Lãng phí ngày càng lớn khi khối tài sản gồm nhà xưởng, trang thiết bị với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng tại Nhà máy Điện - Thép Cái Lân vẫn nằm im lìm, phủ bụi cùng năm tháng. Ảnh: Anh Minh
Kỳ I: Hoang lạnh khối sắt thép ngàn tỷ
Những dự án thất thoát, gây lãng phí lớn vẫn như cơn đại dịch tàn phá cơ thể nền kinh tế, để lại di chứng đau đớn, rất khó khắc phục, điển hình là cụm Nhà máy Điện - Thép Cái Lân do Vinashin đầu tư tại Khu công nghiệp Cái Lân - Quảng Ninh với khoản nợ, lỗ đã vọt lên tới 5.000 tỷ đồng.
Phế tích bên vịnh cửa lục
Nằm cách Quốc lộ 18, đoạn dẫn lên cầu Bãi Cháy nườm nượp xe qua lại chưa đầy 500 mét, Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân rộng hơn 15 ha tại KCN Cái Lân thuộc phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tĩnh mịch như một ốc đảo. Lau lách, cỏ dại mọc rậm rạp, cao ngút đầu người bao bọc quanh đoạn đường dẫn vào Nhà máy vốn đã bị bong bật hết lớp bê tông nhựa, trơ ra những ổ voi, khiến cụm công nghiệp này như một phế tích lớn.
Cơn giông lớn đầu mùa thốc gió từ phía vịnh Cửa Lục, cuốn theo từng đám bụi nâu vàng bay vào khu nhà xưởng chính, tiếp tục bám dày trên giàn máy các loại nặng hàng chục ngàn tấn được nhập từ Trung Quốc đã hoen rỉ, trơ vảy thép sau gần 7-8 năm nằm câm lặng.
Ông Hoàng Việt Văn, 41 tuổi, tóc muối tiêu cắt ngắn, nhận chức Giám đốc Công ty Cán nóng thép tấm Cái Lân - đơn vị do Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (thành viên của SBIC) sở hữu 100% vốn điều lệ từ năm 2013, tiếp khách tại căn phòng làm việc khả dĩ nhất trong khu nhà điều hành bị vỡ gần hết cửa kính. Ông Văn là một trong 33 cán bộ, công nhân còn sót lại trong số hơn 400 lao động từng nằm trong danh sách nhận lương của Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân. 33 con người nhẫn nại bám trụ nhà máy với mức lương bình quân cả “tướng” lẫn “quân” là 4 triệu đồng/người/tháng.
“Chúng tôi gần như bị bỏ quên. Tổng công ty và Công ty mẹ lâm vào tình trạng khó khăn nên chẳng hỗ trợ được gì. Anh em chúng tôi tự bươn chải, bòn mót để trả lương, tiền điện trông coi Nhà máy”, ông Văn cho biết.
Mấy năm trước, Công ty Cán nóng thép tấm Cái Lân còn cho thuê được một phần diện tích kho thành phẩm, nhưng từ hơn hai năm trở lại đây, đối tác đã trả bớt do chê đường vào khó khăn, nên nguồn thu chính chỉ còn từ việc bán... nước mưa. Hai bể lớn dung tích hơn 5.000 m3 được thiết kế để chứa nước làm mát, nay được Công ty tận dụng để chứa nước mưa rồi đem bán lại cho một trạm trộn bê tông bên cạnh. Nguồn thu từ “trên giời rơi xuống” này chỉ khoảng 300 triệu đồng/năm, được lãnh đạo Công ty ưu tiên trả lương cho 22 bảo vệ thời vụ vốn là các cán bộ của Nhà máy cán nóng thép tấm, nghỉ chế độ trước tuổi và tiền điện thắp sáng phục vụ công tác bảo vệ. Lương thấp nên lãnh đạo Công ty cũng đành tháo khoán cho cán bộ văn phòng, tài chính kế toán (khoảng 8 người) chỉ đến làm việc vào buổi sáng, thời gian còn lại bươn chải bên ngoài.
Nếu không làm như vậy, những cán bộ cuối cùng còn nắm được thông tin về sổ sách, tài chính sẽ nghỉ hết. Khi có việc cần, có gọi lại cũng không được - ông Văn lý giải và không ngần ngại chia sẻ việc mình cũng đang phải nhận đi làm thuê cho 1 doanh nghiệp logistics bên ngoài để có tiền nuôi vợ con.
“Công việc ở nhà máy cũng không nhiều nhặn gì, ngoài việc trông coi tài sản và thỉnh thoảng làm báo cáo cập nhật nợ, lỗ lên cấp trên”, ông Văn cho biết.
Nợ tăng từng ngày, tài sản tiêu tán…
Triển khai đầu tư vào đầu năm 2003 - giai đoạn cực thịnh của ngành đóng tàu, Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân có công suất 500.000 tấn/năm, được Vinashin hình thành từ 5 dự án. Trong đó, Dự án Xây dựng hạ tầng Nhà máy thép, Dự án Đấu nối điện 110 KV, Dự án Xây dựng nhà máy điện Diesel do Công ty TNHH MVT Công nghiệp tàu thủy Cái Lân làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng Nhà máy cán nóng thép tấm, công suất 500.000 tấn/năm và Dự án xây lắp các công trình và hệ thống phụ trợ cho Nhà máy cán nóng thép tấm được Vinashin giao cho Công ty TNHH MTV cán nóng thép tấm Cái Lân trực tiếp thực hiện.
Tính đến năm 2010, Công ty TNHH MTV cán nóng thép tấm Cái Lân đã vay Vinashin (SBIC) và Công ty Tài chính tàu thủy 54,9 triệu USD và 655 tỷ đồng để ném vào 2 dự án: Xây dựng Nhà máy cán nóng thép tấm công suất 500.000 tấn/năm và xây lắp các công trình và hệ thống phụ trợ cho Nhà máy cán nóng thép tấm. Nếu cộng cả cụm công nghiệp Điện - Thép Cái Lân, thì hơn 3.500 tỷ đồng đã được Vinashin bơm vào chủ yếu từ nguồn trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh trị giá hơn 1 tỷ USD và 600 triệu USD vay trực tiếp từ các định chế tài chính quốc tế.
Các dự án này, về cơ bản đều chưa được đầu tư hoàn chỉnh, trong đó Nhà máy thép mới chỉ vận hành thử một lần duy nhất vào giữa năm 2010, với khoảng 5.000 tấn thành phẩm rồi lại ngưng lò do công nghệ lạc hậu, không cạnh tranh được với thép Trung Quốc.
“Nói nhà máy chưa từng vận hành là “hơi oan”, vì trong giai đoạn chạy thử từ tháng 6 - tháng 8/2010, dây chuyền này đã được Tổng thầu vận hành thử, cán được 5.000 tấn thép với kết quả đạt chất lượng”, ông Văn phân bua.
Theo ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC, từ năm 2014 đến nay, toàn bộ doanh thu của Công ty Cán nóng thép tấm Cái Lân đến từ việc tận thu hạ tầng như cho thuê văn phòng, nhà kho, mặt bằng. Việc khai thác này không mang lại doanh thu lớn, ổn định, chỉ đủ trả chi phí điện, nước, một phần lương cho cán bộ công nhân. Thu không đủ bù đắp chi phí lãi vay và khấu hao tài sản, nên hàng năm Công ty Cán nóng thép tấm Cái Lân vẫn tiếp tục phát sinh thua lỗ lớn.
Tính đến tháng 6/2018, tổng nợ phải trả của đơn vị đã lên tới 4.934 tỷ đồng và hiện đã vượt quá con số 5.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản chỉ có 4.097 tỷ đồng.
Đáng lo ngại là hơn 80% khoản vay đầu tư vào Nhà máy thép được Vinashin và Công ty Tài chính tàu thủy cho Công ty Cán nóng thép tấm Cái Lân vay lại bằng USD với lãi suất lên tới 6 - 7,5%/năm, nên mỗi ngày, nợ lãi của Công ty tự động phình thêm khoảng 1 tỷ đồng.
“Gần 10 năm nay, Công ty không trả nợ được một đồng nào, nên hiện nợ lãi đã lên tới hơn 2.200 tỷ đồng, vượt quá cả nợ gốc”, ông Văn cho biết.
Nằm cách khu phế tích thép không xa là Nhà máy Điện diesel Cái Lân có chi phí đầu tư hơn 900 tỷ đồng, gồm 6 tổ máy với công suất 6,5 MW/tổ máy, có mục tiêu là cung cấp nguồn điện dự phòng cho Nhà máy cán nóng thép tấm. Trong khi chờ nhà máy thép hoạt động, để giảm áp lực dư luận, Vinashin vội vã bơm vào đây 300 tỷ đồng để xây dựng đấu nối điện 110 KV với hy vọng có nguồn thu từ bán điện thương phẩm lên điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, do giá thành quá cao, Nhà máy điện cũng chỉ chạy được ít tháng rồi nguội lò từ cuối năm 2009, trước khi thép ra được mẻ sản phẩm thử đầu tiên.
Hiện tình trạng chết lâm sàng đã lan khắp cụm công nghiệp phụ trợ đóng tàu của SBIC rộng hơn 30 ha. Các nhà máy được Vinashin lập ra với hy vọng khép kín chu trình chế tạo tàu biển, như Nhà máy Cửa nhựa, Nhà máy cấu kiện thép trị giá hàng trăm tỷ đồng được đầu tư trong lúc ngành công nghiệp đóng tàu cực thịnh đều đã tan hoang, chìm trong lau lách. Riêng cụm điện Cái Lân gồm 2 dự án: Nhà máy Điện Cái Lân và công trình đấu nối Nhà máy Điện Cái Lân dù đang được niêm phong, cửa đóng then cài, nhưng trước đó, máy móc đã bị mất mát khá nhiều. Do không có kinh phí, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân chỉ duy trì được một lực lượng bảo vệ rất mỏng, trong khi địa bàn khu vực Cái Lân lại nổi tiếng phức tạp ở Quảng Ninh, nên nếu có bị mất cắp cũng là điều dễ hiểu.
Chúng tôi rời Cái Lân khi chiều dần buông, khu Cụm Điện - Thép Cái Lân lại chìm nghỉm trong bóng tối giữa vô vàn khoảng sáng lung linh bên vịnh Cửa Lục. Ở cụm Điện - Thép bây giờ mọi thứ đều đang han rỉ, đặc biệt là niềm tin về ngày nhà máy có thể sống lại, nhất là đối với những người đang sống mòn, mỗi ngày phải chứng kiến cảnh khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng đang rơi vào cảnh hoang tàn, mục nát như ông Văn.
Chỉ mong hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước không bị lãng quên
Cơn giông đến và đi quá nhanh, không làm dịu sự bức bối, lo lắng của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân khi các bể nước mưa đã sắp cạn đáy và tiền thuê kho vẫn chưa được chủ hàng thanh toán. Ông Văn nhìn mặt sân bê tông trước nhà điều hành vẫn đang cuộn hơi nóng, bần thần cho biết, từ đầu năm đến nay, hơn 30 lãnh đạo, nhân viên Công ty đã bị chậm lương 3 tháng. Đó là chưa tính đến khoản nợ bảo hiểm xã hội lâu năm tại Công ty đã lên tới hơn 6 tỷ đồng và liên tục bị Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ninh dọa kiện ra tòa.
“Tình cảnh là rất bi đát. Giá có người mua cỏ lau, lách trong khuôn viên Nhà máy, chúng tôi sẵn sàng cắt bán để có tiền sống. Hơn ba chục anh chị em chúng tôi “sống mòn” nhiều năm nay, chỉ mong khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng không bị lãng quên, có cơ hội tái sinh để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước”, ông Văn đau đáu.
(Còn tiếp)
Theo Bảo Như
Báo Đầu tư