộ kinh doanh, nhưng lại có những ràng buộc đáng kể cho khu vực này. Đó là hộ kinh doanh chỉ được hoạt động tại địa điểm đăng ký, không được thuê quá 10 lao động và không được dừng hoạt động quá 12 tháng...
“Quy định vậy, nhưng không có chế tài, nên việc hộ kinh doanh mở thêm cửa hàng, địa điểm kinh doanh rất phổ biến. Ngành thuế không thể không thu thuế, nên phải có xử lý kỹ thuật. Lần này, sửa Luật Doanh nghiệp, đề nghị sửa để chúng tôi không gặp rắc rối về pháp lý như vậy”, bà Lan thẳng thắn.
Đây không phải là rắc rối duy nhất của ngành thuế. Khái niệm không rõ ràng, chưa thống nhất của hộ kinh doanh đang khiến nhiều quy định của ngành buộc phải “đèo” thêm chữ hộ, bên cạnh cá nhân kinh doanh.
Vì với cách tiếp cận của ngành thuế, hộ kinh doanh là cá nhân kinh doanh, đúng như thông lệ, để đảm bảo trách nhiệm cụ thể. Trong khi đó, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định hộ kinh doanh do 1 cá nhân hoặc 1 nhóm người thực hiện.
Kết quả là, trong 5,1 triệu hộ kinh doanh theo thống kê, có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh đang được ngành thuế ghi nhận có phát sinh thuế. Tuy nhiên, số này không đồng nghĩa toàn bộ số hộ kinh doanh có đăng ký.
Sứ mệnh của hộ kinh doanh đã hết?
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico cũng như một số chuyên gia nghiên cứu đặt vấn đề, phải chăng sứ mệnh của hộ kinh doanh trong nền kinh tế Việt Nam không còn?
“Hộ kinh doanh xuất hiện khi nền kinh tế chưa cho phép cá nhân kinh doanh. Mọi việc đã thay đổi, nên khái niệm hộ không còn tương thích với thông lệ quốc tế. Cần phải gọi đúng bản chất là cá nhân kinh doanh hay doanh nghiệp một chủ”, ông Đức nói.
Luật Dân sự cũng không còn khái niệm hộ kinh doanh. Luật Thương mại chỉ quy định về thương nhân, gồm cả cá nhân có đăng ký hay không đăng ký kinh doanh.
“Trong khi đó, nhiều văn bản quy định khác vẫn ghi khái niệm hộ kinh doanh, nên pháp lý bị vướng. Nhiều khi khái niệm thì còn đó, nhưng nội dung bên trong đã là cá nhân kinh doanh, như với ngân hàng, thuế. Vậy tại sao không coi hộ kinh doanh có đăng ký, kinh doanh là doanh nghiệp”, ông Đức nói.
Chính sự không rõ về khái niệm, cách xử lý chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật đã khiến hộ kinh doanh mờ ảo cả về khái niệm lẫn hoạt động. 5,1 triệu hộ kinh doanh chỉ góp 2% tổng thu thuế từ khu vực kinh tế tư nhân, trong khi chi phí để quản lý khu vực này khá lớn.
Nhiều hộ kinh doanh quy mô ngàn tỷ đồng, chi phối cả hệ thống, như tại các chợ đầu mối, hệ thống thu mua nông sản. Trong khi đó, các quy định về lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường.... dù có, nhưng không được các hộ tuân thủ, không có chế tài xử lý.
“Cách hoạt động và quản lý này là không công bằng với doanh nghiệp”, ông Đức nói.
Không bỏ, nhưng không thể bắt hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
“Sẽ không thể có tình trạng hôm nay là chủ hàng phở, mai thành giám đốc công ty bán phở. Quan tâm đến khu vực này là tìm các cơ sở pháp lý để họ phát triển, chuyên nghiệp hơn, hoạt động thuận lợi hơn, chứ không phải bị săm soi bởi các quy định hành chính hay thanh tra, kiểm tra”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ quan điểm.
Mặc dù là người đề nghị xem xét tạo cơ sở pháp lý cho hộ kinh doanh, để hộ kinh doanh bình đẳng về pháp lý với các loại hình doanh nghiệp khác, song ông Lộc cho rằng, mục tiêu chính là cần quan tâm để khu vực này phát triển.
“Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hôm nay là mầm non của doanh nghiệp ngày mai. Họ vững thì doanh nghiệp vững. Họ thiếu minh bạch, không chuyên nghiệp thì cộng đồng doanh nghiệp tới đây khó mạnh mẽ. Quan điểm của chúng tôi là cần có môi trường thực sự thuận lợi để họ phát triển, chứ không phải là nơi cho các những người không muốn làm ăn minh bạch”, ông Lộc nói.
Ông Fushihara Hirota, Tổng giám đốc Công ty UIVN chia sẻ: “Ở Nhật Bản, 54,8% doanh nghiệp là cá nhân kinh doanh. Họ không phải đăng ký kinh doanh, nhưng phải đăng ký với cơ quan thuế để tuân thủ các quy định về thuế. Chúng tôi tạo ra hệ sinh thái riêng cho khu vực này vì những đặc trưng riêng của nó”, ông Fushihara Hirota cho biết.
Ở góc nhìn của Ban Soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lần đầu tiên nhận trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp.
“Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ phải thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh, để tối đa hóa nguồn lực của người dân kinh doanh. Nguyên tắc là cái gì đang cản trở quyền kinh doanh của họ sẽ phải bãi bỏ, còn việc thiết kế chi tiết, đưa hộ kinh doanh vào hay đưa ra khỏi Luật Doanh nghiệp chỉ là kỹ thuật pháp lý”, ông Hiếu cho biết.
Với nguyên tắc này, lo ngại bắt ép các hộ kinh doanh phải trở thành doanh nghiệp, để xử lý tồn tại về sự không rõ ràng trong khái niệm hộ kinh doanh sẽ không diễn ra.
Hà Nội chỉ có 9 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Hải Hùng (Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), kể từ khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 đến nay, Hà Nội mới ghi nhận 9 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tư nhân đăng ký theo Luật Doanh nghiệp cũng rất thấp.
“Bản chất của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh khá tương đồng, nên đây cũng là thực tế mà Ban Soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần lưu ý. Việc người dân lựa chọn hộ kinh doanh hay doanh nghiệp là quyền của họ. Luật pháp chỉ quy định để họ có sự lựa chọn tốt nhất”, ông Hùng nói.
Theo Khánh An
Báo Đầu tư