Toggle navigation
Sao đổi ngôi trong danh mục quỹ tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Vinhomes chiếm hơn 5%
10/06/2018 | 05:02 GMT+7
Chia sẻ :
Sau đợt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 tháng qua, tài sản ròng của quỹ VEIL thuộc Dragon Capital đã trở về mức đầu năm 2017 và top 3 danh mục của VEIL có sự thay đổi.
Theo báo cáo tài sản của quỹ VEIL do Dragon Capital (DC) quản lý, tính đến cuối tháng 5, tài sản ròng (NAV) của quỹ ở mức gần 1,6 tỷ USD, tương đương 7,12 USD/ccq. Tính chung trong tháng 5, NAV của quỹ đã giảm 4,7%, tương đương ‘bốc hơi’ 77 triệu USD.

Tính từ mức đỉnh, NAV của VEIL đã giảm 17% và tài sản ròng của quỹ này cũng giảm hơn 300 triệu USD trong đợt điều chỉnh của thị trường. So với thời điểm đầu năm, NAV của VEIL chỉ còn tăng 0,85%, trong khi VN-Index giảm 1,13%.

Nhìn lại năm 2017, quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng NAV hơn 60%, kết quả tốt nhất của quỹ từ năm 2013 đến nay (cao hơn mức tăng của VN-Index ở mức 52,75%).


Cùng với sự biến động của thị trường, top 10 danh mục cổ phiếu của VEIL có sự biến động so với năm 2017.

Tính đến cuối tháng 5, ba khoản đầu tư lớn nhất của quỹ là cổ phiếu ACB - Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB), MWG - Thế giới di động và SAB – Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB, Sabeco). Trong đó, ACB chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7,75% NAV, MWG chiếm 7,02% NAV và Sabeco chiếm 5,93% NAV.

SAB là khoản đầu tư mới xuất hiện trong top 10 của VEIL trong năm 2018. Theo thông tin công bố, giữa tháng 3, bảy quỹ thuộc nhóm của Dragon Capital đã bất ngờ mua 15,3 triệu cổ phiếu SAB. Sau gia dịch, quỹ này đã sở hữu 2,9% vốn của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam, tương đương 1/4 lượng cổ phiếu tự do lưu hành.

Tính theo giá thị trường tại thời điểm DC mua vào (quanh mức 214.000 đồng/cp), lượng cổ phần SAB có giá trị gần 3.300 tỷ đồng. Sau thương vụ này, SAB lần đầu xuất hiện trong top 10 khoản đầu tư lớn của DC ở vị trí thứ 6, chiếm 5,06% NAV, theo báo cáo tuần đầu tháng 4 của quỹ. Đến tháng 5, SAB đã vượt qua MBB trở thành khoản đầu tư lớn thứ 3 của DC.

Một nhân tố mới trong danh sách top 10 của DC là khoản đầu tư vào CTCP Vinhomes (HOSE: VHM), xuất hiện ngay sau khi cổ phần của đơn vị này niêm yết trên sàn HOSE. Giá trị đầu tư vào VHM chiếm 5,11% NAV của quỹ, tương đương khoảng 82 triệu USD, xếp thứ 6 trong danh mục đầu tư.

Cổ phiếu VHM chính thức niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 17/5 với giá 92.100 đồng/cp. Sau phiên chào sàn, ngày 18/5, hơn 249 triệu cp VHM đã được trao tay tại mức giá 114.700 đồng/cp theo phương thức thỏa thuận. Tổng giá trị giao dịch ước tính khoảng 28.560 tỷ đồng (gần 1,29 tỷ USD), toàn bộ là giao dịch khối ngoại mua ròng. Trong số này, có sự góp mặt của Dragon Capital.

Tính đến phiên ngày 8/6, thị giá VHM ở mức 120.000 đồng/cp, tăng 4,6 so với giá chào bán cho cổ đông lớn. Sau khi lên sàn, VHM đã trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam, gần 321.553 tỷ đồng, chỉ sau công ty mẹ Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC).



Phần còn lại trong top 10 danh mục của DC vẫn là những cái tên lâu năm như MBB- Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB), chiếm 5,81% NAV; KDH - CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH), chiếm 5,47% NAV; VNM - CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) chiếm 4,34% NAV; HPG – CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) chiếm 4,34% NAV…

VNM từng là khoản đầu tư lớn thứ 2 của DC vào thời điểm cuối năm 2017, chiếm 7,51% NAV. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, tỷ trọng khoản đầu tư này giảm chỉ còn 4,34% NAV và rơi xuống vị trí thứ 7. Theo thông tin từ TBKTSG, ngày 23-5-2018, các quỹ do Dragon Capital quản lý, bán thông qua giao dịch thỏa thuận 5,5 triệu cổ phiếu Vinamilk trị giá 902 tỉ đồng cho Jardine Matheson.

Những diễn biến thay đổi trong tỷ trọng đầu tư của Dragon Capital là ví dụ rõ nhất cho thấy việc tái cơ cấu danh mục của các quỹ trong thời gian qua.

Theo Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI), nhiều cổ phiếu mới lên sàn đã tác động làm thay đổi cơ cấu thị trường cũng như tỷ trọng danh mục các chỉ số và các quỹ đầu tư.

Nhiều quỹ phải cân đối lại danh mục bằng cách bán ra lượng vốn đang nắm giữ để mua vào các cổ phiếu mới. Điều này cũng giúp lý giải một phần nguyên nhân khối ngoại liên tục bán ròng trên sàn trong tháng 4 và tháng 5. Hoạt động này đã gây áp lực lớn lên các cổ phiếu trên sàn cũng như chỉ số chung một cách có hệ thống.

Sau hơn 1 tháng điều chỉnh, thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày đầu tháng 6 đang có những chuyển biến tích cực. VN-Index đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp, tăng 6,7% so với thời điểm cuối tháng 5, và tăng 11% từ mức ‘đáy’ của năm 2018.



Cùng với sự hồi phục của thị trường, khối ngoại cũng bắt đầu mua ròng trở lại, tính từ đầu tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 564 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường ở quanh mức 4.400 tỷ đồng mỗi phiên.

SSI Research cho rằng, sau đợt giảm sâu vừa qua, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đã về mức hợp lý hơn. P/E VN-Index giảm từ 21,5x về mức 18x. Nếu không tính VHM mới niêm yết trong tháng, P/E thị trường chỉ còn 16,1x, ngang với mức trung bình của giai đoạn đầu 2017. Thị trường chứng khoán đã quay trở lại nền định giá cũ, tăng trưởng của thị giá phù hợp hơn với mức tăng trưởng lợi nhuận.

Theo Vinacorp.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com