Tỷ lệ nợ xấu nội bảng quý 1/2019 chỉ 2,02% nhưng nếu tính thêm nợ bán cho VAMC chưa xử lý, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu lên tới 5,88%.
Ảnh: Thanhnien.vn
Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Du, tại họp báo hôm 13.6, cho biết, các biện pháp xử lý nợ xấu đươc triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của các hệ thống tín dụng.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3.2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3.2019 là 2,02%. Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42: Lũy kế từ 15.8 đến cuối 3.2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 tỷ đồng.
Liên quan đến mua nợ của công ty quản lý tài sản (VAMC), Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, nói rằng công ty này đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với tổng dư nợ gốc nội bảng là 338.849 tỉ đồng, giá mua là 307.567 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2018, VAMC đã mua 761 khoản nợ của 13 tổ chức tín dụng với tổng số dư nợ gốc nội bảng là 30.917 tỉ đồng, giá mua nợ là 29.812 tỉ đồng, đạt 93,2% so với khối lượng trái phiếu đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
VAMC năm 2019 đặt mục tiêu mua nợ bằng trái phiếu với giá trị 20.000 tỉ đồng, mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt 4.500 tỉ đồng. Đồng thời thu hồi nợ xấu tăng mạnh từ 37.512 tỉ đồng trong năm 2018 lên 50.000 tỉ đồng.
Theo Nghị quyết 01 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019, Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) về dưới 5%.
Nhìn vào số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng nợ xấu đã bớt xấu hơn khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối quý 1/2019 chỉ ở mức 2,02%. Thế nhưng, nếu tính thêm nợ bán cho VAMC chưa xử lý, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu lên tới 5,88%.
Chẳng hạn, BIDV và VietinBank, dù đã duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này, khi nợ xấu của VietinBank bán cho VAMC tăng lên mức 13.400 tỷ đồng sau khi sạch nợ vào quý 2/2018 và tổng nợ xấu của BIDV, sau kiểm toán cuối năm 2018 của Ernst&Young, đã trên 18.802 tỉ đồng, chiếm 1,9%.
Tại họp báo này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết 42, đẩy mạnh xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống 2%.
Theo Vân Nguyễn
Nhịp cầu đầu tư