Toggle navigation
Ông Nguyễn Duy Hưng: Bất cứ lúc nào cũng có cơ hội cho nhà đầu tư mua và bán
25/04/2018 | 03:00 GMT+7
Chia sẻ :
Mục tiêu của chúng tôi muốn mọi người khi nhắc đến chứng khoán là nhớ tới SSI, như người ta nhắc đến xe máy là nghĩ ngay tới Honda. Nhà đầu tư không cần phải dịch Chứng khoán Sài Gòn tên tiếng Anh là SSI, mà chỉ cần nhớ tới thương hiệu SSI".
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang từ đỉnh lịch sử 1.200 điểm rơi hơn 100 điểm chỉ trong 2 tuần. Trước đó 2 tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI ông Nguyễn Duy Hưng đã dự báo về giai đoạn nhạy cảm của thị trường. Tại đại hội cổ đông thường niên 2018, đã có rất nhiều thắc mắc của nhà đầu tư đặt ra cho vị lãnh đạo của CTCK lớn nhất thị trường về những rủi ro có thể gặp phải trong thời gian tới. Dưới đây là những ghi chép câu trả lời của ông Nguyễn Duy Hưng bên lề đại hội.



Thưa ông, ông đã có những nhận định thận trọng về thị trường, một số CTCK cũng đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư hạn chế giao dịch, vậy theo ông sự điều chỉnh hiện tại là cần thiết?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Theo góc nhìn của tôi có nhiều yếu tố đánh giá thị trường tốt hay xấu, không phải chỉ nhìn vào chỉ số Vn-Index. Mục tiêu chính của TTCK là huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Năm nay huy động vốn trên TTCK rất tốt và nhiều doanh nghiệp, ngân hàng dựa vào đó đã huy động vốn rất nhiều. Tôi cho rằng sự điều chỉnh của chỉ số sẽ giúp thị trường phát triển bền vững bởi không có gì lên mãi và xuống mãi. Nếu ai cũng nghĩ cổ phiếu tăng liên tục thì không có người bán và ngược lại, nếu ai cũng nhìn xuống thì ai mua. Việc thị trường đã tăng liên tục từ 900 điểm lên 1.200 điểm thì việc điều chỉnh là bình thường. Lên xuống là do cung cầu thị trường quyết định. Không ai có thể làm cho thị trường lên hay xuống.

Về việc nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu vốn hóa lớn, có một số cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài cho rằng đây là lúc cần bán nhưng cũng có những cổ phiếu không xuống nhiều. Nói tóm lại không thể nào có một khái niệm chung lên xuống tốt xấu cho tất cả cổ phiếu trên thị trường, mà phải lựa chọn và bất cứ lúc nào cũng có cơ hội cho nhà đầu tư mua và bán.

Theo ông, tỷ lệ margin trên thị trường hiện có phải đang ở mức quá cao và thị trường đang “chạy trước” động thái của UBCK trong việc siết margin? SSI có tham gia vào quá trình siết margin ở thời điểm hiện tại không?

Thật ra mọi người đang tưởng tượng tỷ lệ cho vay đang ở mức rất cao rồi liên hệ với thị trường cổ phiếu và thấy rủi ro. UBCK là cơ quan quản lý và có trách nhiệm với toàn bộ thị trường, họ đã có nhiều biện pháp để kiểm soát rủi ro nên hiện tại rủi ro về margin trên thị trường không quá lớn như mọi người nghĩ.

Trong 3 tháng đầu năm 2018, dư nợ cho vay margin tại SSI bình quân hơn 6.200 tỷ. Việc áp dụng tỷ lệ margin, hạn mức với từng cổ phiếu tại từng thời điểm thì SSI có mục tiêu của SSI, nhưng chắc chắn không bao giờ SSI siết margin chung. Nguồn vốn tại SSI luôn sẵn sàng và chúng tôi kiểm soát rủi ro tại từng mã dựa trên tỷ lệ margin, hạn mức cho vay và thanh khoản chứ không có công thức áp dụng chung. Nếu room cho vay tại mã đó vượt hạn mức, hoặc giới hạn của một nhà đầu tư không được vay quá bao nhiêu phần trăm…tất cả đều được quản lý bằng thuật toán rất minh bạch.

Tại sao ông lại muốn đổi tên công ty trong thời điểm này?

Đây là cơ hội vô cùng tuyệt vời để thương hiệu SSI lan toả hơn, nhằm tăng độ nhận diện thương hiệu cho SSI, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của chúng tôi muốn mọi người khi nhắc đến chứng khoán là nhớ tới SSI, như người ta nhắc đến xe máy là nghĩ ngay tới Honda. Nhà đầu tư không cần phải dịch Chứng khoán Sài Gòn tên tiếng Anh là SSI, mà chỉ cần nhớ tới thương hiệu SSI. Bản thân thương hiệu SSI đã rất thành công trên thị trường.

Năm 2009, SSI đã thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu với biểu tượng chín sọc trắng trên nền đỏ cách điệu thành 3 chữ cái SSI. Cảm hứng chủ đạo cho hệ thống nhận diện thương hiệu của SSI bắt nguồn từ dòng sông Mêkông thường được người Việt Nam biết đến với tên gọi sông Cửu Long. Nơi nào có dòng chảy Mêkông bắt ngang qua, nơi đó đời sống người dân được no đủ, sung túc. Đây cũng là định hướng của SSI - cam kết đem lại thành công cho khách hàng, cổ đông, cộng sự và cộng đồng xã hội nơi SSI hoạt động.

Nhìn thấy SSI hiểu ngay đó là chứng khoán, là biểu tượng của 9 nhánh của dòng sông Mekong, là sự trù phú của người Việt.

Ông đặt kế hoạch năm nay lãi trước thuế 1.600 tỷ, tăng 15% so với thực hiện năm trước, tỷ lệ này có quá thấp so với tốc độ tăng của các CTCK khác?

Năm nay chúng tôi đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 15% so với thực hiện năm trước nhưng cao hơn 40% so với kế hoạch năm 2017. Tôi cho rằng trong bất cứ ngành nào tốc độ tăng trưởng 40% không phải là con số dở, và lịch sử của SSI thường là năm nào cũng vượt kế hoạch. Với các công ty ở quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng 40% là quá nhanh, và nếu tăng nhanh quá các tổ chức lớn sẽ nhìn thấy rủi ro, việc đặt kế hoạch tăng trưởng phải có cơ sở và bền vững.

Năm nay chúng tôi đặt chỉ tiêu hướng tới 18% thị phần môi giới cổ phiếu, sau quý 1 đạt con số gần 19% và khoảng cách với CTCK thứ hai đã chênh nhau rất nhiều. Tất nhiên, SSI đặt mục tiêu dẫn đầu tại tất cả các lĩnh vực và SSI có lợi thế là có bộ phận Nguồn vốn hoạt động rất hiệu quả. Các tổ chức tài chính đưa định mức tín nhiệm tốt nhất cho SSI, nhờ đó trái phiếu doanh nghiệp do SSI phát hành với lãi suất rất cạnh tranh. Khi có nguồn vốn, chúng tôi có thể đầu tư vào những lĩnh vực sinh lời khác, kinh doanh nguồn vốn không cần vốn nhưng mang lại lợi nhuận tốt.

Tại đại hội cổ đông ông có nhắc đến việc SSI đang đẩy mạnh mảng IB, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Hai năm trở lại đây mảng Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư (IB) của SSI đã chuyển mình mạnh mẽ hơn bởi trước đây các thương vụ IB chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước, do đó SSI không có nhiều lợi thế. Gần đây các thương vụ IB tại các doanh nghiệp tư nhân bùng nổ và các ngân hàng và các tổ chức quốc tế tên tuổi trên thế giới tham gia bảo lãnh như Goldman Sachs, Morgan Stanley tham gia vào thị trường Việt Nam, họ muốn chọn các công ty trong nước có uy tín do đó họ nhìn SSI như một đối tác tốt nhất để kết hợp. Như trong năm qua chúng tôi đã thực hiện các deal lớn như tư vấn bán Vinamilk, Vincom Retail, hay gần nhất là TienphongBank, Vinhomes…Rõ ràng mọi chuyện đang chuyển biến theo chiều hướng tốt.

Vậy theo ông khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài đang ưa thích cổ phiếu trong ngành nào?

Không có khẩu vị chung cho các nhà đầu tư, nhưng nhìn chung khi nền kinh tế phục hồi cổ phiếu đầu tiên hưởng lợi là ngân hàng và bất động sản. Có nhiều cổ phiếu trước đây bán không ai mua nhưng hiện tại nhà đầu tư thậm chí trả giá cao, đó là cơ hội cho các ngân hàng và doanh nghiệp huy động vốn. Nhưng tôi nhắc lại, không có gì lên mãi và không có gì xấu mãi.

Thời gian gần đây nhiều CTCK Hàn Quốc, Đài Loan mua lại CTCK nhỏ trong nước để tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam, ông có lo ngại cạnh tranh trong ngành?

10 năm trước có thể mình ngại doanh nghiệp nước ngoài nhưng hiện tại nếu các bạn tiếp xúc với đội ngũ của SSI thì so với các nhân sự quốc tế làm việc tại Việt Nam chúng tôi không chênh lệch nhiều, thậm chí mình được lợi hơn. Sự cạnh tranh trong ngành là tốt và cần thiết để SSI ngày càng hoàn thiện mình và không chủ quan. Có thời điểm SSI đã mất thị phần vào tay chứng khoán Thăng Long (nay là MBS) và chúng tôi đã nhìn lại sau đó bứt phá nhanh hơn.

Để có thể gia tăng thị phần, chúng ta không thể chỉ chào bán cái chúng ta có, sức hút của chúng tôi ở chỗ chúng tôi lắng nghe khách hàng cần gì và cung cấp các sản phẩm tài chính mà khách hàng cần. Do là nguyên lí của SSI và nhờ đó chúng tôi gia tăng thị phần cả ở các mảng môi giới, IB và tự doanh. Một trong các thương vụ thành công của SSI năm ngoái là Petrolimex (PLX – HOSE). Trước đây mọi người lo ngại đó là một doanh nghiệp nhà nước nhưng thực tế sau khi SSI tham gia tư vấn các nhà đầu tư đã nhìn thấy các điểm mạnh của PLX và hệ sinh thái mà các đối thủ cạnh tranh không thể bắt kịp. Mặc dù có mạng lưới các công ty con và hàng nghìn cửa hàng trực thuộc trên 63 tỉnh thành nhưng chưa bao giờ PLX nộp muộn báo cáo. Và cổ phiếu PLX đã tăng rất tốt kể từ khi chào sàn. Điều đó cho thấy rằng chúng ta phải hiểu khách hàng cần gì và chào bán đúng cái họ cần, chứ không phải tự vỗ ngực cái mình hay mình tốt.

Quay lại câu chuyện thị trường, theo ông rủi ro hiện nay của thị trường là gì?

Rủi ro hiện nay của thị trường theo tôi là do tác động từ thị trường thế giới đi vào chu kỳ 10 năm và phụ thuộc vào Tổng thống Mỹ Donald Trump. Rõ ràng chính sách không thống nhất trong các tweet của Tổng thống Mỹ gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường thế giới, các quốc gia đều có kế hoạch hành động riêng và khi mọi chuyện thay đổi quá nhanh sẽ gây ra rủi ro rất lớn.

Việc FED tăng lãi suất có tác động đến thị trường tài chính không thưa ông?

Tôi cho rằng hiện nhà đầu tư quan tâm đến chỉ số việc làm của Mỹ nhiều hơn. Rõ ràng các chính sách của Tổng thống Mỹ trong thời gian qua chủ yếu nhằm kéo việc làm quay trở lại Mỹ, nhưng chỉ số này lại không tăng. Nhưng thực sự, tôi chưa nhìn thấy nguy cơ đổ vỡ cao trong năm 2018.

Theo Viancorp.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com